Cô giáo dạy học trò ý nghĩa lì xì tết

Thứ ba, ngày 10/02/2015

Nhiều người phàn nàn rằng tết Việt ngày càng mất đi giá trị truyền thống bởi chạy theo thực dụng. Thế nên, khi biết được cô giáo của con cùng học trò làm một việc rất ý nghĩa, tôi thật sự cảm kích về tấm lòng của cô đã luôn hướng đến cái đẹp và dạy học trò của mình biết trân trọng, gìn giữ nét đẹp truyền thống.

Con trai tôi về nhà xin mẹ các loại bao lì xì và những cái hộp nhỏ xinh có thắt nơ hay dùng treo lủng lẳng nơi cây thông Noel hay cây mai ngày tết. Hỏi con làm gì vậy, con nói cô giáo lớp con trang trí cây mùa xuân và lì xì cho tụi con trong ngày liên hoan cuối năm.

Để biết rõ hơn về “công trình” đón tết của mấy cô trò, tôi đến lớp hỏi cô giáo của con và được biết, lớp có nuôi một con heo đất, cuối năm cô và các bạn trong lớp sẽ “mổ heo”, dành một phần tặng quà cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn, một phần mua giấy, bút tặng những chiến sĩ ở vùng biên giới, hải đảo. Số tiền quỹ lớp còn lại trong năm thì sẽ mua bánh kẹo liên hoan nhẹ. Một phần quan trọng nữa của chương trình là cô giáo sẽ đổi tiền mới mệnh giá chỉ 1.000 - 2.000 đồng và bỏ vào bao lì xì tặng học trò gọi là lấy lộc hay mừng tuổi đầu năm. Cô cũng sẽ giảng dạy cho học trò ý nghĩa của việc mừng tuổi. Cô còn giải thích thêm, ngày nay, nhiều gia đình kinh tế khá giả nên lì xì cho con một số tiền quá lớn trong dịp tết. Điều này thật sự không nên bởi các em sẽ dần dần bị cách sống thực dụng chi phối và sinh ra đòi hỏi này nọ khi tết đến xuân về.

Thực tế đã có những “biến tướng” trong dịp Tết Nguyên đán. Có khi đó là một dịp trả lễ nghĩa cực kỳ… phức tạp! Rồi chạy chọt cũng từ “đi tết” mà ra. Nhiều người sớm cho con xài tiền thoải mái hay đánh bài ăn tiền trong 3 ngày tết với lý do “tết mà” khiến học sinh rất dễ hư hay bị nhiễm thói xấu này. Thế nên, khi cô giáo của con làm được điều ý nghĩa như thế, tôi cũng như nhiều phụ huynh khác thấy rất hài lòng.

(BDO) QUỲNH NHƯ