Cô Nguyễn Thanh Thu Thủy: Chắp cánh ước mơ cho người khiếm thính
Gần 34 năm nhọc nhằn, vất vả cùng những trẻ em bị khiếm thính nhưng cô Nguyễn Thanh Thu Thủy (ảnh), Giám đốc Trung tâm Giáo dục Trẻ khuyết tật Thuận An vẫn miệt mài chắp cánh ước mơ cho biết bao học sinh thân yêu của mình.
(BDO)
Ngày còn nhỏ, cô Thủy đã được tiếp xúc với nhiều bạn bè là người bị điếc hoặc con của người điếc, được gặp nhau và nói với nhau bằng cách viết thư, dần dần cô học được những ký hiệu để giao tiếp với họ, tình cảm đó đã lớn dần và thôi thúc cô đến với nghề. Từ dạo ấy, cô luôn muốn làm điều gì đó để chia sẻ những khó khăn mà người khiếm thính đang gặp phải, mang đến cho họ một tương lai tươi sáng hơn.
“Để dạy cho một học sinh lớn tuổi mới đến trường, não của các em đã phát triển theo hướng thiên về thị giác, cấu trúc câu của các em không giống chúng ta, các em có một “ngôn ngữ” riêng nên việc giảng dạy các em rất khó khăn. Việc tiếp nhận thông tin trong đời sống thường ngày đã khó, thu nhận kiến thức từ các môn học còn vất vả gấp nhiều lần”, cô Thủy chia sẻ. Công tác giáo dục cho các em cần sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình, không những phải dạy cho các em, người giáo viên còn phải hướng dẫn, huấn luyện phụ huynh học sinh, để lúc về nhà phụ huynh có thể vừa dạy, vừa giao tiếp với các em, có như vậy các em mới có nhiều cơ hội thực hành nhiều hơn, tiếp thu nhanh hơn.
Trong quá trình công tác, cô Thủy may mắn được gặp cô Paige Stringer vào năm 2008, một người khuyết tật thính giác bẩm sinh. Năm 2010-2015, Quỹ Toàn Cầu dành cho trẻ khiếm thính (Global Foundation For Children With Hearing Loss) là một tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã về để huấn luyện lý thuyết và các kỹ năng thực hành cho giáo viên tại trung tâm.
Cô Thủy nói với ánh mắt đầy tự hào: “Mình đã bắt đầu chương trình đào tạo giáo viên làm công tác can thiệp sớm trẻ khiếm thính từ năm 2010, đến nay có thể nói trung tâm Giáo dục Trẻ khuyết tật Thuận An là đơn vị đứng đầu về chương trình can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính thành công”. Để một học sinh học xong chương trình lớp một phải mất 4 năm, vì thế để học sinh học xong lớp 9 chương trình trung học cơ sở phải mất 12 năm, quả thật đây là cả một quá trình hoạt động của những nhà giáo yêu nghề.
Gần 34 năm kể từ ngày bén duyên với giáo dục trẻ khuyết tật thính giác, cô tự hào vì những cố gắng của mình và một số giáo viên ở đây đã được đền đáp bằng những thành công của học sinh “tốt nghiệp chương trình can thiệp sớm” khi các em có thể ra hòa nhập với các trẻ em đồng trang lứa ở những trường tiểu học địa phương. Một số em khác đã có việc làm, lập gia đình, tiếp tục học cao đẳng… đó là những điều làm cô Thủy hạnh phúc và tự hào nhất.
HUỲNH THỦY