Có hướng đi đúng, doanh nghiệp dễ thành công

Thứ năm, ngày 03/05/2018

(BDO)  Đường sá đi lại, môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, kết hợp với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã từng bước vươn lên, khẳng định mình trên thương trường.

 Tận dụng tốt cơ hội

Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (TX. Dĩ An) chọn Bình Dương để bắt đầu sự nghiệp thời kỳ đầu đất nước mở cửa, thu hút đầu tư. Ông Trung nhớ lại, khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, thu hút đầu tư, nhu cầu xây dựng rất lớn. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, nhưng làm sao để biến nó thành hiện thực là vấn đề không đơn giản, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp Việt Nam vừa thiếu vừa yếu cả kinh nghiệm lẫn đồng vốn, nghiệp vụ chuyên môn.

 Trái cây có múi của một trang trại ở huyện Bắc Tân Uyên chuẩn bị
xuất ra thị trường. Ảnh: DUY CHÍ

“Tôi đã bán tất cả những gì mình có, trong đó có ngôi nhà mà gia đình đang ở để có vốn nhập dây chuyền sản xuất tôn cũ của Hàn Quốc về phục vụ sản xuất. Dù là dây chuyền cũ nhưng chúng tôi có niềm tin rất lớn vì Hàn Quốc là quốc gia đã công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền sản xuất, nền kinh tế thuộc tốp đầu châu Á. Chọn công nghệ Hàn Quốc, chúng tôi vừa an tâm về chất lượng vừa dễ đổi mới sau này”, ông Trung chia sẻ. Bằng nội lực, sự quyết tâm của mình, đến nay Tôn Đông Á đã trở thành thương hiệu Việt Nam được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng.

Ngành chế biến gỗ vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng thời gian gần đây nhiều thương hiệu gỗ Việt Nam đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất ván sàn nghệ thuật Sao Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) cho biết, với lợi thế lao động nước ta khéo léo, cần cù, chịu khó, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại của thế giới, sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp trong nước đã chinh phục được khách hàng trong nước và quốc tế. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gỗ trong nước đã trở thành thành viên và có tiếng nói quan trọng trong các hiệp hội gỗ lớn trên thế giới. Song song đó, các sản phẩm gỗ thương hiệu Việt đã vươn xa, hội nhập thị trường thế giới.

Mạnh dạn thay đổi cách làm cũ

Trước đây, nông nghiệp là lĩnh vực được dự báo dễ bị tổn thương khi nền kinh tế nước ta hội nhập với thế giới, bởi tập quán, kỹ thuật sản xuất của nông dân nước ta được hình thành và phát triển theo kiểu “cha truyền con nối”, cộng với điều kiện kinh tế đất nước nói chung, khu vực nông thôn nói riêng còn khó khăn nên việc ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất chưa được áp dụng rộng rãi.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp Bình Dương chia sẻ, vốn là con nhà nông nên khi bắt tay kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công việc trước tiên ông phải làm là phát huy thế mạnh sẵn có của người nông dân và phải thay đổi cách làm cũ, lạc hậu. Thói quen của nhà nông là phụ thuộc vào thời tiết nên không chủ động được sản xuất những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, tại các nước phát triển họ vừa dự báo được thời tiết vừa chủ động thích ứng với thời tiết bằng sự can thiệp của khoa học - công nghệ. Chẳng hạn như Israel là đất nước bán sa mạc, nhưng bò sữa của quốc gia này cho sản lượng sữa không thua kém gì ở Hà Lan - nước vốn nổi tiếng về bò sữa, vì họ biết cách làm cho bò không bị sốc nhiệt. Minh chứng như vậy để thấy rằng, các thông tin khoa học cần được cụ thể hóa theo hướng dễ hiểu, dễ làm, từ đó giúp người nông dân trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng hội nhập thành công.

Trong khi đó, theo ông Lâm Thành Thương, chủ trang trại mang tên ông, chuyên trồng cây có múi ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, cây ăn trái có múi vừa ngon vừa có tác dụng như một dược phẩm có lợi cho sức khỏe. Tuy vậy, loại cây này chỉ ra trái theo mùa. Muốn phát triển được cây có múi với quy mô công nghiệp, chủ trang trại cần hội đủ nhiều yếu tố như: Phải biết rõ đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây; phải biết kỹ thuật trồng và kỹ thuật cho trái nghịch vụ bằng cách ứng dụng khoa học - kỹ thuật kết hợp kinh nghiệm sản xuất của người nông dân; phải kiêm luôn nhiệm vụ “thương mại”. ..

Không riêng gì Trang trại cây có múi Lâm Thành Thương, hiện nay, các trang trại cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên cho trái quanh năm, bảo đảm theo đơn đặt hàng của khách. Điều đáng mừng là Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên”. Kết quả này được các trang trại, nhà nông trồng cây có múi trên địa bàn huyện xem như “giấy thông hành” để trái cây của địa phương có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

 DUY CHÍ