Cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ đến cuối năm 2024: Gỡ khó, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Thứ hai, ngày 01/07/2024

(BDO) Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết đã giảm bớt áp lực khi được ngân hàng hỗ trợ, đặc biệt là cơ cấu nợ vay, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31- 12-2024 thay vì tháng 6-2024.

 Khách hàng gặp khó khăn sẽ được cơ cấu nợ, giãn nợ ngân hàng hết năm 2024. Trong ảnh: Tư vấn khách hàng doanh nghiệp tại BIDV - Chi nhánh Bình Dương

 Đáp ứng nguyện vọng

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết khó khăn kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới toàn bộ DN. Đặc biệt, đối với DN ngành gỗ, lĩnh vực có tỷ trọng xuất khẩu chiếm trên 90% tổng kim ngạch của tỉnh đã bị ảnh hưởng rất lớn. Cụ thể, trong những tháng đầu năm, thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành gỗ là Hoa Kỳ có sự giảm sút mạnh do nhu cầu thị trường giảm. Thực tế cho thấy, tuy doanh số xuất khẩu ngành gỗ có tăng, nhưng đa phần chỉ tăng ở khối DN FDI, tỷ lệ tăng doanh số của DN trong nước không nhiều.

Thông tư 02 được Thống đốc NHNN ban hành đầu năm 2023, cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với DN khó khăn đến 30-6-2024. Vừa qua, nhiều hiệp hội, DN đề xuất kéo dài chính sách này trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, DN vẫn gặp khó và cần thêm thời gian có nguồn lực trả nợ vay.

Việc sụt giảm doanh thu đã ảnh hưởng đến dòng tiền của DN rất lớn, khó khăn trong việc trang trải các chi phí vận hành, chi trả các khoản nợ gốc, lãi đến hạn cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Thời gian qua, ngành ngân hàng đã có những chính sách hỗ trợ rất kịp thời, đặc biệt là giảm lãi vay, phí, cho vay ưu đãi. Theo đó, các ngân hàng đã giảm lãi vay khoảng 0,5 - 1%/năm, hiện lãi vay áp dụng ở mức 6 - 9%/năm là chấp nhận được. “DN ngành gỗ chúng tôi đánh giá rất cao việc các TCTD đã giúp cơ cấu lại, giãn thời gian trả nợ. Nếu đến hạn nhưng DN không có khả năng thanh toán đương nhiên sẽ bị nhảy nhóm nợ. Điều này đồng nghĩa hạn mức tín dụng sẽ bị giảm đi, lãi suất vay cũng sẽ tăng và nhiều vấn đề khó khăn liên đới khác”, ông Nguyễn Liêm đánh giá.

Đồng quan điểm, đại diện DN ngành dệt may, da giày, cơ điện… cũng cho biết sức cầu của thị trường yếu, sản lượng, doanh số, mức tiêu dùng giảm khoảng 30 - 40%, điều khiến lãnh đạo các đơn vị lo lắng nhất là sự thanh khoản của dòng tiền. Vì vậy cơ cấu, giãn nợ là điều quan trọng nhất đối với DN trong thời điểm này.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết rất vui mừng về chính sách từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ. Được cơ cấu lại nợ thêm 6 tháng sẽ giúp DN giảm được rất nhiều khó khăn, không phải lo lắng về số tiền thanh toán nợ lẫn lãi. Thay vào đó, DN sẽ tập trung vào công tác triển khai dự án, tìm kiếm đơn hàng, khai thác thị trường mới. “Trước đây, các đối tác của chúng tôi thanh khoản rất nhanh, song hiện giờ họ cũng gặp khó khăn nên việc thanh toán bị chậm. Rất mừng khi ngành ngân hàng đã có chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với DN khó khăn tới hết năm nay”, bà Phan Lê Diễm Trang phấn khởi nói.

Tiếp sức cho nền kinh tế

Theo thống kê của NHNN Việt Nam - chi nhánh Bình Dương, trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 331.980 tỷ đồng, tăng 1,33% so với đầu năm 2024. Đây là mức tăng trưởng thấp trong 5 năm trở lại đây, có những TCTD tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng chung, thậm chí tăng trưởng âm.

Lý giải về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm, NHNN cho biết những yếu tố khách quan như kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao, đồng USD, giá vàng thế giới diễn biến phức tạp, chênh lệch lãi suất USD - VND... tác động tiêu cực lên sự ổn định của tỷ giá VND/USD trong nước, nhất là khi lãi suất VND tiếp tục giảm. Những yếu tố này khiến sức cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp trong những tháng đầu năm 2024. Nhiều DN thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng, thiếu đơn hàng... Trong khi đó, người dân giảm vay chi tiêu, tín dụng bất động sản giảm.

 Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - chi nhánh Bình Dương, Thông tư 06 sẽ được các TCTD trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai nhanh trong những ngày tới sau khi đã xem xét đến các yếu tố nguồn tài chính để xử lý rủi ro, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.

Hiện một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi. Hơn nữa, một số chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi như gói cho vay 120.000 tỷ đồng còn nhiều vướng mắc, khả năng huy động vốn trung, dài hạn của TCTD còn thấp so với nhu cầu vốn của nền kinh tế…

Trước những yếu tố khó khăn chung này, qua khảo sát, đánh giá, NHNN trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các gải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Trong đó NHNN vừa ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo đó, Thông tư 06 kéo dài thêm 6 tháng thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng, đến hết ngày 31- 12-2024.

Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - chi nhánh Bình Dương, Thông tư 06 sẽ được các TCTD trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai nhanh trong những ngày tới sau khi đã xem xét đến các yếu tố nguồn tài chính để xử lý rủi ro, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Cũng theo ông Võ Đình Phong, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của TCTD và tạo điều kiện cho TCTD thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

 THANH HỒNG