Cơ hội bứt phá về thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thứ hai, ngày 16/12/2019

(BDO) Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với tên gọi cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo (VR), điện toán đám mây, dữ liệu lớn... ngày càng tác động trực tiếp đến kinh doanh. Vì vậy doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tích cực trong việc phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trước cơ hội lớn.


Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo bằng việc ứng dụng công nghệ được các ngành chức năng của tỉnh đánh giá cao. Trong ảnh: Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo Bình Dương năm 2018

Cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Xác định TMĐT là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế số, thời gian qua, ngành công thương đã và đang triển khai các kế hoạch tổng thể về phát triển TMĐT cho địa phương. Thực tế hiện nay, việc ứng dụng TMĐT, mua sắm hàng hóa, dịch vụ qua mạng trên địa bàn tỉnh ngày càng phổ biến, người tiêu dùng, nhất là giới trẻ ngày càng quan tâm và đặt niềm tin vào việc mua sắm online, những trang mua sắm chuyên nghiệp được đầu tư bài bản như Sendo, Shopee, Tiki, Adayroi, Lazada… ngày càng được chú ý. Sự ra đời của sàn giao dịch TMĐT Bình Dương được kỳ vọng đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương.

Tại diễn đàn Horasis Bình Dương 2019, các chuyên gia đưa ra nhận định khách hàng tiêu dùng đang ngày càng trở thành trung tâm của nền kinh tế số. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi internet ngày càng phổ biến. Ông Tadahiro Kawada, Chủ tịch Kawada Technologies, Nhật Bản, cho rằng cùng với xu hướng CMCN 4.0, kinh tế số là yếu tố quan trọng tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội và cơ cấu của nền kinh tế. Thương mại dần được toàn cầu hóa; công nghệ cao và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển. Thị trường TMĐT vì thế cũng được mở rộng, mô hình TMĐT ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số nói chung cũng như TMĐT nói riêng.

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), TMĐT B2C (doanh nghiệp và khách hàng) có tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm, đạt 8,06 tỷ USD vào năm 2018, chiếm 4,2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Cũng trong năm qua, số người tham gia mua sắm trực tuyến đạt khoảng 39,9 triệu người.

Các doanh nghiệp TMĐT trên thế giới nỗ lực vì mục tiêu tất cả đều nhằm làm thế nào cải thiện cách thức phục vụ khách hàng, trong đó chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng. Ông Tan Yinglan, Giám đốc điều hành kiêm đối tác sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners, Singapore cho rằng các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để nâng tầm sản phẩm hàng hóa và dịch vụ theo tăng cường với công nghệ số hóa để làm tăng giá trị của chúng. Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra dựa trên phân tích và tổng hợp dữ liệu về nhu cầu người tiêu dùng đòi hỏi phải có sự đồng bộ liên kết và trao đổi dữ liệu. Sự xuất hiện của các nền tảng toàn cầu, trong một thế giới phẳng và các mô hình kinh doanh mới sẽ dẫn tới hình thức tổ chức và văn hóa phát triển của các doanh nghiệp mới. Đây là điểm mấu chốt mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đặc biệt chú trọng. Thế giới phẳng đã và đang đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả tại các nước đang phát triển trên khắp thế giới.

Ông Tadahiro Kawada cũng cho rằng thị trường TMĐT Việt Nam cũng được mở rộng và đổi mới. Các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của số hóa và công nghệ thông tin đã trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số nói chung cũng như thương mại nói riêng. Do đó, để tiếp cận với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số trong cuộc CMCN 4.0, cần sự đầu tư lớn về nguồn vốn, công nghệ và nhân lực. Việc đẩy mạnh đầu tư công nghệ để phát triển TMĐT theo chiều sâu sẽ là các doanh nghiệp TMĐT tiên phong phát triển những ứng dụng tiên tiến trên nền tảng công nghệ mới.

Đầu tư nền tảng công nghệ

Thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai các kế hoạch tổng thể về phát triển TMĐT cho từng giai đoạn 5 năm (hiện nay là Kế hoạch tổng thể cho giai đoạn 5 năm lần thứ ba (2016-2020) theo Quyết định số 1563/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), cùng với đó là các đề án thuộc Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014-2020 (ban hành tại Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong các giai đoạn trước và triển vọng phát triển của lĩnh vực TMĐT trong thời gian tới, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ tiếp tục ban hành Chương trình tổng thể phát triển TMĐT quốc gia cho giai đoạn tiếp theo (giai đoạn 2021-2025), trong đó, chú trọng đẩy mạnh đầu tư công nghệ để phát triển TMĐT theo chiều sâu, khuyến khích các doanh nghiệp TMĐT tiên phong tập trung phát triển những ứng dụng tiên tiến trên nền tảng công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0. Từ đó, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thị trường TMĐT Việt Nam, coi đây là một động lực phát triển của kinh tế số trong thời gian tới. Bên cạnh đó, bộ sẽ tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về TMĐT. Cụ thể, rà soát Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT để bổ sung quy định về những mô hình kinh doanh mới trên môi trường trực tuyến. Nghiên cứu sửa đổi các quy định về quản lý hoạt động TMĐT theo hướng tăng cường vai trò và trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng cho TMĐT và rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT để tăng mức răn đe với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết thực tế hiện nay đa số vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên việc đầu tư cho xây dựng thương hiệu chưa thực sự mạnh mẽ và còn manh mún trong cách thực hiện. So với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những điểm hạn chế nhất định trong hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu.

Theo Sở Công thương, tại Bình Dương, với việc sàn giao dịch TMĐT ra đời sẽ là cơ hội để tiêu dùng trực tuyến gia tăng đáng kể. Các nền tảng TMĐT ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự nhận biết của khách hàng cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần tận dụng kênh thương mại trực tuyến trong bán hàng và quan trọng hơn là trong xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp cần chú trọng phương thức quảng bá, xây dựng thương hiệu sẽ khác với phương thức truyền thống trước đây. Đáng chú ý, xu hướng dịch chuyển các hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu trong môi trường kỹ thuật số cần xây dựng mối quan hệ làm sao để bền vững, với ý tưởng tốt để tồn tại lâu dài.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, chia sẻ trong bối cảnh thói quen và thị hiếu tiêu dùng thay đổi nhanh chóng với nhiều xu thế khác nhau, đòi hỏi đa dạng tiện ích, trải nghiệm mới, doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách khách hàng tương tác tới thương hiệu, thay đổi cách tiếp cận thị trường, tận dụng cơ hội kinh doanh trực tuyến để thúc đẩy và phát triển thị trường. Doanh nghiệp cần đưa ra những phân tích và số liệu cụ thể về xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Doanh nghiệp cũng cần nhận diện những hành vi tiêu dùng, mua sắm của khách hàng trong thời đại số để định hướng tiếp cận thị trường, thay đổi cách tương tác trong chiến lược xây dựng thương hiệu.

Trong một nghiên cứu toàn cầu, Tập đoàn Zenith Optimedia công bố mới đây cho thấy, chi tiêu dành cho quảng cáo kỹ thuật số của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2019 dự kiến sẽ chiếm 47% tổng ngân sách quảng cáo, tăng 3% so với năm 2018 và tăng 4% so với năm 2016. Khoảng 47% doanh nghiệp có trên 50% lao động thường xuyên sử dụng email; gần như 100% doanh nghiệp sử dụng các nền tảng hỗ trợ giao tiếp như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo...; 44% doanh nghiệp đã có website và ngày càng chú trọng đến việc chăm sóc website. Như vậy, doanh nghiệp cần phải có chiến lược trong hoạt động xây dựng thuơng hiệu gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư một cách nhanh chóng hơn và quyết liệt hơn bao giờ hết.

KHẢI ANH