Cô bé bị bệnh thận và tấm lòng người mẹ
Từ ngày em Trần Thị Thu Ngân (SN 1994, ngụ ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo) phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối, tài sản trong gia đình lần lượt “đội nón ra đi” để duy trì sự sống cho Ngân. Để tiếp tục sống, Ngân cần phải thực hiện phẫu thuật thay thận. Người hiến thận đã có nhưng gia đình của Ngân cũng đành bất lực nhìn Ngân đau đớn vì không có tiền thực hiện phẫu thuật.
Nghị lực của cô bé mắc bệnh hiểm nghèo
Học xong lớp 9, Ngân phải gác ước mơ tiếp tục đến trường vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ngân ở nhà phụ giúp gia đình. Thời gian sau đó Ngân theo một người bà con lên TP.Hồ Chí Minh học nghề trang điểm với mong muốn có một cuộc sống tốt hơn sau này. Trong thời gian này, Ngân thường đau đầu, chóng mặt và cảm sốt. Ngân chỉ nghĩ rằng đó là bệnh bình thường nên tự mua thuốc uống. Tuy nhiên, các cơn sốt ngày càng xuất hiện thường xuyên và dai dẳng hơn đã khiến Ngân ngày một yếu đi và gầy hẳn ra.
Trước sức khỏe bất thường của Ngân, gia đình đưa Ngân đi khám bệnh. Khi cầm kết quả xét nghiệm trên tay, cha Ngân, ông Trần Ngọc Minh và vợ là bà Đinh Thị Hương không thể cầm được nước mắt khi biết con gái mình bị suy thận giai đoạn cuối. Sau khi biết mình bị bệnh hiểm nghèo, Ngân ngẩng người ra và không thể khóc được nữa. Cả gia đình thay nhau động viên Ngân cố gắng sống để tìm cơ hội chữa trị.
(BDO)
Em Ngân tự thực hiện lọc máu tại nhà
Để duy trì sự sống, Ngân phải thường xuyên đến bệnh viện để lọc máu. Vì vậy, bệnh viện đã trở thành “ngôi nhà thứ hai” của Ngân. Tết năm rồi, Ngân cùng gia đình đón tết trong bệnh viện. Ngân tâm sự: “Từ ngày phát bệnh, em buồn lắm! Nhưng vẫn có thể chịu được. Nhưng nhìn cha mẹ vì em mà ngày càng tiều tụy, em càng đau lòng hơn. Giá như em không bệnh thì tốt biết mấy!...”.
Một thời gian sau, nhờ thay đổi phương pháp lọc máu, Ngân chỉ cần đến bệnh viện 2 lần trong tháng để lấy hóa chất về để tự thực hiện lọc máu tại nhà. Mỗi chuyến đi lấy hóa chất như vậy tốn hết 13 triệu đồng. Ngân phải sử dụng các thao tác được bác sĩ hướng dẫn để thực hiện việc lọc máu cho bản thân trong một căn phòng rộng 10m2 được tiệt trùng. Căn phòng này được gia đình xây riêng cho Ngân và chỉ có mình Ngân được vào. Nơi này cũng chính là nơi ở thường xuyên của Ngân. “Ở trong căn phòng này một mình cũng buồn lắm. Xung quanh em chỉ là bốn bức trường trắng xóa, lạnh câm. Nhưng ít ra em vẫn còn được ở nhà, sống ở bệnh viện mệt mỏi lắm. Em cũng không muốn nhìn thêm cảnh bạn chung phòng ra đi vì căn bệnh quái ác như em!”, Ngân cười ngượng.
Hy vọng mong manh đã được nhen nhóm
Ngoài điều trị tại bệnh viện, gia đình Ngân còn đi nhiều nơi để gặp các danh y bốc thuốc nam hoặc thuốc bắc về uống thử, mong sớm chữa bệnh cho Ngân. Ông Minh tâm sự: “Mỗi khi nghe ai nói ở đâu có danh y trị được bệnh thận, tôi đều xách ba lô lên đường tìm họ để tìm cách chữa bệnh cho con tôi. Nhưng suốt hai năm, tôi đi không biết bao nhiêu tỉnh, thành nhưng tất cả chỉ là số 0”.
Tưởng như mọi hy vọng cứu sống Ngân bị dập tắt, nhưng khi được bệnh viện thông báo việc thay thận sẽ có cơ hội cứu sống Ngân khiến gia đình như được mở lòng. Cả gia đình đưa nhau đi làm xét nghiệm tìm thận ai tương thích với thận của Ngân để mong nhường lại một phần sự sống của mình cho Ngân. Theo kết quả, chỉ có mẹ hiến thận được cho Ngân. Còn ông Minh đang có một số bệnh nên không thể hiến thận được. Ông Minh giải bày: “Tôi cũng muốn hoàn thành trách nhiệm của một người cha nhưng bệnh tật không cho tôi làm điều đó. Chị hai của Ngân đã có chồng và đang có con nhỏ, sức khỏe lại yếu nên không thể hiến thận. Còn em út thì quá nhỏ, chỉ còn mình mẹ nó là được. Trong khi đó bà ấy là trụ cột kinh tế của cả gia đình. Bà ấy còn có thể đi thu mua ve chai kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Đã thế, bà ấy cũng đã lớn tuổi rồi, nếu mổ thì có khả năng xảy ra tai biến rất cao”. Bà Hương tiếp lời: “Cũng phải đành vậy thôi. Bé Ngân là máu thịt của tôi. Tôi cũng già rồi, muốn giúp chút gì đó cho con tôi để nó sống được ngày nào hay ngày đó. Tôi có chết cũng cam tâm. Nó có mệnh hệ gì, chắc tôi cũng không sống nổi ông à!”, bà Hương nhìn Ngân mà rơm rớm nước mắt.
Vấn đề tìm thận đã được giải quyết. Tuy nhiên chi phí thực hiện ca phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu lên đến 500 triệu đồng. “Từ ngày Ngân bị bệnh đến giờ, nhà có gì bán được thì cũng đã bán hết rồi. Tiền vay ngân hàng 200 triệu đồng để chữa bệnh cho Ngân cũng đã đến hẹn phải trả. Vậy lấy tiền đâu để phẫu thuật cho Ngân?”, ông Minh buồn rầu và mong chờ một phép mầu.
Ông Vũ Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, cho biết: “Chuyện em Ngân bị bệnh thận chúng tôi cũng đã nắm được và cũng có biện pháp hỗ trợ. Ngoài khoảng tiền hơn 300.000 đồng/tháng trích từ quỹ bảo trợ xã hội của xã, chúng tôi còn đề xuất với phía bảo hiểm xã hội cấp cho em Ngân một thẻ bảo hiểm dành cho người bệnh hiểm nghèo để giảm một phần chi phí chữa bệnh. Từ ngày em Ngân bệnh, gia đình trở nên vô cùng khó khăn. Thông qua báo Bình Dương, chúng tôi mong các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân giúp đỡ để em có tiền thực hiện phẫu thuật ghép thận.”
NGUYỄN HẬU