CLB sản xuất rau an toàn Phường An Thạnh: Những hiệu quả bước đầu

Thứ tư, ngày 06/03/2013

Do diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nông dân nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như TX.Dĩ An, TX.Thuận An… phải chuyển đổi phương thức sản xuất cho phù hợp với tình hình này.

Tại các khu phố Thạnh Lợi, Thạnh Bình của phường An Thạnh, lâu nay nông dân vẫn trồng rau. Trước đây, diện tích đất dành cho cây rau còn nhiều (khoảng 20 ha), nên nông dân sản xuất theo kiểu truyền thống với năng suất, chất lượng không cao. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã thu hẹp dần diện tích đất sản xuất, buộc nông dân phải chuyển hướng theo phương thức sản xuất rau an toàn (RAT) với các yêu cầu cao hơn, có sự liên kết chặt chẽ để đạt hiệu quả cao bằng mô hình câu lạc bộ (CLB).  

 Ông Đoàn Văn Nổi, một thành viên trong CLB sản xuất RAT phường An Thạnh đang chăm sóc ruộng rau của gia đình

CLB sản xuất RAT phường An Thạnh hiện có 15 thành viên, với diện tích đất sản xuất khoảng 5,5 ha. Các loại rau chủ yếu được ưu tiên lựa chọn là dưa leo, khổ qua, bầu, mướp… Anh Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm CLB sản xuất RAT phường An Thạnh, nói: “Sản xuất theo kiểu cũ, chúng tôi có thu nhập thấp và không đều do phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Sản phẩm làm ra cũng chưa đạt chất lượng như bây giờ. Thành lập CLB, các thành viên có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cùng nhau. Cái được lớn nhất đối với các thành viên trong CLB là được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất RAT; chú trọng ứng dụng các kiến thức đã được học tập vào sản xuất sao cho hiệu quả nên năng suất trên diện tích đã tăng khoảng 40% so với trước”.

Anh Phạm Hữu Thọ, một thành viên CLB sản xuất RAT phường An Thạnh, cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 500m2 đất trồng rau cải. Hiện nay, tôi đã thuần thục trong việc ứng dụng các kỹ thuật về sản xuất RAT như hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng công nghệ sinh học... Nếu thời tiết thuận lợi và giá cả ổn định, mỗi năm tôi có thể thu về khoảng 40 triệu đồng từ diện tích trồng rau nói trên”. Từ những kết quả khả quan bước đầu, thời gian tới anh Thọ mong muốn được tiếp tục tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để có thể sản xuất rau bằng mô hình nhà lưới, trồng rau theo phương pháp thủy canh… nhằm nâng cao thu nhập.

Hiệu quả bước đầu của mô hình nông nghiệp đô thị nói trên tại An Thạnh là khá khả quan, nhưng theo Chủ nhiệm CLB Nguyễn Văn Tuấn, hầu hết các thành viên trong CLB vẫn còn nhiều khó khăn, như thiếu nước tưới, chưa được cơ giới hóa vì thiếu vốn và còn phải bán sản phẩm qua thương lái nên hiệu quả đem lại chưa cao. “Chúng tôi rất mong có một đơn vị nào đó đứng ra bao tiêu sản phẩm để cung cấp cho các siêu thị vì sản phẩm của chúng tôi đã được công nhận là RAT”, ông Tuấn nói. Còn ông Tăng Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Thạnh thì mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ CLB sản xuất RAT phường An Thạnh, nhất là về nguồn vốn, để mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả.

 

 ĐÀ BÌNH