Cơ hội cho ngành da giày
(BDO) Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại trong 4 tháng đầu năm ước đạt 5,33 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tại Bình Dương, đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp da giày đã có đơn hàng hết năm 2019.
Dây chuyền sản xuất giày tại Công ty Đông Hưng
Thị trường đang rộng mở
Theo Hiệp hội da giày Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2019 có thể đạt 21,5 tỷ USD. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương, cho biết mục tiêu này rất khả thi. Lý do trước hết là do Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho ngành công nghệ cao.
Đáng lưu ý, giá xuất khẩu giày trung bình của thế giới là 9,81 USD/đôi, trong khi đó giá của Việt Nam là 15 USD/đôi. Như vậy, chất lượng sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được cải thiện và được khách hàng ghi nhận.
Theo Hiệp hội da giày Bình Dương, bên cạnh lớn mạnh về quy mô cấu trúc doanh nghiệp, các doanh nghiệp da giày trên địa bàn tỉnh còn phát triển vuợt bậc về công nghệ sản xuất. Cụ thể là hầu hết các doanh nghiệp da giày trên địa bàn tỉnh đã đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại, nhờ đó đã nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các đơn hàng lớn. Đại diện Công ty giày Thái Bình cho biết điều đáng mừng là nguồn nguyên liệu tại chỗ của ngành da giày trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu nguyên liệu cho các doanh nghiệp.
Nỗ lực nhiều hơn
Ông Hà Duy Hưng, Giám đốc Công ty Đông Hưng, cho biết cơ hội mở rộng thị trường cho ngành da giày đang rất lớn khi Trung Quốc không còn ưu tiên đầu tư vào ngành da giày, cùng với đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra khốc liệt. Đây đang là thời điểm để ngành da giày trong nước gia tăng giá trị xuất khẩu.
Theo Hiệp hội da giày Bình Dương, hiện ngành da giày đã chủ động được hơn 70% nguyên liệu phụ cho các dòng sản phẩm trung bình và 50% nguyên liệu cho các dòng sản phẩm trung bình khá.
Các chuyên gia ngành da giày cho rằng Bình Dương cần có thêm các khu công nghiệp tập trung sản xuất thuộc da, dệt nhuộm, vải giả da; khuyến khích các địa phương xây dựng cụm công nghiệp chuyên sản xuất nguyên, phụ liệu ngành giày da. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ trong thực hiện cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc trong 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 9,43 tỷ USD, tăng 9,8%; kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại ước đạt 5,33 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. |
PHÙNG HIẾU