Cố gắng hết sức có thể để giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19

Thứ sáu, ngày 13/08/2021

(BDO) Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó xác định việc khẩn trương mở rộng, thành lập thêm các bệnh viện dã chiến có quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tăng cường năng lực thu dung (đón nhận và cho ở), điều trị các bệnh nhân Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của tỉnh. 


PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đang giới thiệu công tác điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến hồi sức cấp cứu

Ngay sau khi Bình Dương vừa công bố đưa vào hoạt động Bệnh viện Dã chiến Hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn nhanh PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Dã chiến Hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Bình Dương về hiệu quả, chức năng của các bệnh viện trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

- Bác sĩ có thể cho biết công tác thu dung điều trị F0 ở các bệnh việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay như thế nào?

- PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Qua các chiến dịch tầm soát trong cộng đồng, số lượng ca F0 trong cộng đồng tăng mạnh, do vậy số lượng bệnh nhân ở tầng 1 và 2 ngày càng quá tải, đặc biệt số lượng ca bệnh nặng, nguy kịch tăng lên dẫn đến nguy cơ quá tải cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, do thiếu trang thiết bị, con người, vật tư tiêu hao, thuốc men đã ảnh hưởng đến việc cứu chữa bệnh nhân F0 nặng và nguy kịch. Vì vậy, để kịp thời khắc phục tình trạng này, được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Y tế, của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC đã hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị để xây dựng Bệnh viện dã chiến Hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Becamex với quy mô 437 giường bệnh.  


Cơ sở vật chất hiện đại tại Bệnh viện Dã chiến Hồi sức cấp cứu

- Vì sao Bộ Y tế và tỉnh Bình Dương đã lựa chọn Bệnh viện đa khoa Quốc tế Becamex để làm Bệnh viện dã chiến Hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19, thưa bác  sĩ?

- PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Bệnh viện đa khoa Quốc tế Becamex được trang bị cơ sở vật chất tối tân, có nguồn nhân lực chất lượng cao, có hệ thống quản lý số hóa hiện đại. Trong khi việc tập trung điều trị hồi sức các ca F0 nặng, nguy kịch rất khó khăn, đòi hỏi giường bệnh phải có đầu cắm oxy, nguồn oxy cung cấp kịp thời, hệ thống dẫn, theo dõi... Do vậy, nếu xây dựng bệnh viện dã chiến hồi sức mới thì không thể hoàn thành trước 1 tháng. Thời gian 1 tháng ấy so với tình hình hiện nay thì sẽ có không biết bao nhiêu ca F0 nặng, nguy kịch không cứu được dẫn đến tử vong. Do vậy, việc tận dụng cơ sở vật chất, có hệ thống hồi sức cấp cứu rất tốt như tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Becamex là cần thiết. Nơi đây chỉ cần nâng cấp thêm một số phòng chức năng, thêm số giường ICU, gắn thêm các đầu oxy... đáp ứng được yêu cầu áp dụng kỹ thuật cao dành cho điều trị bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ở đây cũng góp phần giúp Bệnh viện Dã chiến Hồi sức cấp cứu kịp thời điều trị những ca F0 nặng, nguy kịch để giành lại sự sống cho bệnh nhân.

- Bệnh viện Dã chiến hồi sức cấp cứu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị F0 như thế nào, bác sĩ có thể cho biết rõ hơn?

- PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Việc đưa vào hoạt động bệnh viện hồi sức cấp cứu này có ý nghĩa hết sức quan trọng và vô cùng cấp thiết trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở Bình Dương. Theo mô hình điều trị tháp 3 tầng của Bộ Y tế thì đây là tầng 3, khi đi vào hoạt động, bệnh viện sẽ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch từ tầng 1, tầng 2 chuyển lên. Thời gian đầu, Bình Dương có nhiều khó khăn, bất cập, thiếu trang thiết bị, nhân lực, tỷ lệ tử vong cao mặc dù đội ngũ bác sĩ đã cố gắng hết sức trong công tác điều trị. Tuy nhiên, hiện nay Bình Dương đã có bệnh viện điều trị tầng 2, tầng 3 có đầy đủ trang thiết bị và thuốc điều trị. Điều này sẽ góp phần giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh để Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa chữa bệnh nhân Covid-19 vừa chữa cho các bệnh nhân có bệnh nền khác. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để giảm tối đa tình trạng bệnh nhân thở máy ở tầng 3, giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã thành lập và đưa vào sử dụng 5 Bệnh viện Dã chiến có tổng số khoảng gần 18.000 giường bệnh được bố trí tại 3 địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Bệnh viện Dã chiến số 1 (hai cơ sở) với tổng số 3000 giường bệnh đặt tại WTC EXPO (gần Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, cơ sở 1 đã đi vào hoạt động) và Xưởng khởi nghiệp của Trường Đại học quốc tế Miền Đông. Bệnh viện Dã chiến thứ 2 được đặt tại Khu nhà xưởng Becamex (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát) với khoảng 5000 giường. Bệnh viện Dã chiến số 3 được đặt tại Trường Đại học Việt Đức (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát) với quy mô khoảng 3000 giường. Bệnh viện dã chiến số 4 được đặt tại Khu nhà xưởng Công ty Hoàng Hùng (huyện Bàu Bàng) với quy mô khoảng 3000 đến 5000 giường và Bệnh viện Dã chiến hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Becamex với quy mô 437 giường bệnh. 

Đỗ Trọng