Có nên “luyện chữ” cho học sinh trước khi vào lớp 1?
(BDO) Một năm học nữa đã kết thúc, các bé học lớp lá chia tay trường mầm non và 3 tháng sau sẽ bước vào lớp một. Với một số phụ huynh, thay vì chuẩn bị tâm thế, tâm lý cho con vào lớp 1 thì họ cho con đi học chữ trước khi vào trường tiểu học.
Trẻ vào lớp 1 sẽ được giáo viên xây dựng nề nếp học tập (ảnh minh họa)
Xu hướng học trước chương trình
Hơn một tháng nay, chị Nguyễn Thị Hồng Lan ở phường Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một) cho đứa con trai 6 tuổi đi học thêm tại nhà giáo viên dạy lớp 1. Ở cái tuổi còn mê chơi, cháu bé tìm mọi cách chống đối việc đi học. Có hôm thì kêu đau bụng, lúc khác lấy lý do chưa làm bài tập không dám đi học. Khi đến nhà cô thì em nhất quyết không chịu vào học. Sau nhiều lần mẹ và cô dỗ dành, em mới vào học với các bạn nhưng tư tưởng không tập trung.
Tình trạng phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 cho bé đi học thêm trước chương trình đã trở nên phổ biến trong nhiều năm qua. Tâm lý phụ huynh thấy con còn học mẫu giáo nhưng biết đọc, biết viết rất mừng. Các bậc cha mẹ đem khoe thành tích của con với phụ huynh khác, dẫn đến việc họ cảm thấy sốt ruột khi con em mình chưa biết gì. Từ đó phong trào đua nhau cho con học trước chương trình lớp 1 đã phổ biến rộng rãi. Có những phụ huynh khi con mới vào lớp lá đã cho con đi luyện chữ. Như trường hợp của chị Lê Thị Kim Ngân ở phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một). Chị thể hiện quan điểm: “Với sĩ số học sinh (HS) trong lớp đông như hiện nay, giáo viên khó quán xuyến được tất cả HS. Thêm nữa, chương trình học hiện nay đổi mới so với thời tôi còn đi học nên đành gửi con cho cô dạy”.
Trẻ chuẩn bị vào lớp 1 học trước chương trình, ngoài tâm lý của phụ huynh còn có một phần trách nhiệm của giáo viên. Nếu như giáo viên kiên quyết “nói không” với dạy thêm, thì chắc chắn không có tình trạng phụ huynh đua nhau cho con đi học như hiện nay.
Hãy để trẻ phát triển tự nhiên
Theo chương trình giáo dục mầm non mới, trẻ học lớp lá sẽ được giáo viên chuẩn bị tâm thế trước khi vào lớp 1. Cô Huỳnh Thị Thủy Trinh, Hiệu trưởng trường Mầm non Tuổi Ngọc (TP.Thủ Dầu Một), cho biết: “Trẻ lớp lá được giáo viên tập làm quen với chữ viết qua tô, đồ chữ và số, qua trò chơi, qua hình ảnh trang trí trong lớp học. Những giờ hoạt động tạo hình, vẽ cũng giúp trẻ làm quen với chữ, đồng thời trẻ được rèn cách cầm viết đúng cách”. Theo chúng tôi được biết, những trường mầm non, mẫu giáo công lập tuyệt đối không tổ chức dạy chữ cho trẻ. Các cô thể hiện quan điểm, giáo viên mẫu giáo dạy trẻ biết đọc, viết sẽ làm khó cho giáo viên tiểu học, bởi các cô không có nghiệp vụ sẽ dạy không đúng phương pháp, khi trẻ vào lớp 1 giáo viên chỉnh sửa còn khó hơn so với trẻ mới tập viết.
Cô Vũ Vân Anh, giáo viên dạy lớp 1 trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP.Thủ Dầu Một), nhận xét ngoài những phụ huynh có tâm lý muốn con học trước để vào lớp không thua sút bạn bè thì vẫn có những phụ huynh để con phát triển tự nhiên. Các lớp do cô chủ nhiệm trong những năm qua có khoảng 50% HS chưa học trước chương trình. Theo cô, việc phụ huynh cần trang bị cho trẻ là chuẩn bị về tâm lý và các kỹ năng, như: Biết chuẩn bị sách vở, quần áo, thức dậy đúng giờ... Phụ huynh không cần thiết cho HS học chữ trước khi vào lớp 1. So với những em đã học trước chương trình thì những em chưa biết gì chỉ chậm trong tháng đầu tiên, nhưng sau đó tiếp thu tốt và nhanh hơn so với những em khác.
Những năm gần đây, ngành giáo dục - đào tạo đã thực hiện nhận xét, đánh giá HS tiểu học, thay việc cho điểm số như trước đây. Việc làm này góp phần hạn chế bệnh thành tích và một số tiêu cực khác. Do đó, phụ huynh không nhất thiết cho trẻ học chữ khi chưa vào lớp mà hãy để cho trẻ phát triển một cách tự nhiên theo quy luật.
“Chỉ có giáo viên tiểu học mới nắm vững chuyên môn và dạy trẻ đúng phương pháp theo chương trình lớp 1. Thầy cô dạy HS từ nét cơ bản đến con chữ, ráp vần, từ và câu. Giáo viên sẽ biết thời gian nào HS viết bằng viết chì, viết mực, thời gian nào học nét, ráp vần. Trường hợp HS bị ép học trước khi vào lớp 1 các em sẽ có thói quen ỷ lại do đã biết trước, không thích khám phá, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tư duy, tìm tòi kiến thức của các em”. (Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT) |
HỒNG THÁI