Cô gái bán kem Clare Foges: “Vũ khí ngôn từ” của Thủ tướng Anh
Ở độ tuổi 20, Clare Foges hằng ngày lái chiếc xe tải nhỏ quanh thị trấn Surrey, Anh để bán kem kiếm sống. 6 năm sau khi bán que kem Cornetto cuối cùng, cô trở thành tác giả bài diễn văn lịch sử của Thủ tướng Anh David Cameron về tương lai của nước Anh trong liên minh châu Âu (EU) ngày 23-1 vừa qua.
Nổi tiếng từ việc… bán kem
Phải bươn chải kiếm sống từ khi còn trẻ, Clare làm đủ mọi việc để có đủ tiền đóng học phí và nuôi sống bản thân. Cô đã từng đi bán kem quanh thành phố trong vòng 6 năm trước khi nhận được một công việc làm bán thời gian do một người bạn giới thiệu có liên quan tới viết lách. Clare trở nên nổi tiếng sau khi giành giải nhì cuộc thi sáng tác thơ MAG trên mạng hồi năm 2011 với bài thơ Bank Holiday (Bank Holiday là kỳ nghỉ truyền thống ở Anh), lấy cảm hứng từ chuyến tham quan một buổi tập quân sự.
Clare từng đùa rằng chính công việc bán kem đã đưa cô tới căn nhà số 10 phố Downing. Bạn thân giới thiệu Clare cộng tác với một nghị sĩ Quốc hội, viết diễn văn kêu gọi ủng hộ giá trị truyền thống và chống hôn nhân đồng tính. Sau đó, Clare được ông này mời tham gia chiến dịch truyền thông chạy đua vào chức thị trưởng London của Boris Johnson. Với một bản lý lịch khá đẹp, ngay khi Clare biết ông Cameron đang tuyển người, cô nhanh chóng đăng ký và vượt qua 4 vòng phỏng vấn gay gắt rất dễ dàng.
Dù rất nổi tiếng nhưng Clare khá dè dặt trước truyền thông. Trang blog cá nhân của cô không hề ghi rõ nghề nghiệp hay gia đình mà chỉ có vỏn vẹn đôi chữ "Sống và làm việc tại London". Chưa ai gặp được Clare tại các cuộc họp của ông Cameron bên ngoài văn phòng, ngoại trừ những lần Clare phải viết diễn văn và trao đổi với Thủ tướng.
Ít ai biết rằng khi trở thành cố vấn ngôn ngữ riêng của Thủ tướng, Clare được nhận mức lương sau thuế 63.000 bảng (hơn 2 tỉ đồng), khiến một số cá nhân phải ghen tị vì cho rằng số tiền ấy là quá cao so với trình độ học vấn "xoàng xĩnh" của một cô gái bán kem. Dù vậy, Clare vẫn rất tự tin với những gì có trong tay: một bằng thạc sĩ tiếng Anh tại Đại học Southampton và một bằng tiến sĩ chuyên ngành thi ca của Đại học Bristol. Sau khi tốt nghiệp, Clare tự lập một hãng thời trang và thiết kế đồ trang sức dành riêng cho phái nữ. Thế nhưng một số mẫu thiết kế của cô đã bị cấm lưu hành do bị nghi ngờ chống đối tôn giáo.
Clare gia nhập đảng Bảo thủ năm 2003 khi cựu Thủ tướng Tony Blair bấy giờ đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Cô nhanh chóng về phe cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Duncan Smith, với niềm tin kinh nghiệm của bậc tiền bối sẽ giúp cô trưởng thành và thăng tiến. Sau đó, Clare trở thành phụ tá của ông Cameron năm 2009. Cô am hiểu về cách nói chuyện và sử dụng ngôn ngữ của ông Cameron, tới mức đồng nghiệp gọi Clare là "thanh quản" của Thủ tướng. Bài diễn văn hôm 23/1 đã được Clare chuẩn bị từ cuối năm 2012, trải qua chục lần chỉnh sửa trước khi được gửi tới Văn phòng Thủ tướng.
Thậm chí Clare đã phải đọc lại và thêm những từ ngữ nhấn mạnh vào bài viết ngay trước khi ông Cameron tuyên bố chỉ vài hôm. Clare cho biết cô rất ghét những bài diễn văn tẻ nhạt vì điều đó sẽ khiến "nền chính trị trở nên nghèo nàn, thậm chí đe dọa nền dân chủ".
Cô cũng làm nhiệm vụ trợ giúp các công tác thông tin ở văn phòng chính phủ. Sau cái chết của cậu con trai cả Ivan mới 6 tuổi năm 2009, ông Cameron đã giao toàn quyền cho Clare phụ trách trả lời thư thăm hỏi của người dân. Một bà mẹ đã miêu tả những bức thư hồi âm do Clare viết là những bức thư cảm động nhất mà người phụ nữ này từng nhận được trong cuộc đời.
Không biết diễn thuyết, không phải chính trị gia
Bởi vì Clare vốn là một nhà thơ có quan điểm rất mạnh mẽ về chính trị và diễn thuyết, thế nên cô luôn quan ngại rằng một ngày nào đó, những cuộc tranh luận công khai và năng lực hùng biện của giới chính khách sẽ biến mất. Nếu điều này diễn ra, Clare cho biết, chính trị sẽ trở nên "nhàm chán và ngu ngốc".
Clare trách cựu Thủ tướng Gordon Brown nói chuyện chán ngắt, không hài hước và có phần cứng nhắc giống hệt một cái máy nói "được lập trình sẵn". Những lần tiếp xúc báo giới của ông Brown khá vất vả, đôi khi cựu Thủ tướng còn chêm xen những câu vô nghĩa, khó hiểu vào cuộc hội thoại.
Clare thất vọng về những bài diễn văn "vô hồn" của các chính trị gia cấp cao, được học tập tại các trường danh giá bậc nhất của Anh. Đó là những ngôn từ thiếu trau chuốt, hoàn toàn không theo một bố cục nhất định, nội dung xuất hiện nhiều mâu thuẫn và chỉ chạy theo xu hướng "phóng đại" để lấy lòng người dân nhưng thực tế lại khiến họ cảm thấy mất lòng tin hay trở thành nguồn cơn của mọi cuộc bạo động.
Tuy nhiên, cô lại vô cùng thích thú cách diễn thuyết của bà Magaret Thatcher khi lần đầu tiên nhậm chức Thủ tướng vào tháng 5/1979. Cô dành lời ca ngợi cho bà Margaret Thatcher với bài phát biểu có trích dẫn câu nói của Thánh Fancis của Assisi: "Ở nơi có bất hòa, chúng tôi đem lại hòa hợp; ở nơi có lỗi lầm, chúng tôi mang lại sự thật; ở nơi có nghi ngờ, chúng tôi đem lại niềm tin; và ở nơi tuyệt vọng, chúng tôi mang lại hy vọng".
Nói về Thủ tướng Cameron, Clare biết rõ như lòng bàn tay cách nói chuyện của ông - thẳng thắn, rõ ràng và "tấn công" trực tiếp người nghe bằng giọng nói mạnh mẽ, có trọng âm nhưng vẫn giữ được nét hài hước, dí dỏm. Một trong những điểm nhấn nghề nghiệp mà Clare rất tự hào là được ông Cameron "mượn" những câu chuyện phiếm của cô để diễn thuyết trước người dân.
Người phụ nữ này từng nhận xét các bài diễn văn chính trị đang mất dần đi yếu tố quan trọng nhất - đó là khả năng "chạm vào trái tim và thuyết phục lòng tin của người nghe". Cô cũng chỉ trích việc các quan chức xây dựng nên một thứ ngôn ngữ mà "chỉ người trong cuộc mới hiểu", còn người dân thì chẳng khác nào "bị điếc".
Riêng với Thủ tướng David Cameron, Clare chỉ nhắn nhủ rằng "ông ấy cần thêm một chút can đảm khi diễn thuyết, và bớt một chút tự do khi phát ngôn". Quả thực, Thủ tướng Anh rất may mắn khi có một "vũ khí" trợ giúp ở phía sau hậu trường.
Theo CAND