Coi chừng sập bẫy “tín dụng đen”

Thứ tư, ngày 11/11/2020

(BDO) Công an Bình Dương phối hợp với trường Đại học Cảnh sát Nhân dân vừa tổ chức hội thảo khoa học “Phòng chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm khác liên quan đến hoạt động tín dụng đen”. Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm tấn công tội phạm này một cách có hiệu quả nhất.


Công an tỉnh làm việc với một đối tượng liên quan đến cho vay nặng lãi

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Tham dự hội thảo có Đại tá - tiến sĩ Trần Văn Chính, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh; đại diện Cục Cảnh sát hình sự, trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, đại diện Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Dương…

Theo báo cáo, tình hình tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh có diễn biến tương đối phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi tiếp cận người vay tiền, như: Gửi danh thiếp, tờ rơi quảng cáo với nội dung “cho vay trả góp”, “hỗ trợ tài chính”, “cho vay tiêu dùng”…

Các đối tượng thường hoạt động theo nhóm nhỏ, lưu động, núp bóng dưới vỏ bọc các công ty cho thuê tài chính, cơ sở cầm cố thế chấp tài sản vay… Khi người dân có nhu cầu vay vốn, các đối tượng này dùng các loại hợp đồng, như: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán, cho thuê ô tô, xe máy… Trong trường hợp con nợ mất khả năng thanh toán thì chúng sẽ sử dụng các biện pháp đòi nợ như cho các đối tượng lưu manh, xăm trổ đến gây sức ép, dọa dẫm, dùng vũ lực, ném sơn, chất bẩn vào nhà con nợ hay kéo đông người đến nhà riêng, gọi điện thoại đe dọa, chửi bới, khủng bố tinh thần. Nhiều trường hợp các đối tượng đòi nợ thuê thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản…

Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều tham luận tập trung đánh giá tình hình hoạt động, nguyên nhân cũng như đề ra các giải pháp để đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm liên quan tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Theo Thượng tá, PGS-TS Nguyễn Thanh Dương, trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, hội thảo rất có ý nghĩa về nhận thức và thực tiễn, giúp lực lượng công an nhận thức rõ hơn về lý luận và các vấn đề pháp lý. Qua các ý kiến tham luận tại hội thảo cũng đã nhìn nhận, đánh giá những vấn đề thực tiễn, sát hơn, tìm ra được những mặt tồn tại, vướng mắc để đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp thiết thực trong thực tiễn điều tra, góp phần phục vụ tốt hơn cho công tác phòng chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Chủ động phòng ngừa

Để phục vụ tốt hơn công tác điều tra, xử lý các vụ việc, đối tượng phạm tội liên quan đến hoạt động tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Công an Bình Dương đã chủ động tổ chức phối hợp liên ngành với Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân tỉnh có văn bản thống nhất liên ngành trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong đó, thống nhất quan điểm xử lý, cách tính lãi suất, cách tính thu nhập bất chính.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong giai đoạn 2018-2020, Công an tỉnh đã tiếp nhận 44 vụ, 90 đối tượng có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; đã khởi tố 37 vụ, 75 đối tượng; xử phạt hành chính 2 vụ, 5 đối tượng. Đối với tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã tiếp 38 vụ, 65 đối tượng, trong đó đã khởi tố 29 vụ, 50 đối tượng.

Bên cạnh công tác đấu tranh, phòng ngừa đối với tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Công an tỉnh cũng đã sử dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác với tội phạm này, như: Tổ chức các buổi tuyên truyền cho người dân ngay tại cộng đồng dân cư, công nhân lao động, nhà trọ, phát tờ rơi… Với tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc, hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ nhiều kinh nghiệm có ý nghĩa sâu sắc trong nhận thức và thực tiễn công tác phòng chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này trong thời gian tới.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, cho biết sau hội thảo, thời gian tới, Công an Bình Dương sẽ có nhiều giải pháp mới trong công tác phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, mang lại bình yên cuộc sống cho người dân.

 NGỌC HÀ