Có Đảng, có dân ắt sẽ giành thắng lợi

Thứ sáu, ngày 24/01/2014

Nghe về ông nhiều, đọc về ông cũng nhiều - đó là một vị tướng tài ba. Và rồi khi gặp gỡ, trò chuyện cùng ông, tôi còn thấy một sự gần gũi, thân mật vô cùng. Ở con người ấy tài năng đi cùng với đức độ, giản dị và đầy nghĩa tình.

Một ngày cuối tháng 4, khi Sài Gòn cờ, hoa trải khắp các con phố tấp nập người qua lại, tôi may mắn có dịp được trò chuyện cùng Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, để nghe ông chia sẻ về những câu chuyện đời, chuyện binh nghiệp của mình; để cảm nhận sâu sắc hơn về những ngày tháng oai hùng của cha ông, của dân tộc Việt Nam và cả những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh cho tuổi trẻ chúng tôi hôm nay có cuộc sống thanh bình.

 

 Trung tướng Nguyễn Thới Bưng

Ở tuổi gần 90 nhưng sự nhanh nhẹn và trí nhớ uyên bác của tướng Bưng có lẽ xưa nay hiếm. Cuộc trò chuyện giữa tôi và ông tới rất đỗi tự nhiên, như thể tôi là con cháu trong nhà vậy. Câu chuyện bắt đầu bằng sự hồi tưởng những tháng ngày kháng chiến trên mảnh đất Trảng Bàng, Tây Ninh - quê hương ông. Trung tướng nhớ lại, lúc đó cuộc sống quá nghèo khổ, sống trong cảnh áp bức bóc lột nên ai cũng thấu hiểu rõ sự tàn bạo của thực dân, lớn lên lại gặp Nam kỳ khởi nghĩa, gặp hình ảnh những người chiến sĩ cộng sản kiên cường… tất cả đã nung nấu một ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương, sẵn sàng cầm súng đứng lên đập tan quân xâm lược. “Lúc đó chú là thanh niên mới lớn lên, là thanh niên thì không bao giờ từ chối trước bất kỳ khó khăn nào. Lúc đó chỉ nghĩ một điều phải cầm súng đánh giặc và nhất định sẽ thành công”, ông kể lại trong niềm xúc động.Ông chia sẻ, năm ấy, trước cảnh nước nhà bị xâm lược, thanh niên của xã An Tịnh đã tập hợp nhau lại và có với nhau lời thề quyết chiến đấu tới cùng - “Hội thề Rừng Rong”. “Những lời thề ấy cả cuộc đời này chú không bao giờ quên. Từng câu từng chữ nó như khắc cốt ghi tâm bởi nó xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước vô bờ”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; từ ý chí quyết đấu bảo vệ từng tấc đất, quyết không cho quân thù giày xéo xóm làng; từ lòng căm phẫn trước quân xâm lược bạo tàn. Lời tuyên thệ: “1: Độc lập hay là chết. 2: Chết tự do hơn sống nô lệ. 3: Dù đầu râu tóc bạc quyết chiến đấu tới cùng. 4: Dù phải hy sinh đời cha thì con cháu tiếp tục chiến đấu. 5: Ai phản bội đầu hàng phải bị xử tử” đã đi vào lịch sử thật vẻ vang và trở thành một biểu tượng anh hùng bất diệt.

“Hồi ấy, những thanh niên xuất thân từ chân lấm tay bùn nhưng với lòng yêu nước thì luôn sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Tất cả đều trung thành và không ai bội ước với lời thề. Nhiều anh em hy sinh rất sớm từ những năm 1945-1946. Các anh ngã xuống để đổi lấy vinh quang cho dân tộc, nằm lại chiến trường mà chưa kịp thấy được ngày thống nhất. Những người còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu vì mục tiêu độc lập, tự do cho dân tộc đến cùng. Bản thân chú, nếu không được rèn giũa trong môi trường như vậy thì không thể trưởng thành như hôm nay” - tướng Bưng tâm sự .

Nhờ giác ngộ và tham gia các phong trào cách mạng từ rất sớm, ông được Bộ Tổng Tham mưu đưa về đào tạo cấp tốc những kiến thức phổ thông căn bản làm nền tảng cho việc tiếp thu những kiến thức quân sự cấp cao. Năm 1956, ông tiếp tục được chọn cùng 80 học viên khác đi học chỉ huy tham mưu tại trường quân sự nước ngoài và đã tốt nghiệp hạng đầu sau 4 năm học. Sau khi tốt nghiệp, ông được Quân ủy Trung ương giao ngay nhiệm vụ quan trọng: Tăng cường vào tham mưu cho chiến trường miền Nam. Bắt đầu từ đây, cuộc đời ông chứng kiến một bước ngoặt lớn, điển hình là những trận đánh làm phá sản các chiến lược, chiến dịch của Mỹ - ngụy, mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sau này. Những kiến thức được đào tạo đã giúp ông vận dụng có hiệu quả vào các trận đánh lẫy lừng tại chiến trường miền Nam.

 Trung tướng Nguyễn Thới Bưng (Út Thới); bí danh: Hồng Tâm, sinh ngày 15-6-1927 tại xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; nhập ngũ tháng 9-1945; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, VII; đại biểu Quốc hội khóa VIII; nguyênTư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh Quân khu 7; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trung tướng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Do tuổi cao, sức yếu, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng đã từ trần hồi 5 giờ 30 phút ngày 22-1-2014 tại gia đình. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh.

Lễ viếng được tổ chức từ 7 giờ, ngày 23-1-2014; Lễ truy điệu hồi 6 giờ 30 phút, ngày 25-1-2014; an táng tại Nghĩa trang ấp Bàu Mây, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Giữa những câu chuyện ông kể về cuộc đời binh nghiệp của mình, có nhiều lần ánh mắt của vị tướng già buồn rưng rưng. Đi qua hai cuộc chiến tranh với nhiều lần chỉ huy, trực tiếp đánh địch, cùng với niềm tự hào đã góp phần sức lực nhỏ bé của mình vì quê hương đất nước, trong lòng vị tướng ấy cũng chất chứa bao cảm xúc về đồng đội.

Trong hồi ức của mình, tướng Bưng nhớ như in một trong những trận đánh ác liệt nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Sau chiến thắng Bình Giã vang dội, tướng Bưng được phân công làm Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 2 (một trong 2 trung đoàn đầu tiên của Miền) và tham gia tổ chức đánh địch. Liên tục trong 7 tháng, 4 tiểu đoàn địch bị tiêu diệt, trong đó 3 tiểu đoàn có ông tham gia. Đặc biệt là ông trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 2, vận dụng chiến thuật “Vận động phục kích” tại mặt trận Chòi Đồng, chặn đánh 2 tiểu đoàn dù có tổ chức phản kích chiếm lại Bình Giã.

Nói về trận đánh ác liệt ở Chòi Đồng, ông kể, mặc dù địch dội bom, pháo ác liệt suốt 2 tiếng đồng hồ, nhưng phía mình vẫn nêu cao tinh thần quyết tâm đánh nó, bám đuổi tới cùng. Có lẽ chúng không nghĩ rằng sức chịu đựng của một trung đoàn lại kiên cường, anh dũng đến thế. Từ trực thăng, lính thả dù xuống liên tục nhưng ta cũng đánh trả liền. Chòi Đồng dài hơn 1km, lửa cháy mịt mù. Ông nhớ lại “súng mà anh em mình đang dùng chủ yếu bắn xe tăng, xe bọc thép, bắn lô cốt thì giờ trở thành vũ khí bắn trực thăng”. Sau trận đánh ác liệt ấy, quân địch bị chết khoảng 300 tên - một con số không nhỏ khi mà chúng được trang bị vũ khí hiện đại như thế. Tuy nhiên, phía ta cũng thương vong hơn 100 người. Kể tới đây, niềm xúc động trào dâng trong đôi mắt như ngân ngấn nước của vị tướng luôn bất khuất, hiên ngang nơi trận chiến.

Từ sau trận này đến Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tướng Bưng còn tổ chức nhiều trận đánh quyết liệt nhằm vào các lực lượng tinh nhuệ của Mỹ, trong các vai trò Tư lệnh sư đoàn và Tham mưu trưởng các trung đoàn, sư đoàn tiền tiêu (Trung đoàn 2, Trung đoàn 5, Sư đoàn 9…). Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng được giao nhiệm vụ Trưởng phòng Tác chiến chiến dịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau ngày giải phóng, mới được 2 năm, ông lại tham gia vào chiến trường biên giới Tây Nam và cùng quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt.

“Nghĩ lại cuộc đời mình, có lẽ rằng suy nghĩ có hạn nhưng nếu không có Đảng không thể có những thành công, có những chiến thắng. Nếu chỉ có bộ đội, không có dân, không có bà con mình nuôi bộ đội thì không biết bám trụ vào đâu mà đánh giặc. Có Đảng, có dân ắt hẳn sẽ giành thắng lợi. Đó là minh chứng cho bài học lớn lao và nó còn nguyên giá trị dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào” - tướng Bưng khẳng định.

 

 V.L (Website Đảng Cộng sản Việt Nam)