Cơ hội cho nông sản Bình Dương vào EU

Thứ sáu, ngày 07/08/2015

(BDO)

Xuất khẩu nông sản nước ta đang đứng trước cơ hội lớn khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam- Liên minh châu Âu (EU) sắp được ký kết. Tuy là một tỉnh công nghiệp nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn luôn được Bình Dương quan tâm đầu tư phát triển, vai trò của ngành nông nghiệp đối với sự phát triển chung của tỉnh nhà là rất quan trọng, nhưng chọn nông sản nào tham gia thị trường EU là bài toán không hề đơn giản...

 

Nông dân huyện Phú Giáo đang thu hoạch tiêu. Ảnh: Q.NHIÊN

 Cơ hội cho hồ tiêu

Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết năm 2015 là năm bản lề của các FTA đối với Việt Nam. Cơ hội lớn đang mở ra cho các ngành kinh tế nước ta, trong đó có các mặt hàng nông sản, bởi các thị trường tham gia FTA sẽ đưa mức thuế nhập khẩu nông sản về 0% theo đúng lộ trình cam kết của hai bên. Ở Bình Dương, hai mặt hàng nông sản có nhiều khả năng thâm nhập sâu rộng vào thị trường EU là hồ tiêu và cao su. Hiện hồ tiêu Việt Nam đang chiếm gần 60% thị phần thế giới nhưng Bình Dương chỉ đóng góp số lượng rất khiêm tốn.

Ông Đặng Thành Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Đăng Nguyên (TX.Thuận An), cho biết từ đầu năm 2014 đến nay, sản phẩm hạt tiêu đen chế biến của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore... Để có nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng cao nhất (hạt tiêu đủ độ tuổi, độ chín, hạt to khỏe), công ty phải trực tiếp đi khảo sát, làm việc và ký cam kết với nhiều vườn tiêu ở Gia Lai, Đắc Lắc, Đồng Nai, Bình Phước... bởi nguồn nguyên liệu hồ tiêu tại Bình Dương không đủ số lượng đặt hàng từ phía đối tác.

Theo các chuyên gia, tiêu hiện đang là cây trồng mang lại cơ hội làm giàu cho nhiều hộ nông dân. Hiện nay, huyện Phú Giáo có diện tích trồng tiêu lớn nhất tỉnh Bình Dương với 276 ha; cây tiêu là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình tại đây. Anh Phạm Văn Dũng ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, chia sẻ cây tiêu không phải là loại cây dễ trồng, với 1,2 ha đất trồng tiêu của gia đình cũng mất vài năm mới có thể ổn định vườn cây. Nếu không nắm vững được kỹ thuật trồng tiêu, sau vài năm rất dễ bị sâu bệnh dẫn đến chết cây.

Tuy diện tích tiêu không nhiều nhưng với lợi thế là tỉnh công nghiệp, địa lý, giao thông thuận lợi, Bình Dương vẫn là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến sản xuất, chế biến hồ tiêu xuất khẩu.

“Làn gió mới” cho cây cao su?

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, mặc dù lượng cao su xuất khẩu từ đầu năm đến nay tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá đã giảm hơn 22%. Giá mủ cao su hiện đang xuống dưới mức 8.000 đồng/kg và giảm trên 100 đô la Mỹ/tấn khi tham gia thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, cho biết năm 2014, Việt Nam là nước sản xuất cao su thiên nhiên đứng thứ 3 thế giới, sau Thái Lan và Indonesia. Cao su giữ vị trí thứ 4 trong các loại nông sản xuất khẩu có giá trị của Việt Nam sau cà phê, gạo và nhân điều; đóng góp khoảng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Riêng đối với Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, doanh thu xuất khẩu trực tiếp năm 2014 đạt 23,25 triệu đô la Mỹ, với sản lượng hơn 10.835 tấn. Năm 2015 tình hình giá mủ cao su trên thế giới có nhiều biến động, bên cạnh đó việc nước ta tham gia FTA cũng có nhiều ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu cao su. Đứng trước cơ hội thâm nhập vào thị trường EU, không riêng gì công ty mà các doanh nghiệp chuyên trồng và chế biến mủ cao su cũng đang đợi “làn gió mới” từ thị trường này.

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, nhận định trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương vào thị trường EU gần 2,2 tỷ đô la Mỹ năm 2014 thì ngành nông nghiệp đóng góp rất khiêm tốn. Cao su là mặt hàng chủ đạo nhưng kim ngạch xuất khẩu còn chưa tương xứng so với tiềm năng hiện có.

Thống kê của ngành chức năng cho thấy đến tháng 6-2015, diện tích trồng cao su trên toàn tỉnh đã tăng lên 134.031 ha, nguồn mủ cao su dồi dào đủ phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Các chuyên gia nhận định nếu quản lý diện tích cao su đúng quy hoạch, thuế nhập khẩu của EU được giảm tới mức tối đa…, cao su của Bình Dương sẽ có thêm điều kiện để phát triển mạnh, bền vững trong thời gian tới.

 QUỲNH NHIÊN - PHÙNG HIẾU