Có không quy trình đào tạo lái xe... lệch chuẩn?

Thứ năm, ngày 19/08/2010

Tình trạng bớt xén quy trình đào tạo lái xe (ĐTLX) ôtô là một trong những nguyên nhân gây ra TNGT. Một số trung tâm dạy lái xe ôtô tuyển sinh quá đông học viên; do vậy dẫn đến việc giảm một số tiết học, đặc biệt là lý thuyết. Còn học thực hành thì “được chăng hay chớ” do lớp đông, xe ít. Thời gian qua, nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra mà một trong những nguyên nhân có phần là do công tác đào tạo, sát hạch lái xe đang lệch chuẩn!?

Chờ đợi cả năm, chị N., công tác ở một cơ quan cấp tỉnh cũng đến lượt tham gia học ở một Trung tâm ĐTLX. Niềm vui chưa được lâu thì khi vào học, chị lại thất vọng bấy nhiêu! Vì số đông học viên bận làm việc ở cơ quan, nên chị N. và các học viên trong tổ chỉ học được một buổi lý thuyết rồi đi ngay vào thực hành. Học thực hành gần 20 người, chia làm 2 nhóm học vào ngày thứ bảy và chủ nhật. Đã thế, đến ngày học còn phải xếp hàng chờ đến lượt được “ôm vô lăng”! Vì vậy, việc học thực hành của chị N. càng bị rút gọn. Không an tâm, chị đành phải thuê xe tự lái và thuê thầy dạy theo giờ vào những lúc rỗi việc. Thầy dạy cho chị các quy tắc cơ bản, các “mẹo” vượt chướng ngại vật để khi thi không bị rớt! Thi lý thuyết thì đơn giản vì có người nhắc, nhưng lo nhất vẫn là thi thực hành. Cuối cùng, chị N. cũng vẫn vượt qua kỳ thi sát hạch, khi nhận bằng lái xe mà chị vẫn chưa tin là sự thực bởi vì hôm thi, chị lái xe mà tâm trạng như ở trên mây, mồ hôi túa ra vì căng thẳng. Hai năm sau khi lấy được bằng lái ôtô, chị N. chưa một lần ngồi sau vô lăng vì tất cả kiến thức đã trôi tuột đi đâu?

 

TNGT xảy ra tại xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát

Chị N. chẳng phải là trường hợp cá biệt mà còn rất nhiều người hiện nay có giấy phép lái xe ôtô trong tay nhưng không biết lái, không thuộc Luật Giao thông đường bộ! Thật khó tin khi chị N. tiết lộ rằng, “chị không hề nhớ một biển báo giao thông” nào! Anh L. một chủ trang trại cao su ở huyện Phú Giáo cho biết: Do lớn tuổi, không am hiểu về vi tính và trình độ có hạn nên anh đã “nhờ” một thầy ở trường dạy cho các thủ thuật khi thi lấy bằng lái. Chẳng hạn, khi làm bài lý thuyết luật giao thông thường thì mỗi học viên đều thuộc nằm lòng những “mẹo” như: câu hỏi có 4 đáp án thì chọn 3, từ câu 166 - 175 Đạo đức người lái xe thì chọn đáp án có chữ “Tất cả”, Biển báo thì theo quy tắc chung: Cấm xe nhỏ thì cấm xe lớn, cấm xe lớn thì không cấm xe nhỏ... không cần biết nội dung của nó nói gì! Về thực hành thì mỗi chiếc xe thi đều có gắn một cảm biến ở trục trước và một ở trục sau, để xem xe đi “đúng hay sai” bằng cảm ứng từ. Vì vậy, khi thi trên sa hình, nếu thấy đèn đỏ trước mặt sắp bật, nhiều học viên chạy chậm lại hoặc dừng hẳn... chờ đèn xanh. Nguyên do là một khi đã đi vào vạch chấm điểm, máy tính đã ghi nhận, thì dừng xe non hay già một tí đều bị trừ điểm, luống cuống mà vượt đèn đỏ thì còn tệ hơn!

Tình trạng bớt xén quy trình ĐTLX ôtô là một trong những nguyên nhân gây ra TNGT; một số trung tâm dạy lái xe ôtô tuyển sinh học viên quá tải trong khi lượng giáo viên, xe thực tập chỉ đáp ứng một nửa. Do vậy đã dẫn đến việc bớt xén khá nhiều tiết học, đặc biệt là lý thuyết. Chẳng hạn như học lý thuyết thì chỉ 1 buổi mang tính chiếu lệ. Còn học thực hành thì èo uột do lớp đông, xe ít, có người cả khóa học mà chỉ chạm đến tay lái không quá vài lần thì liệu có bảo đảm khi họ tham gia giao thông hay không? Bên cạnh đó, nhiều người khá giả còn thuê giáo viên riêng để dạy thực hành, đến ngày thi là cứ đi thi.

Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, đã chỉ rõ: một trong những biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông chính là việc nâng cao công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX). Đã có một bộ phận không ít những lái xe ôtô đã có GPLX, nhưng hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, quy tắc giao thông cũng như trách nhiệm, ý thức, đạo đức của người lái xe... rất hạn chế. Học viên bị học tắt, bị cắt bớt các quy trình đào tạo, chỉ cần học các “mẹo” là chắc chắn vượt qua các kỳ thi sát hạch. Điều đó cho thấy, công tác cấp GPLX hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng. Mặt khác, có một số người sẵn sàng chịu nộp vài triệu đồng để có được một tấm GPLX giả. Gần đây, báo Bình Dương đã tiếp nhận khiếu nại của bạn đọc về việc làm giả GPLX ôtô! Nếu không bị phát hiện thì không ai có thể lường hết được hậu quả của những tài xế “dỏm” này gây ra cho cộng đồng và xã hội lớn đến chừng nào! Do vậy, các cơ sở đào tạo cần phải thực hiện nghiêm túc quy trình dạy và học để nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần giảm thiểu TNGT. Sở GTVT tỉnh cần phải nâng cao vai trò và trách nhiệm quản lý đối với các cơ sở ĐTLX ôtô, đặc biệt là giám sát kỹ chất lượng và thời gian học của các cơ sở để phát hiện xem: liệu có việc cắt xén chương trình học, học “tủ”.

PHƯƠNG HÙNG