Có một “đội quân tóc dài” ngày ấy...
Trong những ngày cuối năm mát dịu, chúng tôi có dịp được gặp những phụ nữ kiên trung của đội nữ pháo binh Bến Cát anh dũng năm nào nhân chuyến đồng hành về thăm lại chiến trường xưa. Hơn 40 năm qua, những ngày tháng chiến đấu của họ đã lùi sâu vào quá khứ nhưng tình đồng chí, đồng đội, tình chị em trong họ vẫn còn khăng khít, sâu sắc nguyên vẹn như xưa. Cùng chia sẻ gian khổ, hy sinh, mất mát trong những tháng ngày mưa bom, bão đạn, “đội quân tóc dài” ngày ấy đã xem nhau như chị em ruột thịt trong nhà. Những tiếng kêu “tao mày” thân thương, gần gũi, tự nhiên của những nữ pháo binh ngày nào vẫn được những bà nội, bà ngoại ngày nay dành cho nhau một cách thân thương, trìu mến.
(BDO)
Các cựu chiến binh C5 thắp nhang, tưởng niệm các đồng chí, đồng đội đã hy sinh, yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ TX.Bến Cát Ảnh: C.SƠN
Cống hiến tuổi thanh xuânTrên chuyến xe trở lại chiến trường xưa, nơi gắn liền với những chiến công của đội nữ pháo binh anh hùng tại vùng đất Long Nguyên (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng), những nữ pháo binh năm nào đều cùng có tâm trạng bồi hồi, xúc động. Ký ức sâu đậm về tháng năm chiến đấu sôi nổi, oanh liệt cùng ùa về trong họ. Chiến trường xưa giờ đây đã được bao phủ bởi bạt ngàn một màu xanh cao su. Những con đường nhựa thẳng tắp đã thay thế cho những con đường mòn đất đỏ hành quân năm nào. Mỗi tấc đất tại đây đều ghi rõ dấu ấn những chiến công của đội nữ pháo binh. Vì vậy, dù thời gian đã trôi qua trên 40 năm, ai ai cũng nhớ như in và vẫn chỉ ra rõ ràng nơi diễn ra từng trận đánh, từng chuyến hành quân trong suốt chuyến hành trình. Dưới tán rừng cao su xanh ngát, những giọng cười giòn giã, những câu chuyện kể của những nữ pháo binh trong lần hội ngộ này đã giúp chúng tôi mường tượng ra phần nào về một thời gian lao mà anh dũng của họ.
Giữa năm 1967, tại tất cả các huyện thị, lực lượng vũ trang của ta khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, mỗi huyện thành lập một trung đội nữ pháo binh, trong đó có huyện Bến Cát. Cuối năm 1967, Đội nữ pháo binh Bến Cát phát triển lên thành đại đội và ngày 5-1-1968, Đại đội 5 (C5) chính thức được thành lập. Thuở ban đầu ấy, “đội quân tóc dài” C5 có 27 người. Nhiệm vụ của Đại đội 5 lúc này là chiến đấu và kết hợp chiến đấu cùng các đơn vị ở địa phương; phục vụ chiến đấu như tải thương, tải lương thực và tải đạn. Cùng với lòng căm thù giặc, tình yêu quê hương xóm làng, C5 qua từng trận đánh đã dần trưởng thành, vừa chiến đấu vừa học hỏi và liên tiếp tạo ra những chiến công vang dội.
Bà Nguyễn Thị Nhung, nguyên nữ chiến sĩ C5 bồi hồi nhớ lại: “Khi tham gia C5 nhiều chị em chúng tôi cũng chỉ ở lứa tuổi 14, 15, 16. Dù còn trẻ tuổi nhưng khát vọng hòa bình trong chúng tôi lúc đó rất mạnh mẽ, chị em ra sức học tập, huấn luyện, chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh…”. Bà bảo, điển hình như sau chiến dịch Mậu Thân 1968, rút kinh nghiệm trong chiến đấu, khi trở về, chị em đã cắt đi mái tóc dài thân thương của người con gái, mặc quần cộc dây rút để dễ dàng chiến đấu. Cho đến bây giờ, nhiều chị em vẫn có thói quen để tóc ngắn như ngày xưa.
Đại đội Nữ pháo binh Bến Cát trong một lần trở về thăm lại chiến trường xưa Ảnh: C.SƠN
Nhớ về những ngày tháng không thể phai mờ, bà Trần Thị Dân, nguyên Chính trị viên C5 kể: “C5 có những đội viên mới chỉ 13 - 14 tuổi, đa số là dưới 20, không được huấn luyện chính quy nhưng chị em trưởng thành rất nhanh, kiên trung đánh giặc. Có những thời điểm, khi chị em mới gia nhập, chị em cũ dù chỉ có 1 bộ quần áo nhưng cũng tự nguyện nhường quần áo và võng, chia sẻ cho nhau từng chén cơm, hạt muối. Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng chị em luôn đoàn kết, nắm chắc tay nhau, truyền cho nhau niềm tin và sức mạnh chiến đấu để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao…”.
Đưa ánh mắt nhìn về phía xa xăm, Bà Dân kể tiếp: “Có những thời điểm, trong 3 tháng trời địch càn quét, bắn pháo, ngày đêm máy bay B52 săn đuổi tìm kiếm, biệt kích đón đánh liên tục, đồng thời chúng tăng cường tác động tâm lý, dùng mọi luận điệu để dụ dỗ chị em, trong khi đó chị em nữ pháo binh toàn ăn củ mài, củ chụp, cháo lá bướm, rau tàu bay, củ nho rừng. Vậy nhưng chị em vẫn bền bỉ, sát cánh bên nhau, động viên nhau cùng chiến đấu. Có những lúc cả đội chỉ còn chén gạo, chị em phải xuống suối hái tàu lá môn về nấu thành nồi cháo to cho hàng chục người ăn. Dù vậy chị em vẫn giương cao lá cờ quyết thắng và tin tưởng vào niềm tin chiến thắng…”.
Và những chiến công vang dội
Vượt qua gian khổ hy sinh, trong những tháng ngày nóng bỏng của cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, cùng với các đơn vị vũ trang khác, Đại đội 5 hăm hở bước vào cuộc chiến với khí thế như thác đổ, gặt hái được nhiều chiến công hiển hách. Với sức mạnh và ý chí chiến đấu ngoan cường, C5 đã đập tan bộ máy kìm kẹp, khủng bố, đàn áp của địch ở Bến Cát, phối hợp cùng các đơn vị khác bẻ gãy các cuộc hành quân, phá vỡ từng mảng ấp chiến lược, đồn bốt, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.
Thực tiễn chiến đấu trong đơn vị anh hùng này đã chứng minh rằng, những nữ pháo binh Bến Cát có một sức mạnh tinh thần không thua gì nam giới, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Đảng và nhân dân, không sợ gian khổ hy sinh. Bà Nguyễn Thị Hạnh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 5 xúc động nhớ lại: “Gọi là “nữ pháo binh” chứ thật ra C5 là đội vũ trang khá toàn diện, sử dụng khá nhiều loại vũ khí không chỉ đơn thuần có pháo mà cả sử dụng khẩu cối 82, cối 60, M79, B40, AK. Đội có thể độc lập tác chiến, nắm vững trận địa, có thể kết hợp tác chiến với các đội nữ vũ trang địa phương, đánh bộ binh, pháo binh hoặc công đồn đều được cả. Đội vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu một cách nhạy bén đều đặn và kịp thời. Gác súng lại chị em đã nhanh chóng trở thành các nữ chiến sĩ dân công tải thương, tải đạn…”.
Trải qua những năm tháng chiến đấu, C5 đã tham gia hơn 170 trận đánh lớn, nhỏ, làm tiêu hao và tiêu diệt gần 500 tên giặc, thu 82 súng các loại. Các trận đánh đã gắn liền với tên của C5 như trận đầu ra quân đánh tua Suối Tre, trận phối hợp đánh vào chi khu Bến Cát ngày 15-3-1968, trận đánh diệt ấp chiến lược Lò Than, tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ngày 28-10- 1970, đại đội đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ bằng súng AK và diệt nhiều tên địch... Sau đó, đại đội còn tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… |
Với những chiến công vang dội của mình, năm 1969, Đại đội nữ pháo binh Bến Cát được tặng danh hiệu “Đơn vị thành đồng quyết thắng”. Từ năm 1968 đến 1972, Đại đội 5 liên tục được tặng cờ thi đua của Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam. Ngày 20- 10-1976, Đại đội 5 được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang đúng dịp tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Vượt qua những gian khổ hy sinh, những thiếu nữ 14, 15, 16 tuổi ngày nào đã lập nên những chiến công vẻ vang. Những chiến công của “đội quân tóc dài” C5 ngày ấy đã góp phần đem lại chiến thắng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ với quê hương, đất nước, các nữ chiến sĩ C5 lại trở về thực hiện thiên chức của người phụ nữ trong thời bình, làm vợ, làm mẹ, làm bà... Dù thời gian có trôi xa nhưng chiến công của “đội quân tóc dài” ngày ấy vẫn còn vang vọng mãi...
CAO SƠN