Cơ cấu lại, đa dạng hóa loại hình sản xuất nông nghiệp
(BDO) Trong năm 2023, ngành nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát, giá các loại sản phẩm chăn nuôi thấp, nhiều hộ, trại không tái đàn... Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, UBND tỉnh, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ động trong công tác quản lý điều hành, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Chương trình OCOP tỉnh Bình Dương đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong ảnh: Sản phẩm OCOP tham gia Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa vùng Đông Nam bộ - Bình Dương năm 2023
Duy trì sản xuất ổn định
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, trong năm 2023, ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới, chất lượng sản phẩm nông sản được nâng cao, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ. Mặt khác, ngành thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chăn nuôi chuyển biến tích cực theo hướng tập trung...
Theo đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tăng hơn 3% so với năm 2022. Tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm được duy trì ở mức 57,5%. Cơ cấu nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả, quy mô sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng. Đến nay, diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt gần 20.000 ha, diện tích cây lâu năm đạt 142.300 ha, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 7.116 ha,, tăng 2,6% với các loại cây trồng có giá trị, như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh.
Những năm gần đây, nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển, chủ yếu tập trung tại các thành phố, thị xã vùng phía nam của tỉnh. Nhiều mô hình mang tính đặc trưng cho nông nghiệp đô thị đạt hiệu quả cao cả về kinh tế - xã hội và môi trường. Đến cuối năm 2023, tổng diện tích các mô hình trồng trọt theo hướng nông nghiệp đô thị đạt hơn 964 ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành cũng tiếp tục thực hiện các biện pháp duy trì 13 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm, Niu-cat-xơn, lở mồm long móng gia súc, dịch tả heo và dại trên chó, mèo. Trên địa bàn tỉnh hiện có 165 cơ sở chăn nuôi được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, trong đó có 50 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia súc, chiếm tỷ lệ khoảng 19% trang trại chăn nuôi công nghệ cao; 115 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia cầm, chiếm tỷ lệ khoảng 57% trang trại chăn nuôi công nghệ cao.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 đi vào chiều sâu và bền vững. Chương trình OCOP của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, chương trình đã công nhận 126 sản phẩm OCOP/60 chủ thể, trong đó 10 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.
Hướng tới nông thôn mới thông minh
Từ thực tiễn đã cho thấy các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ chương trình với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết hài hòa với lộ trình phát triển đô thị của tỉnh và các huyện, thị, thành phố. Đặc biệt, việc đầu tư phát triển các công trình hạ tầng quan trọng như: Giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục, văn hóa… đã tạo thuận lợi trong kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa các trung tâm đô thị với các vùng nông thôn của tỉnh. Nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đã chứng tỏ được giá trị thực tiễn, góp phần tạo động lực trong công tác xây dựng NTM. Đến nay, Bình Dương có 100% xã đạt chuẩn NTM, có 38/39 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 97%, 3/6 đơn vị cấp huyện công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết Bình Dương là tỉnh công nghiệp, tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh. Xác định xây dựng NTM là có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, với mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách với thành thị, Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; trong đó 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 24% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao); có 100% huyện đạt chuẩn NTM; tỉnh Bình Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị nhiều loại hình, phát triển chuỗi giá trị một cách bền vững, thời gian tới ngành NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị, kết hợp nông nghiệp truyền thống với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm sản xuất ra theo hướng an toàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Song song đó, nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển theo đúng định hướng, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, tỷ trọng ngành chăn nuôi tiếp tục tăng trong cơ cấu nông nghiệp chung của tỉnh.
THOẠI PHƯƠNG