Cơ hội lớn của hai nước lớn
(BDO) Trong những năm qua, người dân trên toàn thế giới, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã chứng kiến những căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung từ mọi cấp độ và trên các lĩnh vực. Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại nhà riêng của ông Trump ở Mar-a-Lago, Florida trong 2 ngày 6 đến 7-4, Tổng thống Donald Trump đã thừa nhận cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ "vô cùng khó khăn".
Cuộc gặp khó khăn
Vài tuần trước, nhiều người thậm chí còn không kỳ vọng vào khả năng diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh như thế này, nhất là sau khi ông Trump khiến Bắc Kinh không khỏi tức giận với việc ngỏ ý sẽ không tiếp tục lập trường tôn trọng chính sách “Một nước Trung Quốc”.
Ngay trong quá trình hai bên xúc tiến cho cuộc gặp cấp cao này, những vấn đề “nóng” nhất trong quan hệ hai nước cũng được Tổng thống Donal Trump “xới” lên với những câu hỏi còn bỏ ngỏ đang đợi hồi đáp từ phía Trung Quốc.
Từ tình trạng thâm hụt thương mại, thất thoát việc làm, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan... cho tới an ninh hàng hải và hàng loạt vấn đề khác... cứ động vào đâu là ở đó có sự khác biệt Trung - Mỹ. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hai bên có thể đàm phán, hạn chế khác biệt, tiến tới hợp tác. Cả thế giới đang dõi theo cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, bởi đây là cuộc gặp của hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành gặp mặt lần đầu tiên trong hai ngày 6 và 7-4 tại bang Florida. Ảnh: IBT.
Những tác động tiêu cực của cuộc gặp, hay nói cho đúng hơn là của quan hệ Trung - Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Và ngược lại, nếu đúng như báo chí Trung Quốc mô tả sự kiện này là "cơ hội tốt để tăng cường sự hiểu biết cá nhân giữa hai người", thì sẽ có nhiều vấn đề được giải quyết trên cấp độ toàn cầu. Bức tranh toàn cảnh thế giới sẽ có thêm các gam màu sáng; lợi ích chung về thương mại trên toàn cầu được thúc đẩy...
Trong khi đó, nhiều vấn đề an ninh, chính trị cũng sẽ có thêm hướng giải quyết tích cực. Đúng như Phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ Sean Spicer xác định cuộc gặp là cơ hội cho hai nhà lãnh đạo xây dựng một mối quan hệ.
Dự báo về cuộc gặp này, các chuyên gia nhận định, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có thể còn nhiều bất đồng này sẽ “vô cùng khó khăn”. Tuy nhiên, các quan chức cho rằng ông Trump sẽ không tỏ ra quá gay gắt trong cuộc gặp sắp tới. Giám đốc Điều hành Tập đoàn General Electric Jeff Immelt ngày 30-3 đã kêu gọi Tổng thống Trump duy trì mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Mỹ được lợi nhiều từ toàn cầu hóa
Ông nói: “Đất nước sẽ thua thiệt nếu chúng ta không tiến hành các hoạt động thương mại. Mối quan hệ với Trung Quốc là yếu tố then chốt... Và đúng như Phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ Sean Spicer nói: “Có nhiều vấn đề lớn chúng tôi cần thảo luận với Trung Quốc”.
Tuy nhiên sự phức tạp và rộng lớn của quan hệ Mỹ - Trung khiến đến phút chót, không một chuyên gia, nhà phân tích nào dám đưa ra dự đoán cụ thể về kết quả. Bởi bản thân mối quan hệ này đã luôn trở nên khó đoán sau khi Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Sự căng thẳng khiến các bên liên quan trong cuộc gặp sắp tới đã hoàn toàn im lặng. Nhà Trắng chưa hề có một thông báo chính thức nào, và Bắc Kinh cũng vậy.
Trong khi đó, theo lệ truyền thống thì các chuyến thăm chính thức như thế sẽ luôn được thông báo trước vài tuần, thậm chí là vài tháng. Thực sự là rất bất thường khi không có bất kỳ một sự xác nhận nào trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung.
Theo các nhà quan sát giàu kinh nghiệm, dấu hiệu “im hơi lặng tiếng” đó có thể cho thấy một thực tế là các cơ quan ngoại giao hai bên vẫn đang cố gắng đàm phán với nhau ở những phút chót. Đây là chỉ dấu thể hiện mức độ căng thẳng rõ ràng giữa hai bên ở đằng sau hậu trường, và tránh xa mọi sự dòm ngó của dư luận. Điều này cho thấy, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang theo dõi nhau rất chặt chẽ, và thậm chí sẵn sàng hủy cuộc gặp thượng đỉnh nếu họ cảm thấy “bị đe dọa” ở phương diện nào đó.
Nói về mức độ khó khăn của cuộc gặp lần này, một số chuyên gia có cái nhìn thực tế lại cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới chưa chắc ảnh hưởng nhiều tới tương lai quan hệ Mỹ - Trung. Tại sao ư? Cuộc gặp được cho là vô cùng nồng ấm trong quá khứ giữa cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước kia là ví dụ điển hình.
Họ đã từng dành thời gian 2 ngày bàn bạc cùng nhau, và sau đó các quan chức Trung Quốc ca ngợi hai bên đã đạt được sự đồng thuận “đột phá chưa từng có”. Nhưng ngay lập tức, Mỹ và Trung Quốc bất đồng sâu sắc với nhau, do những vấn đề liên quan tới an ninh hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông.
Mức độ khó khăn của cuộc gặp còn liên quan tới những quan điểm khó đoán trước của Tổng thống Trump. Ngay khi mới nhậm chức, trong số nhiều vấn đề, ông Trump đã thẳng thừng lên án Trung Quốc thực thi thương mại không công bằng và dọa sẽ tuyên bố nước này thao túng tiền tệ, hạ thấp giá đồng nhân dân tệ để khuyến khích xuất khẩu, khiến cho các doanh nghiệp và thị trường việc làm Mỹ bị tổn hại.
Tổng thống Trump thậm chí chọc giận Bắc Kinh khi điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, không theo thông lệ của những người tiền nhiệm và phủ bóng nghi ngờ lên chủ trương của Washington lâu nay là nhất trí với chính sách "Một nước Trung Quốc" của Bắc Kinh. Tuy nhiên sau đó, Tổng thống Trump đã dịu bớt lập trường và ngôn từ nhằm vào Trung Quốc. Trong cuộc điện đàm ngày 9-2 với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông tái khẳng định sự ủng hộ đối với chính sách "Một nước Trung Quốc".
Sự thay đổi trong quan điểm của Tổng thống Trump cũng là quan điểm của nhiều nghị sĩ trong đảng Cộng hòa. Một trào lưu ủng hộ chiến lược “cam kết” tích cực với Trung Quốc đã nổi lên mạnh mẽ. Khuynh hướng cam kết và hợp tác với Trung Quốc đang thắng thế quan điểm tìm kiếm sự xung đột.
Giấc mơ G2
Rõ ràng, một nước Mỹ hợp tác và không tìm kiếm xung đột sẽ giúp Trung Quốc thực hiện “giấc mơ” của mình về nhóm G2 Mỹ - Trung. 2 nước tuy bất đồng nhưng buộc phải hợp tác. Tờ nhật báo kinh tế của Anh Financial Times vừa có bài nhận định về quan hệ Mỹ - Trung đứng trên góc độ thương mại. Ai cũng hiểu rằng tương lai của thế giới tùy thuộc phần lớn vào quan hệ giữa 2 siêu cường quốc này. Tuy vậy, hai nước hiện nay lại có quan điểm đối chọi nhau về kinh tế thế giới.
Theo Financial Times, khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump có cuộc gặp lần đầu tiên hai bên cần phải tìm ra một nền tảng cho sự hợp tác. Nếu chỉ xét thuần túy về mặt kinh tế, theo Financial Times, trước hết, hai lãnh đạo cần phải thuyết phục nhau rằng sẽ không có bên nào đạt được mục tiêu của mình nếu xung đột xảy ra, cho dù chỉ là chiến tranh thương mại, vì cả hai bên sẽ đều bị thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp. Rõ ràng điều này không nước nào muốn xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh nhạy cảm như hiện nay.
Tổng thống Trump đang chịu áp lực từ những người ủng hộ ông về việc tiếp tục thực hiện chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết". Một hành động sai lầm có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với cả hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thậm chí rộng hơn nữa. Để tránh điều tồi tệ nhất và tìm ra phương án thực tế trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Trump và ông Tập Cận Bình chắc chắc sẽ có những thay đổi hoặc nhượng bộ tôn trọng “những lợi ích của mỗi bên”.
Quan điểm tích cực này được dự báo sẽ là “dòng chảy xuyên suốt” trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Bởi những dấu hiệu đã sớm bộc lộ khi trước đó, trong điện chúc mừng, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại ý tưởng “khởi động lại” với việc mong muốn phát triển với Tổng thống Trump các mối quan hệ song phương xuất phát từ một nền tảng mới giữa “quốc gia phát triển lớn nhất và quốc gia đang phát triển lớn nhất”.
Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc trong cuộc gặp tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Ông Tập Cận Bình lặp lại khái niệm “quan hệ đặc biệt giữa các cường quốc lớn”, dựa trên “việc khước từ xung đột, đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, một sự hợp tác cùng thắng và kiểm soát sự khác biệt theo cách thức mang tính xây dựng”, vốn được Tổng thống Obama đề xuất không thành công tại cuộc gặp tại Sunnylands năm 2013.
Tuy nhiên, nếu như trên thực tế, Trung Quốc có thể thuyết phục chính quyền mới của ông Trump “cùng nhau xây dựng một mô hình quan hệ giữa những cường quốc lớn”, thì những hậu quả về bất ổn khu vực và sự gia tăng căng thẳng sẽ rất lớn. Trong bối cảnh này, đa phần các quốc gia trong khu vực chờ đợi một sự cam kết quan trọng hơn của Mỹ trước sự gia tăng sức mạnh của một Trung Quốc đang trên đà phát triển và theo đuổi những “giấc mơ” của mình.
Trung Quốc hiểu rõ, sẽ không thể “cất cánh” nếu thiếu sự hợp tác của Mỹ. Càng không thể “cất cánh” khi gặp phải sự kiềm chế của Mỹ. Chính vì vậy, cuộc gặp lần này vô cùng quan trọng với Trung Quốc.
Rất có thể Trung Quốc sẽ có những nhượng bộ nhất định nào đó liên quan tới vấn đề Triều Tiên hoặc các vấn đề về thương mại. Bởi hiện đây là hai vấn đề nóng nhất, có thể giải quyết được giữa Trung Quốc và Mỹ nếu hai bên có thiện chí.
Nói về cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói: "Tôi chắc chắn sẽ có rất nhiều cuộc thảo luận về mối quan hệ kinh tế của chúng ta" tại hội nghị ở Mar-a-Lago. Ngoài ra, theo Reuters, tại cuộc gặp, một trong những chủ đề quan trọng mà ông Trump sẽ thúc ép ông Tập thực hiện là kiềm chế tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nước Mỹ đang rất “nóng lòng” về vấn đề Triều Tiên, vì vậy mà ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ thái độ cứng rắn khi cảnh báo nếu Bắc Kinh không giải quyết vấn đề Triều Tiên, Washington sẽ "ra tay".
"Họ sẽ phải quyết định có giúp chúng tôi trong vấn đề Triều Tiên hay không. Nếu họ đồng ý, việc đó sẽ tốt cho họ. Nếu họ không đồng ý, không ai hưởng lợi cả", Tổng thống Trump nhấn mạnh. Và sau những tuyên bố cứng rắn trên, ông Trump cũng “không giấu giếm” gì khi nói thẳng ra rằng Mỹ sẽ đàm phán với Trung Quốc về vấn đề thương mại. "Thương mại là khuyến khích. Tất cả quy về thương mại", ông Trump nói.
Trong bối cảnh Trung Quốc rất cần nước Mỹ “ngửa bài” để nước này sớm đưa ra sách lược của mình, các quan chức phía Trung Quốc đã khẳng định, quan hệ tốt đẹp với Mỹ là "ưu tiên hàng đầu". Cuộc gặp Trump - Tập "mang ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển quan hệ Trung - Mỹ trong thời đại mới cũng như thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương, hoặc thậm chí cho toàn thế giới", Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì nói.
Tạp chí "Diplomat" mới đây có bài phân tích của tác giả Liu Youfa - tiến sĩ, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Pangoal - với nhận định rằng Trung - Mỹ đang cố gắng xây dựng và duy trì “quan hệ cường quốc kiểu mới” và đã đạt được nhiều kết quả có lợi cho cả hai bên.
Ở cấp độ toàn cầu, Trung Quốc và Mỹ là những thành viên chủ chốt trong các tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó các nhà lãnh đạo và quan chức của hai nước đều đã tích cực tham gia. Bắc Kinh và Washington hiện đứng trước “ngã ba đường”, giữa phát triển kinh tế bền vững và đổi mới quốc gia. Cả hai nước đều đang chịu áp lực từ một nền kinh tế thế giới phát triển chậm chạp và thương mại toàn cầu bị bó buộc. Cả hai nước đều phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Cả hai nước có nghĩa vụ thúc đẩy một thế giới hòa bình, phát triển và hợp tác. Vì vậy, hai nước cần đối thoại nhiều hơn, phối hợp chính sách và hợp tác nhiều hơn; cần chung tay xây dựng một mối quan hệ bền vững dựa trên việc tránh xung đột và đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, và hợp tác hai bên cùng có lợi; đồng thời nên tránh thực hiện chính sách gây thiệt hại cho đối phương...
Tóm lại, trong bối cảnh toàn cầu hóa và tình hình quốc tế đầy biến động, xây dựng mối quan hệ bền vững Mỹ - Trung sẽ đem lại lợi ích cho cả chính quyền và người dân hai nước. Các biến chuyển xấu trong mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ chỉ tiếp tục làm suy yếu thêm nền kinh tế toàn cầu và có thể dẫn đến xung đột giữa các cường quốc quan trọng nhất của thế giới.
Theo TTXVN