Có một vùng đất chan hòa, đáng sống…
(BDO) Hội tụ
Mở cửa mời gọi, đón nhận nhà đầu tư trong và ngoài nước, người lao động khắp các tỉnh, thành, sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương hôm nay đã và đang vươn tới đô thị công nghiệp, thành phố thông minh, mảnh đất đáng sống, trọng nghĩa, chí tình. Bất luận là người Bình Dương bản địa hay người mới đến lập nghiệp, cộng đồng người dân tại mảnh đất đáng yêu, đáng mến này hiện tại thực sự chan hòa, cùng chí hướng vươn lên, xây dựng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Người Bình Dương giàu nghĩa tình là truyền thống bấy lâu. Trong ảnh: Những ngày tháng cao điểm dịch bệnh năm 2021, các lực lượng trong tỉnh chung tay hỗ trợ người dân, công nhân lao động vượt khó. Ảnh: QUỲNH NHƯ
Tính đến mùa xuân này - Nhâm Dần 2022, Bình Dương đi qua chặng đường 1/4 thế kỷ xây dựng, phát triển. Chừng đó thời gian, dòng chảy cư dân, lao động khắp các vùng miền trong cả nước quần tụ về Bình Dương với bao ước vọng về cơ hội việc làm, lao động, học tập, gầy dựng cơ nghiệp. Và, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Bình Dương có khoảng 2,6 triệu dân sinh sống, trong số đó có tới khoảng 1,5 triệu lao động xa quê.
Bình Dương đang vươn tới một đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Hành trình đó hẳn không bao giờ dễ dàng, bao thử thách, thuận lợi đan xen. Quyết tâm chính trị, sự đoàn kết, thống nhất của các cấp, các ngành, địa phương, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, cùng tiềm lực hiện có, tiềm năng, chiến lược đúng đắn, niềm tin thành công trong một tương lai gần là hoàn toàn có cơ sở đối với tỉnh nhà. Bình Dương cũng mong muốn xây dựng một vùng đất đáng sống, nghĩa tình. Để thực hiện thành công những mục tiêu, định hướng lớn vừa nêu, không thể thiếu sự cộng lực, chung sức, đồng lòng của người Bình Dương bản địa, người Bình Dương mới đến, người yêu quý mảnh đất hiền hòa, mến khách này. |
Họ đến từ địa phương nào? Câu trả lời cụ thể thật quá khó, chỉ biết rằng ở trên mảnh đất Bình Dương hôm nay, ở từng khu, ấp, tổ dân phố đan xen giọng nói cả ba miền đất nước. Ai chưa từng gần gũi, hiểu biết phần nào về Bình Dương có thể chưa tin, nhưng cứ thử sống và tìm hiểu, tiếp xúc, chỉ cần trong một thời gian ngắn sẽ không có gì đáng ngạc nhiên cả. Dân số Bình Dương tăng cơ học thuộc hàng cao nhất cả nước, lao động tại vùng đất công nghiệp, dịch vụ sôi động này có thể đến từ miền Tây sông nước, từ đại ngàn Tây nguyên, các tỉnh đồng bằng Trung, Bắc bộ, hoặc họ đến từ miền trung du, vùng núi cao biên giới phía Bắc…
Sức hút lao động, cư dân của Bình Dương là vô cùng lớn, chưa bao giờ dừng lại, đó là thực tế, đặc biệt là trong suốt hành trình 25 năm xây dựng, phát triển đã qua. Có một câu chuyện vui, nhưng là thực tế trong cuộc sống mà hẳn nhiều người đã từng nghe, từng biết liên quan đến sự dịch chuyển lao động trong cả nước về Bình Dương. Một đồng nghiệp của người viết ở một tỉnh miền Tây Nam bộ kể rằng, bây giờ đi đến nhà dân hỏi thăm những người cao tuổi con cháu họ đi đâu, làm gì? Câu trả lời thường trực: “Đi Bình Dương rồi”! Câu trả lời đó không chỉ đúng với nhiều gia đình ở miền Tây Nam bộ, mà đúng cả với người miền Trung, miền Bắc, Tây nguyên. Cụm từ “lên thành phố”, “vô Sài Gòn” đã nhường lại phần nào, thay vào bằng cụm từ “Đi Bình Dương”, “Vô Bình Dương”.
Dài dòng lý giải, dẫn dắt bằng câu chuyện vừa nêu cũng muốn nói một điều rằng, trên mảnh đất Bình Dương hôm nay có sự quần tụ sinh sống, lao động, học tập của cư dân ở khắp mọi miền Tổ quốc. Họ đến, không đơn thuần là tăng nhanh con số dân cư cơ học, không chỉ là số lượng lao động, dòng chảy con người đến với Bình Dương còn mang theo phong tục, tập quán, ngành nghề truyền thống… để bổ sung, hòa quyện cùng nét văn hóa, sinh hoạt của người Bình Dương lâu đời, tạo nên một đời sống văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc, đan xen. Dòng chảy của lao động trẻ, lao động có trình độ, tay nghề chọn Bình Dương để lao động, sáng tạo, gắn bó, đồng hành. Dòng chảy tri thức, chất xám từ các vùng miền cả nước đổ về, từ các quốc gia mang đến sẽ cùng với người Bình Dương bản địa xây dựng nên một Bình Dương thông minh, hiện đại, nghĩa tình, đa sắc màu văn hóa. Thực tế sinh động đó thật đáng trân trọng biết bao!
Nghĩa tình
2 năm trời dịch bệnh, sự chí tình, trách nhiệm của Bình Dương dành cho người lao động xa quê sinh sống, gắn bó với mảnh đất này ra sao hẳn nhiều người đã biết, đã nói nhiều. Đặc biệt là trong năm 2021, năm mà người dân, công nhân lao động (CNLĐ) nói chung trên địa bàn tỉnh chịu sự tác động nặng nề từ dịch bệnh, Bình Dương đã phát đi tinh thần hỗ trợ tối đa bằng thực lực của tỉnh nhà. Trách nhiệm đó, nghĩa tình đó không chỉ thể hiện qua con số 3.500 tỷ đồng đã chi theo các nghị quyết, quyết định của Trung ương, của HĐND, UBND tỉnh mà ở đó còn là sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, chan chứa tình người trong những thời điểm cam go, thử thách nhất, nhất quán tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Sự đối đãi, cách thể hiện, chăm lo của Bình Dương, đặc biệt là trong những tháng cao điểm dịch bệnh năm 2021 hẳn người lao động, công nhân xa quê sẽ cảm nhận, thấu hiểu, trân trọng.
Không chỉ là trong đại dịch, sự nghĩa tình của Bình Dương bao năm qua được thể hiện thường xuyên, liên tục, nhất là những dịp tết đến, xuân về, những mùa lễ hội, tựu trường, những ngày lễ trọng đại của đất nước, quê hương. Nguồn lực của tỉnh, nguồn lực của các tổ chức từ thiện xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn thể người dân Bình Dương dành cho CNLĐ xa quê đã chọn tỉnh nhà sinh sống, gắn bó là vô cùng
lớn. Chăm lo ra sao, trao bao nhiêu món quà, bao nhiêu hiện vật, hiện kim của từng đợt, từng năm, nhiều năm thật khó có thể thống kê, đong đếm hết. Hơn thế nữa, đã là nghĩa tình cho đi, trên hết là mang tình cảm, trách nhiệm, niềm hân hoan, phấn khởi đến với đối tượng thụ hưởng, tiếp thêm phần nào nghị lực, niềm tin về một mảnh đất đáng sống, đáng gắn bó để dựng xây.
Dựng xây cuộc sống
Rời xa nương rẫy, ruộng đồng, bản làng thân thương mà bao đời cha ông gắn bó, chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai để gầy dựng cuộc sống hẳn ai cũng ước ao về hai chữ thành công. Đừng “lý tưởng hóa” sự thành công, với hoàn cảnh của người xa quê, của CNLĐ đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp nơi vùng đất mới, thành công thiết nghĩ cũng chẳng có gì ngoài những nhu cầu thiết yếu, bền vững, đó là công việc ổn định, thu nhập bảo đảm, làm chủ một căn nhà vừa đủ, con cái được học hành, sức khỏe gia đình được chăm lo.
Bình Dương đã và đang xây dựng hàng loạt khu nhà ở xã hội với giá bán ưu đãi dành cho công nhân lao động và người dân có thu nhập thấp. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội Định Hòa do Becamex IDC đầu tư xây dựng. Ảnh: PHƯƠNG AN
Nỗ lực tự thân để bảo đảm dựng xây cuộc sống khá đủ đầy với lao động, công nhân xa quê là hiển nhiên. Họ tất bật, hăng say với bao công việc thường nhật, gắn bó với nhà máy, công trường cũng hướng đến mục đích, ước mơ đẹp, bình dị đó. Tiếp sức, tạo điều kiện tối đa cho CNLĐ xa quê có được cuộc sống ổn định, gắn bó dài lâu, trách nhiệm, nghĩa tình đó cũng đã được Bình Dương thực hiện bấy lâu, vẫn biết là chưa đạt như kỳ vọng.
1 triệu căn nhà ở xã hội giá rẻ sẽ được xây dựng, đó là quyết tâm chính trị lớn được Bình Dương thực hiện nhằm phục vụ nhu cầu ở của nhiều đối tượng, trong đó chủ yếu vẫn là CNLĐ xa quê đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đột phá cho chương trình nhà ở xã hội của Bình Dương cần phải đề cập đến vai trò của Tổng Công ty Becamex IDC, một doanh nghiệp chủ lực về nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với nguồn lực của Becamex IDC, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn cùng vào cuộc với tất cả trách nhiệm, nghĩa tình nhằm mang đến “căn nhà mơ ước” cho công nhân xa quê, người lao động thu nhập thấp.
Nhà ở xã hội của Becamex IDC đầu tư xây dựng với giá bán ưu đãi từ 100 triệu đến 170 triệu đồng/1 căn hộ 30m² sàn thực sự là niềm vui, thu hút sự quan tâm của số đông CNLĐ, người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích sàn nhà ở xã hội Bình Dương thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 hơn 1,3 triệu m², đáp ứng cho hơn 111.000 người, trong đó có 14 dự án thuộc Đề án nhà ở an sinh xã hội Becamex thực hiện, đáp ứng cho hơn 40.000 người. Giai đoạn 2016-2020 có 17 dự án nhà ở xã hội được đầu tư với 1,33 triệu m2 sàn. Cũng cần phải nói thêm rằng, chương trình nhà ở xã hội dành cho CNLĐ của Bình Dương thực sự là điểm sáng được các bộ, ngành đánh giá cao, là mô hình được đề nghị các địa phương bạn học hỏi, nhân rộng.
Cùng với nhà ở, y tế, giáo dục của Bình Dương cũng được đầu tư mạnh mẽ trong hàng chục năm qua để phục vụ tốt nhất nhu cầu của mọi người dân trên địa bàn, trong đó không thể thiếu con em CNLĐ xa quê. Quan điểm nhất quán của Bình Dương không chỉ là mời gọi, thu hút lao động, tạo ra việc làm, thu nhập mà phải chăm lo tốt nhất trong điều kiện có được từ nhà ở, y tế, giáo dục để lao động xa quê thực sự yên tâm gắn bó dài lâu. Chăm lo y tế ra sao, trải qua trận dịch Covid-19 trong năm 2021 đã cho thấy Bình Dương quan tâm, trách nhiệm đối với sức khỏe người dân, CNLĐ thế nào chắc không cần thiết phải nói thêm. Quan tâm giáo dục, phục vụ cho con em địa phương, con em lao động mới đến lại là một điểm nhấn khác của Bình Dương rất đáng đề cập. Áp lực học sinh các cấp tăng cao liên tục nhiều năm liền, trong đó chủ yếu là học sinh từ các tỉnh, thành mới đến là vô cùng lớn, nhưng Bình Dương đã và đang tập trung nguồn lực, đầu tư trường lớp, nhân lực để con em trong độ tuổi đều được đến trường nắm bắt con chữ, hướng đến ngày mai tốt đẹp.
ẢNH HƯỞNG