Cơ hội lập nghiệp tại quê nhà

Thứ bảy, ngày 20/09/2014

(BDO) Giải quyết việc làm, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng của Bình Dương, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) mang lại kết quả dễ thấy nhất.

 

Đào tạo nghề cạo mủ cao su cho lao động nông thôn ở Tân Uyên Ảnh: T.VY

Đáp ứng nhu cầu việc làm cho LĐNT, các trường nghề ở Bình Dương luôn chú trọng và chiêu sinh nhiều lớp nghề để đào tạo nghề cho họ. Có kinh nghiệm từ thực tiễn, nên trường Trung cấp Nghề Dĩ An hiện đang tổ chức chiêu sinh mở các lớp đào tạo nghề LĐNT như lái xe nâng hàng, cắt uốn tóc, nấu ăn đãi tiệc, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, hàn, cơ khí và điện công nghiệp. Trong quá trình đào tạo, trường còn giúp những học viên là LĐNT ở TX.Dĩ An miễn học phí hoàn toàn, đồng thời hỗ trợ 10.000 đồng/ngày học. Trao đổi với chúng tôi, thầy Tô Chí Trí, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết một trong những nghề mà nhà trường đào tạo, được nhiều doanh nghiệp tuyển dụng, đó là nghề lái xe nâng hàng. Chính vì thế với nghề này, sau khi ra trường, học viên đều có việc làm với mức lương khá hấp dẫn.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình lao động, người có công và xã hội, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao về chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bình Dương. Bộ trưởng cho rằng, Bình Dương đã chọn đúng nghề đào tạo phù hợp với thực tế ở địa phương như cạo mủ cao su, chăm sóc cây kiểng…

Không chỉ trường Trung cấp Nghề Dĩ An, từ đầu năm đến nay, trường Trung cấp nghề Tân Uyên đã mở 13 lớp dạy nghề cho 301 học viên LĐNT tại các xã, phường, gồm tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, chăm sóc và khai thác mủ cao su, nấu ăn - đãi tiệc, may gia dụng... Thầy Phạm Minh Sang, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghề Tân Uyên, cho biết: “Sau thời gian thực hiện, đến nay phải nói rằng, nhận thức của người dân về học nghề, đào tạo nghề có nhiều chuyển biến, nhất là người lao động; bởi có nghề mới có việc làm, có thu nhập ổn định. Vì vậy thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu thực tế, tổ chức tư vấn và tuyên truyền học nghề đến LĐNT, mở lớp dạy nghề ở các xã điểm, chọn những ngành nghề phù hợp ở địa phương để đào tạo cho NLĐ”.

Năm 2014 này, cùng với các trường nghề, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cũng tiếp tục đào tạo, hướng vào đối tượng lao động tại chỗ. Thời gian qua, trung tâm đã tăng cường phối hợp, mở các lớp dạy nghề tại cơ sở, đồng thời phối hợp với một số công ty, doanh nghiệp vừa tham gia dạy nghề, vừa nhận lao động và bao tiêu sản phẩm. Kết quả từ đầu năm đến nay, trung tâm mở 13 lớp với 270 học viên là LĐNT theo học. Công tác dạy nghề cho LĐNT cũng được triển khai rõ nét và đi vào chiều sâu mang ý nghĩa thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tế mà xã hội cần. Sau khi học xong, học viên được giới thiệu việc làm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT.

Rất nhiều trung tâm, trường nghề, cơ sở dạy nghề đã và đang hướng về phần cầu để đáp ứng phần cung. Điều đó cho thấy, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Bình Dương đã phát huy tác dụng và được đông đảo lao động ở các vùng nông thôn hưởng ứng tích cực. Con số thống kê cho biết 9 tháng qua, Bình Dương đã đào tạo 1.376 LĐNT, trong đó có 358 học viên theo học nhóm nghề nông nghiệp, 1.018 học viên theo học nhóm nghề phi nông nghiệp, đạt 57,2 % kế hoạch năm. Và cái chính là việc đào tạo nghề cho LĐNT về đến cơ sở đã tiết kiệm được chi phí học nghề cho người lao động ở nông thôn khi được tham gia học nghề tại địa phương mình. Các ngành nghề đào tạo đang phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, hầu hết sau khi tốt nghiệp các khóa học, người lao động được các doanh nghiệp trên địa bàn nhận vào làm việc với mức lương ổn định. Cơ hội lập nghiệp tại quê nhà chắc chắn đã có. 

 TƯỜNG VY