CLB âm nhạc dân tộc TX.Dĩ An: Góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Thứ ba, ngày 24/06/2014

Thuộc nhiều thành phần trong xã hội nhưng với chung niềm đam mê và có năng khiếu về âm nhạc dân tộc, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Âm nhạc dân tộc TX.Dĩ An đã góp phần làm phong phú món ăn tinh thần qua những điệu nhạc lời ca, góp sức gìn giữ và truyền lửa cho người dân địa phương về văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

CLB Âm nhạc dân tộc TX.Dĩ An trong một chương trình giao lưu văn nghệ tại rạp hát Dĩ An Ảnh: THỤC VĂN

Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao (TTVHTT-TT) huyện Dĩ An (nay là TX.Dĩ An) thành lập CLB Âm nhạc dân tộc vào năm 1999, ngay sau khi tách ra từ huyện Thuận An, nhằm tập hợp những người yêu thích và có năng khiếu với âm nhạc dân tộc, góp sức gìn giữ và truyền lửa cho người dân trên địa bàn về văn hóa truyền thống của dân tộc.

CLB thu hút hơn 40 thành viên từ 20 - 65 tuổi, thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Trong đó, nhiều người có năng khiếu và tâm huyết với phong trào văn hóa văn nghệ địa phương. Đó là ông Phan Văn Kiều (nghệ sĩ Minh Kiều, 54 tuổi, phường Tân Đông Hiệp), chủ nhiệm của CLB, có khả năng chơi được nhiều loại nhạc cụ: đờn kìm, bầu, sến, ghi ta; ông Phạm Ngọc Phú, nguyên cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin TX.Dĩ An, biên soạn, sáng tác nhiều bài bản đờn ca tài tử Nam bộ (ĐCTTNB), chập cải lương và chơi được nhiều loại nhạc cụ: ghi ta, đờn cò, violon. Nghệ sĩ Cao Thị Thắng - nữ danh ca của Bình Dương hát rất ngọt các điệu lý dân ca và các bài bản Tổ trong ĐCTTNB. Ông Mai Văn Đặng - một nghệ sĩ đa tài, có thể sáng tác thơ, nhạc, hát và chơi đàn ghi ta. Ông Nguyễn Luông - tác giả của nhiều bài vọng cổ và chập cải lương. Ông Thế Hưng - tác giả của nhiều bài vọng cổ và được yêu thích nhất là bài “Khi người say biết yêu”.

Tuy khác nhau về nghề nghiệp, xuất thân nhưng với chung niềm đam mê và yêu thích nhạc lễ, ĐCTTNB, dân ca, nghệ thuật cải lương nên dù cuộc sống có bận rộn đến đâu, song đều đặn vào thứ ba và thứ sáu hàng tuần, các thành viên lại sắp xếp thời gian đến nhà ông Phan Văn Kiều tập luyện và giao lưu.

Mỗi khi sắp đến những dịp lễ hội kỳ yên tại các đình, chùa, miếu hay những ngày lễ lớn như: Giỗ tổ Hùng Vương, Giỗ tổ Sân khấu, giao thừa… các thành viên trong CLB miệt mài luyện tập để biểu diễn phục vụ và truyền lửa cho các bạn trẻ những cái hay cũng như kỹ thuật cơ bản của ban nhạc lễ.

Anh Quách Đình Sơn, cán bộ TTVHTT-TT TX.Dĩ An cho biết: “Bên cạnh việc phối hợp với TTVHTT-TT duy trì hoạt động Hát với nhau diễn ra hàng tuần, tham gia giao lưu với các huyện, thị, đại diện Dĩ An tham gia các hội thi do tỉnh tổ chức, CLB Âm nhạc dân tộc Dĩ An còn là nòng cốt của địa phương trong việc đào tạo cho các thế hệ trẻ trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống của dân tộc”.

Với niềm đam mê và tâm huyết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, các thành viên trong CLB đã tự mua sắm các thiết bị âm thanh cũng như các loại nhạc cụ, trang phục áo dài khăn đóng để biểu diễn các tiết mục phù hợp.

Nhờ đó mà hình ảnh cũng như tên tuổi của CLB được đông đảo khán giả nhiều nơi yêu mến và ngưỡng mộ, nhất là qua những lần tham gia giao lưu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Kiên Giang, Long An… hay tại những liên hoan ĐCTTNB trong tỉnh.

Nét độc đáo của CLB là có dàn nhạc cụ dân tộc gồm: đờn kìm, bầu, cò, ghi ta, violon… tự phục vụ các tiết mục của mình. Cùng đó, các thành viên đều là những nòng cốt, hạt nhân văn nghệ tại phường, tích cực tham gia truyền dạy cho mọi người, góp phần làm sôi nổi phong trào văn nghệ địa phương.

Hội viên Vũ Thanh chia sẻ: “Đây là sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp mọi người vui vẻ, yêu đời hơn, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, góp phần gìn giữ, truyền lại nét văn hóa dân tộc. Qua các cuộc biểu diễn, tôi nhận thấy ngoài những người tuổi trung niên, một số ít người trẻ tuổi cũng thích nghe, tìm hiểu những làn điệu dân ca và âm nhạc truyền thống”.

Nghệ sĩ Minh Kiều, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Thời gian tới CLB sẽ tìm tòi dàn dựng, tập luyện các tiết mục ca ra bộ, các bài bản Tổ và sáng tác những bài hát về Bình Dương để chương trình biểu diễn thêm phong phú, hấp dẫn mang đến cho người xem cái nhìn đầy đủ hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc”.

 

 THỤC VĂN