Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kê khai thủ tục xuyên quốc gia
(BDO) Bộ Tài chính vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Cơ chế một cửa quốc gia cũng như Cơ chế một cửa ASEAN là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 của Chính phủ nhằm giảm thời gian thủ tục thông quan hàng hóa, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho doanh nghiệp và xã hội, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và quốc tế.
Trong thời gian qua, nhận thức về sự cần thiết phải thực hiện cơ chế một cửa quốc gia của các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã được nâng lên rõ nét. Các bộ, ngành, cơ quan đã xác định việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia không chỉ xuất phát từ nhu cầu hội nhập và thực hiện cam kết quốc tế mà còn từ nhu cầu nội tại phải cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của các cơ quan Nhà nước; từ đó chủ động hơn trong công tác phối hợp liên ngành và tổ chức thực hiện.
Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Ảnh: S.T
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện có 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 TTHC với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối cơ chế một cửa quốc gia, được 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vịhải quan trên toàn quốc. Từ ngày 1-1-2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước ASEAN) điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Đến ngày 10-6, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước nêu trên là 28.509 C/O, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 14.392 C/O.
Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính. Doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan Nhà nước để hoàn thành các TTHC, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Hiện nay, các nước ASEAN đang tiếp tục triển khai để trao đổi các chứng từ điện tử khác như: Tờ khai hải quan ASEAN, chứng nhận kiểm dịch. Không chỉ dừng lại trong khu vực, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các nghị định thư về trao đổi thông tin kết nối với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU); thống nhất các yêu cầu kỹ thuật và chuẩn bị xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.
Theo các chuyên gia đầu ngành, bên cạnh lợi ích đối với doanh nghiệp, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong đơn giản hóa, hiện đại hóa TTHC, giúp Việt Nam sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý để đàm phán các thỏa thuận song phương, đa phương trong việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép/giấy chứng nhận điện tử nhằm đơn giản hóa TTHC tại nước nhập khẩu… Điều này càng giúp cho doanh nghiệp thuận tiện trong việc kê khai thủ tục hành chính theo hướng điện tử hóa xuyên quốc gia.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến cuối năm 2018, các bộ, ngành sẽ khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các TTHC thông qua cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; trình Thủ tướng ban hành kế hoạch hành động của Chính phủ về vấn đề này. Trên cơ sở kế hoạch hành động của Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động của đơn vị mình và tổ chức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Trong đó, xây dựng kế hoạch, triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về cơ chế một cửa quốc gia; tổ chức đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin ở các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
Để tiện việc liên hệ cũng như trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan cụ thể đến TTHC, Phòng Kiểm soát TTHC - Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương đề nghị người dân khi gửi đơn kiến nghị cần ghi rõ địa chỉ nơi ở, số điện thoại liên lạc và tóm tắt ngắn gọn nội dung cần kiến nghị. Mọi phản ánh, kiến nghị về quy định, TTHC xin liên hệ theo địa chỉ: Phòng Kiểm soát TTHC; ĐT: (0274) 3.835.029; địa chỉ email: kiemsoat.tthc@binhduong.gov.vn
SÔNG TRÀ