Coi chừng mất tiền vì một... chữ ký!

Thứ năm, ngày 24/09/2020

(BDO) Thời gian gần đây, Báo Bình Dương liên tiếp nhận được phản ánh của người dân về việc bị chiếm đoạt tài sản. Tuy phương thức khác nhau nhưng tựu trung các kịch bản được đưa ra là lừa bán đất giá rẻ hoặc lập hợp đồng giả cách về việc chuyển nhượng đất, sau đó mang đất đi bán.

Điển hình như trường hợp của ông K. ở phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo Bình Dương, ông cho biết mình sở hữu mảnh đất có diện tích 180m2 ở TP.Thủ Dầu Một. Vào năm 2020, do con ông cần tiền làm ăn nên hỏi vay của bà T. 1,2 tỷ đồng. Bà T. đồng ý cho vay nhưng yêu cầu ông K. phải ký hợp đồng ủy quyền cho bà thửa đất trên để làm tin. Sau đó ông K. và bà T. ra phòng công chứng để công chứng hợp đồng ủy quyền nhằm che đậy giao dịch vay tiền. Tuy nhiên, điều ông K. không ngờ tới là sau đó bà T. đã bán mảnh đất này cho người khác.

Một ngày trung tuần tháng 9, ông K. tá hỏa khi một nhóm người lạ mặt kéo đến nhà ông đòi nhà. Đến lúc này ông chỉ còn biết cầu cứu các cơ quan chức năng can thiệp vì đã lỡ ký vào giấy ủy quyền. Ông K. mong muốn sự việc của mình sẽ được xử lý thỏa đáng. Nhưng giấy tờ còn rành rành ra đó, vậy xem ra hành trình đòi đất của ông K. trước mắt không hề đơn giản.

Cùng chung cảnh ngộ với ông, nhưng 7 người dân ở phường Dĩ An, TP.Dĩ An có nguy cơ mất trắng nhiều tỷ đồng vì mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo phản ánh của đương sự, năm 2017, họ ký hợp mua bán nhà ở hình thành trong tương lai với Công ty N.T thuộc một dự án nhà ở công nhân thu nhập thấp tại TX.Bến Cát. Trong hợp đồng này có nhiều điều khoản ràng buộc người mua và người bán rất chặt chẽ. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 năm, tiền của những người mua nhà đã chuyển cho bên bán tổng cộng gần 7 tỷ đồng nhưng nhà đất họ vẫn chưa nhận được. Những nạn nhân cho rằng do tin tưởng lời quảng cáo nên họ đã đi vay mượn ở nhiều nơi để nộp tiền cho công ty N.T., nhưng nay thì họ thành người mang nợ vì lỡ mua những dự án mà mình không biết có thực hay không! Đứng trước tình cảnh này, người mua nhà chỉ còn biết yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ hầu mong lấy lại tiền.

Trên đây là 2 trường hợp tiêu biểu mà thời gian gần đây nhiều người dân vướng vào. Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng khi thực hiện các giao dịch như ủy quyền bất động sản hay mua tài sản hình thành trong tương lai, những người liên quan nên tìm hiểu kỹ các dự án, các điều khoản trong các văn bản mà mình được yêu cầu ký. Chỉ cần đối tác “gài” một vài điều khoản trong đó, người tham gia không phát hiện ra mà đặt bút ký vào thì sẽ gặp rắc rối.

L.T.PHƯƠNG