Còn đâu giá đậu ngày xưa!

Thứ sáu, ngày 30/11/2012

Hàng ngày, mọi người vẫn vô tư ăn giá mà hoàn toàn không biết người làm ra loại rau mầm từ hạt đậu đã sử dụng hóa chất không được phép để ủ. Điều đáng nói là loại giá đậu nói trên hiện đang được bày bán ngày càng nhiều; đồng thời “giết chết” nghề ủ giá theo phương pháp truyền thống!  

 Cơ quan chức năng kiểm tra giá đậu tại chợ Dầu Tiếng

Lạm dụng hóa chất

Qua kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đậu, rau mầm trên địa bàn tỉnh, Thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã phát hiện rất nhiều cơ sở sử dụng hóa chất có xuất xứ từ Trung Quốc để ủ. Cụ thể, qua kiểm tra 48 hộ (TX.Dĩ An 5 hộ, Thuận An 11 hộ, Tân Uyên 4 hộ, Bến Cát 13 hộ, Dầu Tiếng 3 hộ, TP.TDM 12 hộ) thì chỉ có 5 cơ sở không sử dụng hóa chất trong sản xuất giá đậu, các cơ sở còn lại đều có sử dụng hóa chất không có trong danh mục thuốc BVTV ở Việt Nam.

Theo anh Thanh, quy trình sản xuất giá truyền thống phải trải qua 6 bước từ làm sạch nguyên liệu, sau đó ngâm rồi vớt đậu cho ráo nước, tiếp đó mới cho vào lu ủ. Trong quá trình ủ, cứ cách khoảng 2 giờ đồng hồ là tưới nước một lần, sau khoảng 4 ngày 5 đêm thì thu hoạch. Cây giá ủ theo phương pháp này thường hơi ốm, màu không trắng và có rễ, nhưng hoàn toàn không độc hại đối với sức khỏe.

Các hộ sản xuất giá đậu này cũng không có nhật ký ghi chép, quy trình sản xuất, chưa qua tập huấn về quy trình sản xuất và không có giấy chứng nhận sản xuất, kinh doanh và giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Hóa chất được sử dụng để ủ giá lại không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn bằng tiếng Việt, trên bao bì ghi toàn chữ Trung Quốc, không ghi địa chỉ, số điện thoại…

Ngoài việc sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong quá trình ủ giá, thì nguyên liệu ủ giá là đậu xanh, đậu vàng cũng là sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Các thông tin in ấn trên bao bì nguyên liệu ghi không rõ ràng về nhà cung cấp, nguồn gốc và xuất xứ. Nguồn nguyên liệu đậu xanh và hóa chất ủ giá được các mối lái ở Tây Ninh, TP.HCM giao tận nơi cho các hộ sản xuất giá. Theo bà Trần Kim Xuân, một hộ sản xuất giá tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát thì ngay cả người sản xuất giá như bà cũng không biết đó là chất gì, chỉ biết chất này có chức năng làm giá mập và trắng!

Bao giờ trở lại… ngày xưa!

Theo điều tra riêng của chúng tôi thì trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn duy nhất một cơ sở sản xuất giá đậu tại thị trấn Dầu Tiếng là còn ủ giá theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, công suất của cơ sở này hiện đã giảm, quy mô bị thu hẹp so với trước đây do không cạnh tranh nổi với các nhà sản xuất giá các nơi khác. Anh Võ Tuấn Thanh, chủ cơ sở ủ giá truyền thống nói trên cho biết: “Gia đình tôi làm nghề này được 30 năm. Trước đây, chúng tôi ủ rất nhiều và cung cấp cho cả khu vực rộng lớn từ thị trấn Dầu Tiếng xuống tận Bến Cát. Còn bây giờ, nhiều cơ sở sử dụng hóa chất để ủ giá nên cây giá trắng, mập và giá thành rẻ đã thu hút nhiều người mua, đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn… nên chúng tôi buộc phải thu hẹp quy mô cũng như công suất”.

Nhìn đống lu hủ hơn 100 chiếc dùng để ủ giá của cơ sở anh Thanh phải bỏ không, chúng tôi biết những gì anh Thanh nói đều là sự thật. “Khi thấy loại giá quá đẹp bày bán ở chợ, tôi liền cất công tìm hiểu và được biết muốn cho ra được cây giá đậu trắng, mập và không có rễ thì phải sử dụng hóa chất. Sau mấy ngày suy nghĩ, tôi quyết định vẫn làm theo phương pháp cũ của gia đình, không chạy theo cách ủ giá mới có sử dụng hóa chất vì có thể gây hại cho người tiêu dùng (NTD)”, anh Thanh nói.

Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở ủ giá đang lạm dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc, có thể gây hại cho NTD. Do vậy, NTD cần cảnh giác với loại giá đậu này.

Ông NGUYỄN CÔNG TRƯỜNG, cán bộ thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật: “Sẽ xử phạt các cơ sở sử dụng hóa chất để ủ giá”

Để kiểm tra thì giá, đậu giống và hóa chất đều được lấy mẫu để tiến hành kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đậu, chúng tôi yêu cầu ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là không mua và sử dụng các loại thuốc BVTV, hóa chất cấm, thuốc giả, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng, thuốc không có nhãn hoặc nhãn bằng chữ nước ngoài…

Hiện nay, tác hại của loại hóa chất Trung Quốc được các cơ sở, hộ sản xuất dùng để ủ giá vẫn đang được ngành chức năng truy tìm tính độc hại. Loại hóa chất đó có tên là 6.Benzylamine pure. Đây là loại hóa chất không nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, chưa được ngành chức năng nghiên cứu, khảo nghiệm nên việc sử dụng các hoạt chất này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chúng tôi khuyến cáo các cơ sở ủ giá không được sử dụng hóa chất 6.Benzylamine pure để sản xuất giá ăn, bởi có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe NTD. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra các cơ sở sản xuất giá đậu để loại trừ việc sử dụng hóa chất. Nếu qua kiểm tra phát hiện cơ sở có sử dụng hóa chất ngoài danh mục thì sẽ tiến hành xử phạt theo Nghị định 26 ngày 19-3-2003 của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi khuyến khích cách làm giá đậu theo phương pháp truyền thống để bảo đảm sức khỏe cho NTD. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất giá đậu bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất giá ăn.

 

 TRUNG ĐỒNG