CNN: Hàn Quốc muốn hòa bình với Triều Tiên để tạo cú hích kinh tế
(BDO)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Panmunjom ngày 27/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo CNN, điều Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in muốn không chỉ là hòa bình với Triều Tiên, mà ông còn muốn tạo ra một cú hích thúc đẩy kinh tế và ngoại giao phát triển để tiến tới phát triển một khu vực Đông Bắc Á lên cấp độ giống như Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được.
Hai vấn đề tồn tại hiện nay là ông Moon Jae-in chỉ đảm đương cương vị Tổng thống Hàn Quốc một nhiệm kỳ năm năm để làm được như vậy, và Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc, có thể không cùng chí hướng.
Trong bối cảnh quan hệ liên Triều tiếp tục được cải thiện, với việc Tổng thống Moon Jae-in dự kiến sẽ thăm Bình Nhưỡng vào tháng Chín để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, các cuộc thương lượng giữa Triều Tiên và Mỹ lại đang rơi vào bế tắc. Điều này càng kéo dài thì nguy cơ chia rẽ giữa Washington và Seoul càng lớn.
Trong bài phát biểu tuần trước, Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra tầm nhìn kinh tế đầy tham vọng không chỉ trên bán đảo Triều Tiên, mà còn cho toàn bộ khu vực rộng lớn hơn khi so sánh kế hoạch của ông với Cộng đồng than đá và sắt thép châu Âu cuối cùng đã khai sinh ra EU.
Một kế hoạch như vậy sẽ thay đổi đáng kể và kết nối hai nền kinh tế Hàn-Triều, giúp Hàn Quốc liên kết với phần còn lại của lục địa Á, có tiềm năng mở ra quan hệ hợp tác thương mại và cơ sở hạ tầng rất có lợi.
Ông nhấn mạnh, sự phát triển trong quan hệ liên Triều không phải là yếu tố thứ yếu trong tiến triển quan hệ Triều-Mỹ, mà hơn thế nó là động lực đằng sau tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Dù điều này có thể đúng, song sẽ gặp rủi ro do bất cứ sự đình trệ nào trong đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington đều có thể cản trở các kế hoạch của Hàn Quốc và Triều Tiên.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên tuần trước đã cảnh báo sự bế tắc hiện nay trong đàm phán đang biến hy vọng của người dân thế giới thành sự khó chịu và thất vọng.
Theo phân tích của hai học giả Jeong-ho Roh và Adena Peckler thuộc Trung tâm nghiên cứu luật pháp Hàn Quốc, Đại học Columbia, điều này phần lớn là do “bất đồng tự nhiên” tồn tại giữa Washington và Seoul, khi Mỹ đặt mục tiêu phi hạt nhân hóa lên trên hết còn Hàn Quốc lại mong đợi một cơ chế hòa bình rộng lớn hơn.
Về mặt kỹ thuật, cuộc Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ năm 1950 vẫn chưa kết thúc mà chỉ ngừng giao tranh bằng một hiệp định đình chiến năm 1953, song lại không tiến triển thành một hiệp định hòa bình có tính ràng buộc hợp pháp.
Cả hai miền Triều Tiên đều nêu rõ khát khao đạt được một hiệp định như vậy, và Tổng thống Moon Jae-in đã cam kết tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh này trước cuối năm nay, có lẽ trong chuyến công du Triều Tiên trong tháng Chín. Trong khi đó, một cơ chế hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên lại cần có sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc - các bên tham chiến khác trong cuộc chiến tranh này.
Các chuyên gia nhất trí rằng không gì ngăn cản hai miền Triều Tiên tự tuyên bố kết thúc chiến tranh, hay ký một hiệp ước hòa bình song phương. Hai chuyên gia Roh và Peckler cho rằng điều này có khả năng cho phép Hàn Quốc dỡ bỏ trừng phạt và hướng tới thiết lập quan hệ kinh tế lớn hơn với Triều Tiên, kế hoạch mà ông Moon Jae-in đang thúc đẩy.
Điều đó sẽ đẩy Washington vào tình thế khó xử, vì Mỹ vừa không công nhận một hiệp định hòa bình song phương là một văn kiện chính thống và hợp pháp để kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, vừa tích cực ngăn cản Hàn Quốc ký hiệp định này./.
Theo TTXVN