Có nên thi môn lịch sử bằng hình thức trắc nghiệm?

Thứ hai, ngày 03/10/2016

(BDO) Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức công bố phương án kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, kỳ thi được giao về cho Sở GD-ĐT các tỉnh, thành tổ chức, giảm thời gian thi từ 4 ngày xuống còn 2 ngày; đồng thời rút gọn 8 môn thi xuống còn 5 gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổ hợp lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (tổ hợp lịch sử, địa lý, công dân). Ngoài ngữ văn thi bằng hình thức tự luận, 4 môn thi còn lại đều bằng hình thức trắc nghiệm.

Năm 2017, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường đại học - cao đẳng tuyển sinh. Như vậy, kể từ khi thoát ly khỏi kỳ thi 3 chung (chung đề thi, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả thi), đến nay Bộ GD-ĐT đã liên tục thay đổi phương án thi và tuyển sinh. Tuy nhiên, sau mỗi lần thay đổi, một số mặt tích cực được xã hội thừa nhận, thí sinh phấn khởi, song lại xuất hiện những nhược điểm khác.

Các giáo viên lịch sử cho rằng, môn lịch sử được thi dưới hình thức trắc nghiệm là phương án hợp lý. Vì nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh chọn môn lịch sử thi tốt nghiệp quá ít. Với hình thức thi trắc nghiệm, học sinh không phải thuộc lòng quá nhiều, chỉ cần đọc sách, hiểu bài và biết kết nối các vấn đề, suy luận để lựa chọn đáp án là có thể hoàn thiện bài thi. Điều này không ảnh hưởng việc dạy và học trong nhà trường, vì các em có thể tự học, tự ôn bằng việc đọc sách giáo khoa, không phải học thuộc lòng.

Tuy nhiên, không ít người đã phản ứng với việc lịch sử từ một môn thi tự luận trở thành một bài thi trả lời trắc nghiệm. Bởi học lịch sử là để hiểu hơn về lịch sử dân tộc, học xưa để hiểu nay và rút ra những bài học lịch sử cho hiện tại và cả tương lai. Thế hệ trẻ cần hiểu, để có một giang sơn gấm vóc, để có được hòa bình, độc lập của đất nước, đã biết bao thế hệ đã đổ máu xương và hy sinh.

Kiến thức lịch sử không phải học và thi theo kiểu võ đoán, may rủi. Vì vậy, đối với môn lịch sử thì chỉ có thể là hình thức thi tự luận cùng với cấu trúc đề thi hợp lý về thời gian làm bài, lưu lượng kiến thức mới có thể đánh giá được đầy đủ, đa diện và chính xác tư duy, trí tuệ của học sinh. Và nếu thi trắc nghiệm thì lịch sử sẽ trở nên khô khan, nhạt nhẽo, bởi thi trắc nghiệm đơn thuần chỉ là học, biết và nhớ rồi lựa chọn chứ không hề có sự phân tích, lập luận. Vì vậy mới đặt câu hỏi: Có nên thi môn lịch sử bằng hình thức trắc nghiệm?

 NHẬT HUY

Từ khóa: