Có hay không việc “tận thu” khoáng sản từ chủ trương hiến đất làm đường?
(BDO) Vận chuyển đất ra ngoài và “tận thu”?
Từ phản ánh của người dân, phóng viên Báo Bình Dương phát hiện một khu đất tại TX.Tân Uyên có dấu hiệu vi phạm nên đã theo dấu thu thập thông tin. Vị trí khu đất nằm trên một phần đất đồi, điểm có xe cơ giới cào xới, móc đất chỉ có một lối đi duy nhất nối với đường Nguyễn Hữu Cảnh, thuộc khu phố 7, phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên.
Lợi dụng việc hạ mặt bằng để làm đường giao thông tại thửa đất số 16, tờ bản đồ số 40, phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, chủ đất đã tự ý móc đất cho xe ben chở ra ngoài tập kết và bán.
Hơn 9 giờ sáng, tiếng động cơ phát ra từ xe cuốc gầm rú liên tục cào xới đất, kế gần đó là xe ben biển số 61H – 032… dừng chờ để lấy phần đất từ máy cuốc. Khoảng ít phút sau, thùng xe ben đã đựng đầy đất, sau đó tài xế kéo bạt để che đậy lại thùng và rời khỏi điểm khai thác. Khi di chuyển ra đầu đường Nguyễn Hữu Cảnh, bánh xe ben bám một lượng đất lôi ra đường gây bẩn. Lúc này, tài xế liên tục quan sát với ánh mắt dáo dác phía trước rồi mới cho xe ben chạy hướng về đường ĐT746.
Quá trình phóng viên ghi nhận sự việc, xe ben nhanh chóng nhập vào dòng xe khác với thùng xe phía sau còn lấm lem dấu vết đất. Khi đến biển báo chỉ dẫn tên đường Khánh Bình 13 thì xe ben rẽ phải vào con đường này để đến địa phận phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên. Điểm dừng chân cuối của xe ben đổ đất là công trình đang xây dựng bờ kè tiếp giáp với hầm khai thác khoáng sản đã hết hạn cấp phép trước đó.
Theo ước tính, quãng đường di chuyển từ điểm móc đất ở phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên đến điểm đổ đất ở phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên có chiều dài khoảng 5 km.
Vào đầu tháng 7, phóng viên Báo Bình Dương quay trở lại khu đất tại phường Uyên Hưng thì khá ngạc nhiên khi những phương tiện như xe cuốc, xe ben hoạt động công khai trước đó nay đã “biến mất”, chỉ để lại hiện trường nham nhở những dấu xe, vết răng gầu cào còn sót lại ở những gò đất cao. Trong khu đất có vị trí bị móc, chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều hố sâu còn in hằn dấu răng gầu cào của xe cuốc. Tại đây, có một lối mòn hướng về đồi đất xuất hiện dấu của bánh xích nghi vấn của xe cuốc để lại. Ngay lập tức, phóng viên lần theo thì phát hiện cách đó hàng chục mét có xe cuốc đang “nằm chờ” trong hàng cây bụi. Khi chúng tôi rảo quanh khu vực này thì phát hiện một bãi “tập kết” đất nằm phía sau Trạm Y tế phường Uyên Hưng tọa lạc cách đó khoảng 200 m.
Ngành chức năng, địa phương nói gì?
Trước nghi vấn hoạt động khai thác, vận chuyển đất vi phạm tại khu đất nằm trên địa bàn phường Uyên Hưng, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo chính quyền địa phương và ngành chức năng TX.Tân Uyên để làm rõ vụ việc.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch UBND phường Uyên Hưng, cho biết: Phường Uyên Hưng có 2 trường học nằm trên mặt tiền đường ĐT747A là trường Tiểu học Uyên Hưng và trường THCS Lê Thị Trung. Tuyến đường này có lượng phương tiện lưu thông rất lớn đã dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông, thậm chí đã có những vụ va chạm, tai nạn chết người thương tâm. Địa phương đã tìm giải pháp làm đường “nhánh” phía sau trường học nhằm mục đích là bảo đảm an toàn giao thông cho phụ huynh và học sinh trong quá trình đi lại ở các trường học nên đã đề xuất ý kiến đến UBND TX.Tân Uyên chấp thuận chủ trương.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu đất này đã xuất hiện nhiều số sâu.
Nhận thấy đây là việc nên làm, có ý nghĩa phục vụ nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thị xã nên UBND TX.Tân Uyên đã xem xét. Lúc bấy giờ, để mở được con đường trên thì phải đi qua phần đất của 2 hộ dân nên chính quyền địa phương đã vận động người dân hiến đất làm đường, các hộ dân trên đều đồng ý.
Đối với khu đất của bà P.T.B.Đ. (ngụ Bình Dương) thuộc phần đất đồi khá cao, dốc nên chính quyền phường Uyên Hưng đã có các tờ trình gửi UBND TX.Tân Uyên xin ý kiến chấp thuận hạ mặt bằng để làm đường giao thông.
Cụ thể, ngày 1-4-2022, UBND TX.Tân Uyên đồng ý với Tờ trình số 232 ngày 8-12-2021 của UBND phường Uyên Hưng về việc xin hạ đất đồi để làm đường tại thửa đất số 16, tờ bản đồ số 40 của chủ đất là bà P.T.B.Đ. với mục đích làm đường giao thông phục vụ việc đưa rước học sinh của các trường học thuộc phường Uyên Hưng bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường ĐT747A. Trong văn bản UBND TX.Tân Uyên chấp thuận việc hạ mặt bằng của bà Đ. nêu rõ ý kiến của Chủ tịch UBND thị xã, có một số nội dung quan trọng như: Cho phép bà P.T.B.Đ. được hạ mặt bằng đối với phần diện tích làm đường giao thông, đối với khối lượng đất dôi dư được tập kết tại phần diện tích đất còn lại của thửa đất đất số 16, tờ bản đồ số 40, phường Uyên Hưng.
Trước khi tiến hành thi công, bà Đ. liên hệ UBND phường Uyên Hưng phải cắm mốc ranh giới khu vực hạ mặt bằng và thông báo đến các đơn vị liên quan của thị xã. Việc thi công phải thực hiện san lấp, cải tạo mặt bằng theo đúng nội dung đăng ký, không làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trường hợp và P.T.B.Đ. muốn tận thu khối lượng đất dôi dư trong quá trình thi công công trình thì đề nghị liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn theo quy định.
Theo ông Lâm, căn cứ vào quy định thì việc hạ mặt bằng của chủ đất nhưng chở đất ra ngoài phạm vi thửa đất trên mà phóng viên Báo Bình Dương cung cấp thông tin và hình ảnh thì chủ đất đã sai quy định. “Tới đây, UBND phường Uyên Hưng sẽ phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Tân Uyên đến kiểm tra, yêu cầu dừng việc hạ mặt bằng, sau đó tiến hành đo đạc và xác minh những thông tin trên. Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Lâm khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Lập, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Tân Uyên cho hay đơn vị đang phối hợp với UBND phường Uyên Hưng kiểm tra, xử lý. Quan điểm của đơn vị là vi phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó, tuyệt đối không bao che.
HƯNG PHƯỚC – NGUYỄN HẬU