Có những người mẹ viết lịch sử bằng sự hy sinh

Thứ ba, ngày 20/01/2015

Dầu Tiếng, mảnh đất đã đi vào lịch sử với những tên đất, tên người còn mãi vang danh qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trở lại vùng đất thiêng liêng ấy, chúng tôi không khỏi tự hào và càng xúc động hơn khi có dịp gặp mặt, trò chuyện với những bà mẹ Việt Nam anh hùng vừa được phong tặng, cũng là một lần hiểu thêm về truyền thống của một địa phương.

(BDO)

 Viết tiếp “dòng sông” cách mạng

 Căn nhà nhỏ của mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Trễ nằm ở ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Mẹ và các thành viên trong gia đình mừng rỡ đón tiếp chúng tôi như người trong nhà. Đôi mắt mẹ nhăn nheo hằn in những dấu vết của thời gian nhưng toát lên vẻ đẹp phúc hậu, những kỷ niệm vui buồn về một thời đạn bom cứ thế ùa về qua câu chuyện kể của mẹ.

Hai người thân yêu của mẹ Trễ là chồng và con đã mãi mãi nằm xuống trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Chồng mẹ là ông Nguyễn Văn Định, người ngoài Bắc, theo tiếng gọi Tổ quốc vào Nam chiến đấu. Hồi ấy, cuộc sống nghèo khổ, mẹ đi làm thuê cạo mủ cao su. Chồng mẹ là bộ đội công binh đóng ở An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh, quê của mẹ lúc bấy giờ. Thế rồi tình cờ gặp ông đôi ba lần, ấy vậy mà nên duyên chồng vợ. Khoảng thời gian bên nhau ngắn ngủi, chồng mẹ lên đường chiến đấu, để lại cậu con trai chưa đầy 1 tuổi. Mẹ không nghĩ cuộc chia tay ấy cũng là cuộc chia ly mãi mãi. Không lâu sau đó mẹ hay tin chồng mẹ đã hy sinh, phải mấy năm sau mẹ mới chính thức cầm tờ giấy báo tử, ông đã hy sinh năm 1952 trong một trận càn quét của địch.

Nhìn đứa con thơ chưa một lần được gọi tiếng ba, lòng mẹ đau như cắt. Nhưng mẹ hiểu rằng lúc ấy phải sống mạnh mẽ hơn gấp bội để vừa làm mẹ vừa làm cha nuôi dạy con trai bé bỏng. Người con ấy cũng chính là liệt sĩ Nguyễn Văn Đạt, cán bộ Ban giao bưu phân khu. Năm 12 tuổi, anh đã sớm theo tiếng gọi cách mạng. Mẹ kể rằng: “Nó tự hào về ba nó lắm, dù nó chỉ biết ba nó qua những câu chuyện kể, nhưng với nó ba nó là một anh hùng”. Và đó cũng là lý do Nguyễn Văn Đạt sớm gia nhập vào hàng ngũ cách mạng. Hồi ấy, anh là cậu bé giao liên nhanh nhẹn, với chiếc xe đạp cà tàng nhưng ngóc ngách nào anh cũng đi, mọi nhiệm vụ thư tín đều được anh hoàn thành xuất sắc. Năm 1969, trong một lần đi liên lạc ở An Nhơn Tây, Nguyễn Văn Đạt bị trúng bom và hy sinh, khi ấy anh vừa tròn 19 tuổi. Hay tin, mẹ như chết lặng, mẹ cứ đi tìm, nghe ngóng khắp bìa rừng, ngã xóm gần khu vực anh hay đi liên lạc với mong muốn tìm được hài cốt của con đưa về thờ tự. Nhưng chiến tranh loạn lạc, mẹ tìm trong vô vọng. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, có những lúc mẹ như gục ngã nhưng rồi mẹ hiểu rằng chồng mẹ, con mẹ đã đổ máu để làm thắm lại màu cờ Tổ quốc. Trong sâu thẳm trái tim của mẹ, họ vẫn còn đó, vẫn là điểm tựa để mẹ sống tốt hơn, có ích hơn.

Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng mẹ Phan Thị Trễ đã làm tốt vai trò hậu phương vững chắc, gánh gạo nuôi bộ đội. Có gì góp nấy, từ củ khoai, củ sắn đến hạt gạo, thuốc men mẹ đều dành cho các anh. Những hôm các anh ghé nhà mẹ nấu cho các anh ăn, vá áo cho các anh mặc, thương các anh không khác gì máu mủ. Những năm địch đóng quân tại quê mẹ, mẹ còn làm tai mắt cho bộ đội mình. Mẹ kể: “Không có giặc mẹ để cái tĩn trắng (một cái chum nhỏ) lên trên cao để bộ đội nhìn thấy, có giặc mẹ đem cái tĩn xuống”. Địch nhiều lần gọi mẹ lên hỏi cung nhưng mẹ một mực không khai dù có bị đánh đập, chúng không còn cách nào khác đành thả mẹ về. Tuy sức khỏe đã yếu, nhưng cứ cuối tháng và các dịp lễ, tết mẹ vẫn không quên nhờ các con đưa mẹ đi viếng nghĩa trang, lên thăm mộ của chồng, con đã hy sinh. Mẹ vẫn luôn dặn dò con cháu phải biết giữ vững và nối tiếp truyền thống cách mạng.

 Hy sinh là để giành độc lập

 Trước khi đến nhà mẹ Nguyễn Thị Bảy, chúng tôi tìm gặp ông Lê Quang Minh, Bí thư chi bộ ấp Đất Đỏ, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng để tìm hiểu những thông tin về gia đình mẹ. Ông Minh cho chúng tôi biết: “Mẹ Nguyễn Thị Bảy sinh năm 1924, có chồng là ông Nguyễn Văn Nghe (còn gọi là Tám Nghe). Hai vợ chồng có tổng cộng 10 người con. Ngày ấy, Tám Nghe gan dạ lắm. Ngoài 50 tuổi nhưng nơi nào khó khăn là anh nhận để thông tin mà chẳng hề sợ hy sinh. Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất, địch biến vùng An Lập thành vùng trắng để dễ dàng kiểm soát và tấn công. Đó cũng là lúc hai người con của Tám Nghe quyết tâm theo cha làm cách mạng để dành lại quyền sống cho dân tộc. Ít năm sau đó, cả hai anh Thành và Đát đều hy sinh anh dũng trong những trận quyết chiến”.

Từ những thông tin ban đầu, chúng tôi tìm đến nhà mẹ Nguyễn Thị Bảy tại ấp Đất Đỏ. Do tuổi cao sức yếu, mẹ không còn đủ minh mẫn để kể cho chúng tôi nghe về chồng, về những đứa con đã hy sinh của mình. Rất may cho chúng tôi là hai anh con trai của mẹ thì dường như thuộc làu về những chiến công của cha và người anh trai. Có lẽ đó là cách họ tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình.

Anh Ngót - con thứ sáu của mẹ Bảy kể: “Ba và hai anh rất quả cảm, nhanh nhẹn. Hai anh thoát ly gia đình làm cách mạng khi còn rất trẻ. Ba bí mật tham gia vào lực lượng dân quân địa phương, sau đó là giao liên huyện Dầu Tiếng. Mỗi khi ghé về thăm nhà, má thường hỏi ông đi đâu và làm gì. Những lúc như vậy, má thường bị ba la. Dường như biết được công việc của chồng, từ đó má chẳng còn gạn hỏi gì nữa mà chỉ biết chăm chỉ làm việc, nuôi con”.

Nhìn về phía mẹ với đôi mắt đầy tự hào, biết ơn, anh Sáu kể tiếp: “Noi gương ba, hai anh của tôi là anh Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Văn Đát cũng lần lượt theo ba làm cách mạng. Đơn vị anh Nguyễn Văn Thành tham gia là C64, Huyện đội Dầu Tiếng. Anh Thành là một chiến sĩ kiên trung, gan dạ. Anh từng bắn rơi máy bay địch tại làng 5 vào năm 1969. Sau chiến công này, anh được đơn vị tặng huy chương. Chiếc huy chương này luôn được ba tôi mang theo bên mình như niềm tự hào về đứa con trai dũng cảm. Trong một trận càn, không may chiếc huy chương rơi vào tay giặc. Vì thế, chúng tìm và bắt mẹ tôi, rồi tra tấn, đánh đập và giam giữ bà trong gần 2 tháng. Do mẹ quyết không khai báo nửa lời, chúng đành thả mẹ trở về”.

Theo anh Sáu, anh Nguyễn Văn Đát cũng theo ba làm công tác giao liên. Năm 1969, trong một trận tấn công của địch, anh Đát trúng bom và hy sinh, còn cha thì bị thương. Đến năm 1972, mẹ Bảy tiếp tục nhận hung tin anh Thành hy sinh trong một trận chiến.

Khi nước nhà độc lập, mẹ Bảy được đoàn tụ với chồng, nhưng mãi mãi mất đi hai người con trai anh dũng. Trước khi chia tay chúng tôi, mẹ Bảy nói rằng mẹ tự hào đã hiến dâng những “khúc ruột” của mình cho nền độc lập nước nhà. Nay niềm tự hào đó càng dâng lên gấp bội khi mẹ vừa được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Mẹ Bảy nắm lấy tay tôi dặn dò trong làn hơi ngắt quãng: “Các con, những thế hệ trẻ của đất nước được sinh ra và lớn lên trong thời bình, hãy biết tự hào, trân trọng quá khứ hào hùng của dân tộc. Hãy nỗ lực học tập, lao động thật tốt để góp phần xây dựng quê hương, xứng đáng với sự hy sinh của lớp lớp những người đi trước”.

 HỒNG THỦY - SONG ANH