Có hay không việc găm hàng, trục lợi?
(BDO) Không riêng những ngày vừa qua mà ở những kỳ điều chỉnh tăng giá trước đây đều có hiện tượng người tiêu dùng chen lấn, chờ đợi mua xăng ở một số cửa hàng. Hiện tượng đó không chỉ gây nên cảnh bất ổn thị trường mà còn có nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn cháy nổ… Giải pháp nào mang tính căn cơ, bền vững trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu - mặt hàng thiết yếu, chiến lược đối với nền kinh tế - xã hội là đòi hỏi chính đáng của khách hàng, người dân dành cho các bộ, ngành liên quan.
Tại Bình Dương, trong 3 ngày qua lại tiếp diễn tình trạng người dân “rồng rắn” chờ đợi, chen lấn ở một số cửa hàng xăng dầu đã thêm một lần cho thấy sự bất ổn của thị trường, bất luận vì nguyên nhân nào. Số liệu đưa ra từ Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết trên địa bàn tỉnh có tới 140/447 cửa hàng xăng dầu tạm nghỉ bán. Nguyên nhân được lý giải là một số cửa hàng xăng dầu giấy phép hết hạn chưa gia hạn kịp. Bên cạnh đó không ít cửa hàng tạm ngưng hoạt động để cải tạo, sửa chữa nhằm đáp ứng điều kiện theo quy định mới. Cũng có cửa hàng hết xăng, dầu do khan hiếm nguồn cung! Và, không ít cửa hàng nêu nguyên nhân chiết khấu thấp, kinh doanh không đủ bù đắp các chi phí liên quan nên tạm dừng hoạt động…
Nhiều nguyên nhân đưa ra để ngưng hẳn hoặc tạm ngưng hoạt động mới nghe qua quả là hợp lý, ngành chức năng cũng khó có thể xử phạt. Vậy ngoài các nguyên nhân trên, có cửa hàng, doanh nghiệp xăng dầu nào có chủ đích găm hàng, chờ tăng giá để trục lợi, “móc túi” người tiêu dùng? Đến thời điểm hiện tại, qua kiểm tra, chưa phát hiện cửa hàng xăng dầu nào nghỉ bán để găm hàng, chờ tăng giá. Đó là câu trả lời từ ngành chức năng địa phương trước những diễn biến bất ổn của thị trường xăng dầu những ngày qua.
Phân tích, đánh giá của ngành chức năng chắc chắn dựa trên thực tế kiểm tra, quản lý thị trường trước diễn biến bất thường xảy ra. Không thể phủ nhận sự kịp thời vào cuộc nhằm bình ổn thị trường xăng dầu của ngành chức năng, nhưng người tiêu dùng vẫn có quyền nghi ngờ, đặt dấu hỏi về sự minh bạch thông tin cũng như đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng cung ứng mặt hàng xăng dầu. Sự công bằng, sòng phẳng trong hoạt động kinh doanh, quyền của người tiêu dùng phải được bảo vệ tối đa là yêu cầu đặt ra đối với cả đơn vị kinh doanh cũng như các cấp, ngành quản lý.
TRIỆU PHONG