Coi chừng “sập bẫy” việc nhẹ lương cao

Thứ ba, ngày 07/06/2022

(BDO) Gần đây từ tin báo của người dân, cơ quan công an (CA) đã “giải cứu” một số thiếu nữ bị ép làm việc trong các cơ sở massage. Theo các thiếu nữ, vì tin vào thông tin tuyển dụng “việc nhẹ lương cao” trên mạng xã hội mà bị các đối tượng lừa vào cơ sở massage.


Công an TP.Thuận An phát tờ rơi tuyên truyền, vận động thanh niên công nhân cảnh giác với các loại tội phạm

Bị lừa bán vào cơ sở massage

Thượng tá Huỳnh Văn Thành, Trưởng CA TX.Bến Cát, cho biết Cơ quan CSĐT Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng Ngô Văn Hòa (SN 1995, quê Vĩnh Phúc), Dương Văn Đức (SN 1996, quê Gia Lai), Vũ Văn Mạnh (SN 1995, quê Ninh Bình) và Nguyễn Đức Phú (SN 1992, quê Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản.

Trước đó, từ thông tin cầu cứu của một thiếu nữ trên mạng xã hội, CA phường Thới Hòa kiểm tra hành chính cơ sở massage One Top phát hiện cơ sở này có hành vi bắt, giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Qua làm việc, đối tượng Hòa, Phú, Đức và Mạnh đi đến một cơ sở massage ở tỉnh Bình Thuận để đưa chị Đ.T.T.N. (SN 2005, quê Kiên Giang) và N.T.Y.N. (SN 2006, quê Trà Vinh) đang làm nhân viên tại đây về cơ sở massage One Top làm việc với giá 82 triệu đồng. Khi về đến cơ sở massage One Top thì các đối tượng đánh, đe dọa và ép 2 nhân viên trên viết giấy nợ số tiền 50 triệu đồng/ người và ký hợp đồng lao động 3 tháng, nếu tự ý nghỉ sẽ bồi thường 20 triệu đồng.

Trong khi chị Y.N. và T.N. cho biết không vay mượn tiền của các chủ massage trước đây, số tiền 82 triệu đồng là tiền mua đi bán lại của các chủ trước. Ngoài ra, Phú còn yêu cầu 2 nhân viên khác trong cơ sở viết giấy nợ với tổng số tiền 92 triệu đồng.

Cũng tin vào thông tin tuyển dụng “việc nhẹ lương cao” trên mạng xã hội mà một thiếu nữ ở tỉnh Bình Định đã bị lừa vào làm nhân viên massage ở TP.Thủ Dầu Một. Cụ thể vào ngày 20-5, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) CA tỉnh nhận được tin báo của bà Hồ Thị Phương Cúc (SN 1988, quê Bình Định) về việc con gái của bà là em K. (SN 2006) bị người khác lừa đưa vào cơ sở massage trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Qua xác minh, Phòng PC02 phối hợp với CA TP.Thủ Dầu Một kiểm tra hành chính một cơ sở massage trên đường Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một. Tại đây, lực lượng CA ghi nhận có 10 nhân viên massage, trong đó có em K. nên tiến hành mời tất cả nhân viên và quản lý cơ sở về trụ sở làm việc. Qua làm việc được biết quản lý cơ sở massage là Lê Văn Q. (SN 1990, ngụ TP.Thủ Dầu Một) đã trao đổi, giao dịch với đối tượng Nh. về việc đưa Kiều về làm nhân viên massage tại cơ sở trên với giá 45 triệu đồng.

Từ thông tin trên, lực lượng CA xác định đối tượng Nh. là Ngô Văn Nh. (SN 1987, quê Thanh Hóa) cùng vợ là H Nionh Ê. (SN 1986, quê Đắk Lắk) đang tạm trú tại TP.Thuận An nên tiến hành mời về trụ sở làm việc. Quá trình làm việc, 2 đối tượng trên cho biết bản thân không có việc làm ổn định, do cần tiền tiêu xài nên sử dụng mạng xã hội làm quen những cô gái trẻ ở vùng quê có nhu cầu tìm việc làm với mức lương cao.

Với cách làm trên, Nh. đã “tuyển” được em K. và “chào giá” cho Q. với số tiền 45 triệu đồng bằng hình thức là Q. phải trả số tiền K. đã nợ Nh., nhưng thực tế em K. không nợ tiền Nh. Sau đó, Q. đã ép em K. viết giấy nợ số tiền 45 triệu đồng. Sau đó, Q. hướng dẫn cho em K. massage cho khách bằng cách thực hành thực tế. Lúc này, em K. mới biết mình làm nhân viên massage kích dục nên không đồng ý và muốn nghỉ làm. Tuy nhiên, Q. buộc em K. phải trả hết số tiền 48 triệu đồng mới được nghỉ việc, đồng thời giữ giấy tờ tùy thân, điện thoại di động của em K. và luôn giám sát vì sợ em K. bỏ trốn. Do em K. không có tiền trả nên Q. ép K. gọi điện thoại cho gia đình xin tiền để trả cho Q.. Nhận được thông tin của con gái, bà Cúc đã đến cơ quan CA để trình báo sự việc.

Cẩn trọng với tin tuyển dụng việc nhẹ lương cao

Theo đại úy Võ Văn Sơn, Phó trưởng Phòng PC02 CA tỉnh, từ sau dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tìm việc của người dân rất cao, trong đó có nhiều thiếu nữ ở các vùng quê với mong muốn có được việc làm vừa sức và thu nhập cao. Lợi dụng điều này, các đối tượng sử dụng các tài khoản “ảo” trên mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin về giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động với mức lương cao nhằm dụ dỗ các thiếu nữ là người dân tộc thiểu số, có trình độ học vấn thấp và thích “việc nhẹ lương cao”.

Sau khi “tuyển” được người, các đối tượng sẽ “rao bán” các cô gái cho các cơ sở massage, karaoke với giá vài chục triệu đồng/người. Sau khi “chấm” được một cô gái ưng ý thì chủ cơ sở massage, karaoke sẽ trả tiền môi giới cho các đối tượng trên; đồng thời hợp thức hóa “giao dịch đen” này bằng việc ép buộc các cô gái viết giấy nợ nhưng thực ra đây là số tiền chủ cơ sở đã mua họ. Sau đó, chủ cơ sở massage, karaoke ép các cô gái này phải ở lại làm nhân viên phục vụ cho “thượng đế” để cấn trừ lại số nợ trên, nếu chống đối thì sẽ bị đe dọa, đánh đập. Còn muốn nghỉ làm, các cô gái phải trả số tiền theo giấy nợ trước đó.

“Để tránh trở thành “con mồi” của các đối tượng trên, người dân khi có nhu cầu tìm việc nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm hoặc thông qua tổ chức có uy tín. Người dân, nhất là các cô gái trẻ không nên tin vào lời dụ dỗ của kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội mời gọi làm việc nhẹ với mức lương cao hấp dẫn vì “đồng tiền đi liền với mồ hôi”. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị lừa vào làm việc trong cơ sở massage, karaoke, người dân cần liên hệ với cơ quan CA gần nhất hoặc thông qua đường dây nóng 113 để trình báo vụ việc”, đại úy Sơn khuyến cáo.

Đại úy Võ Văn Sơn, Phó trưởng Phòng PC02 CA tỉnh, cho biết qua công tác nắm tình hình cho thấy có tình trạng lừa đảo xuất cảnh trái phép sang Campuchia để làm việc nhẹ, lương cao trong các tiệm game. Theo đó, một số đối tượng sử dụng mạng xã hội tuyển dụng những người có nhu cầu tìm việc ở Campuchia với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, khi bắt đầu làm việc thì họ phải ký hợp đồng làm việc bằng tiếng nước ngoài nhưng không rõ nội dung ràng buộc. Nếu làm việc không đạt yêu cầu thì sẽ bị bán cho công ty khác hoặc bị cưỡng bức lao động, còn muốn về nước thì phải đóng tiền chuộc.

Để tránh “tiền mất, tật mang”, người lao động cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin về nơi thuê lao động. Khi tìm việc làm cần liên hệ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động được cấp phép. Người dân cũng cần hiểu rõ quy định liên quan việc xuất, nhập cảnh, tránh vi phạm vì thiếu hiểu biết. Trường hợp khi biết mình bị dụ dỗ đưa qua Campuchia thì tìm cách liên hệ với cơ quan chức năng Việt Nam, Campuchia và lực lượng biên phòng các cửa khẩu để được hỗ trợ.

NGUYỄN HẬU