Chuyện về những người giành sự sống từ tay “thần chết”

Thứ sáu, ngày 28/09/2018

(BDO) Tại các trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị vào những ngày cuối tuần, số ca cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) tăng đột biến. Các bác sĩ làm nhiệm vụ cấp cứu luôn trong tình trạng căng thẳng vì đa phần bệnh nhân đều trong tình trạng say xỉn và chấn thương nặng.

Kíp trực căng thẳng

Hơn 22 giờ đêm, một chiếc xe taxi dừng trước cổng khoa cấp cứu TTYT TX.Dĩ An. Trong xe, một nam thanh niên khoảng 25 tuổi nằm mê man, trên người có nhiều vết thương. Hai thanh niên xăm trổ bước xuống xe và lớn tiếng gọi bác sĩ. Lúc này, bác sĩ Lê Tuấn Vinh, Trưởng khoa cấp cứu cùng kíp trực nhanh chóng đưa bệnh nhân lên băng ca và tiến hành cấp cứu ngay tại chỗ.


Bác sĩ Lê Tuấn Vinh thăm khám cho một bệnh nhân bị tai nạn

Khoảng ít phút sau, gần 10 thanh niên đến phòng cấp cứu xưng là bạn của bệnh nhân. Trong đó, không ít thanh niên có hơi thở nồng nặc mùi bia rượu. Trong khi các bác sĩ và điều dưỡng đang khẩn trương cầm máu, băng bó vết thương cho bệnh nhân, các thanh niên này đứng quây quanh. Trong đó có một thanh niên lớn tiếng “Nếu bạn của tao mà bị sao thì chúng mày sẽ biết tay!”, người này đưa cánh tay đầy hình xăm lên dọa. Trước tình hình trên, lực lượng bảo vệ kịp thời có mặt để bảo đảm trật tự.

Sau đó bác sĩ Vinh yêu cầu gặp đại diện của nhóm thanh niên này để thông báo tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Theo đó, bệnh nhân nam bị một số vết thương hở, đã được cầm máu, không nguy hiểm. Bên cạnh đó, nạn nhân vẫn chưa tỉnh rượu, nồng độ khí thở trong máu hơn 0,40mg/lít khí thở nên tiếp tục theo dõi. Sau khi nghe thông báo, nhóm thanh niên nhốn nháo và yêu cầu chuyển bệnh nhân lên Bệnh viên Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) để chữa trị. Mặc dù các bác sĩ đã giải thích cặn kẽ tình hình sức khỏe của bệnh nhân nhưng những thanh niên vẫn kiên quyết yêu cầu chuyển viện.

Lúc này bác sĩ Vinh nói: “Chúng tôi luôn cố gắng làm những điều tốt nhất để chữa trị cho bệnh nhân. Đối với ca này, chúng tôi hoàn toàn có thể chữa trị được cho bệnh nhân. Nếu các anh không yên tâm thì chúng tôi có thể làm thủ tục chuyển viện. Để làm thủ tục, chúng tôi cần người nhà bệnh nhân viết cam kết và hoàn thành các thủ tục hành chính”. Khi bác sĩ Vinh dứt lời, những thanh niên này im lặng và đứng ngây ra. Hóa ra, các thanh niên này chỉ là bạn xã hội của nạn nhân và cũng không biết tên họ, địa chỉ thường trú của bệnh nhân. Sau đó, một thanh niên trong nhóm lấy điện thoại của bệnh nhân gọi cho người nhà bệnh nhân đến. Ít lâu sau, một người phụ nữ gần 60 tuổi hối hả tới phòng cấp cứu. Thấy con trai nằm thiêm thiếp trên băng ca, khuôn mặt bà tái nhợt. Sau khi nghe bác sĩ giải thích về tình hình sức khỏe của bệnh nhân, bà đồng ý để con trai ở lại theo dõi. Lúc này, đồng hồ đã điểm 1 giờ sáng. Còn các “chiến hữu” của con bà đã ra đi lúc nào không rõ.

Bản lĩnh người bác sĩ

Ở khoa cấp cứu, không hiếm người bị TNGT nhập viện cùng thời gian. Vì vậy, bác sĩ trực cấp cứu không chỉ chịu áp lực từ phía bệnh nhân mà còn từ thân nhân họ hoặc những người có mâu thuẫn với bệnh nhân. Bên cạnh đó, một số người nhà sốt ruột trước tình trạng thương tích của người thân nên “chỉ đạo” bác sĩ, gây ảnh hưởng đến công tác chữa trị bệnh nhân. Nếu bác sĩ không làm theo ý muốn của họ thì sẽ bị nghe những lời không mấy dễ chịu; thậm chí còn sử dụng vũ lực gây tổn thương bác sĩ.

“Ai có người thân vào bệnh viện cấp cứu cũng lo lắng và mong được bác sĩ tận tình cứu chữa. Việc bác sĩ tiến hành các bước cấp cứu bệnh nhân nào trước hay sau còn phụ thuộc vào diễn biến sức khỏe của bệnh nhân. Nếu trong phòng cấp cứu có ca nguy hiểm đến tính mạng thì phải ưu tiên trước, dù ca đó có đến sau, nếu qua khoảng thời gian “vàng” thì khả năng cứu sống rất thấp. Ngay cả bệnh nhân cấp cứu đã ngưng thở, giãn đồng tử, các bác sĩ vẫn làm mọi cách cứu chữa trong 30 phút với phương châm “còn nước còn tát”. Trong trường hợp bác sĩ đã cố gắng hết sức và dùng mọi biện pháp y khoa nhưng tín hiệu sống của bệnh nhân không khả quan thì mới ngưng. Đồng thời, chúng tôi phải giải thích cho người nhà hiểu rõ. Nếu gặp thân nhân hiểu cho bác sĩ thì không sao nhưng gặp người nóng tính thì bác sĩ, điều dưỡng bị nói nặng lời thậm chí bị đe dọa là chuyện thường xuyên xảy ra”, bác sĩ Phạm Hồng Khánh, TTYT TX.Thuận An tâm sự.

Không chỉ gặp những người nhà bệnh nhân “khó tính”, các bác sĩ đôi lúc còn trong tình huống cấp cứu chính người thân quen. Những lúc như thế, các bác sĩ phải kìm nén cảm xúc cá nhân, không để chi phối nhiệm vụ chuyên môn. Từng tham gia nhiều ca cấp cứu bệnh nhân bị TNGT nhưng ca cấp cứu cho bác bảo vệ trong TTYT khiến bác sĩ Lê Tuấn Vinh luôn day dứt. “Vào chiều tối, người dân đưa vào bệnh viện một bệnh nhân nam hơn 60 tuổi bị TNGT. Nạn nhân bị đa chấn thương, mất máu cấp, tiên lượng xấu. Khi bắt đầu tiến hành sơ cứu, tôi bàng hoàng nhận ra nạn nhân chính là nhân viên bảo vệ nhà xe mới nghỉ hưu. Bác rất thân thiện và được mọi người trong bệnh viện yêu quý . Gạt qua cảm xúc cá nhân, tôi cùng kíp trực nhanh chóng tiến hành sơ, cấp cứu cho bác. Vì trang thiết bị còn hạn chế, chúng tôi nhanh chóng làm thủ tục chuyển bác lên bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh và cầu mong bác qua khỏi. Khoảng 8 giờ sau, chúng tôi nhận được tin từ đồng nghiệp, bác không qua khỏi! Lúc đó, một không khí nặng nề bao trùm lên cả kíp trực ngày hôm đó”, bác sĩ Lê Tuấn Vinh xúc động nhớ lại.

“Sau này tôi được biết ngày hôm đó bác dự tiệc sinh nhật cháu nội. Do hôm đó là ngày vui, bác uống hơi nhiều. Trên đường về, bác va chạm với xe du lịch khi chỉ còn cách nhà vài trăm mét. Làm việc 2 năm trong khoa cấp cứu, tôi trực tiếp cấp cứu không ít trường hợp bị TNGT. Vì rượu bia mà những người cha, người mẹ đau đớn “tiễn người đầu xanh”. Những đứa trẻ mồ côi cha. Khi mọi người uống rượu bia và tham gia giao thông thì hãy nghĩ đến sự an toàn của bản thân, gia đình và cả sự an toàn của người khác”, bác sĩ Vinh tâm sự.

Bảo đảm an toàn cho y, bác sĩ

Theo thống kê của TTYT TX.Dĩ An, vào những ngày cuối tuần hoặc đầu tháng và trong khoảng thời gian từ 16 giờ đến giữa đêm, số ca cấp cứu bị TNGT tăng đột biến. Một tuần, TTYT nhận sơ, cấp cứu từ 50 - 60 trường hợp. Bác sĩ, tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc TTYT TX.Dĩ An, cho biết đa số những bệnh nhân bị TNGT đến cấp cứu trong trạng thái bị say xỉn và người đưa bệnh nhân tới cũng có hơi men, dẫn đến công tác chữa trị của bác sĩ càng thêm khó khăn. Đối với những trường hợp này, ngoài thực hiện tốt công tác chuyên môn, các bác sĩ và điều dưỡng còn phải ứng xử khéo léo và tìm cách giải thích để người nhà bệnh nhân hiểu. Nếu họ không chịu hợp tác thì lực lượng bảo vệ hoặc công an địa phương đến hỗ trợ vãn hồi trật tự nhằm bảo đảm an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ để làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, TTYT còn lắp đặt hệ thống camera tại các vị trí trọng điểm trong khoa cấp cứu để chủ động trong việc quản lý an ninh trật tự tại khu vực. Trong trường hợp xảy ra tình huống phức tạp, hình ảnh từ camera sẽ giúp lực lượng chức năng làm rõ vụ việc.

 

Không chỉ cấp cứu các bệnh nhân bị TNGT, đôi lúc các bác sĩ còn sơ cứu các nạn nhân bị TNGT ngay trên đường đi làm. Bác sĩ Lê Tuấn Vinh nhớ lại: “Khoảng 16 giờ một ngày cuối tuần, tôi trên đường về nhà thì gặp một vụ TNGT ở ngã tư Bình Thung (phường Bình An). Tôi thấy một người đàn ông khoảng 40 tuổi ôm chân đau đớn. Mặc dù có rất nhiều người đứng xem nhưng không có người nào giúp đỡ anh ta. Thấy vậy, tôi đến gần xem xét thì phát hiện anh ta bị gãy xương cẳng chân. Tôi lập tức tìm một khúc cây và dùng vải băng nẹp vết thương cho anh ta. Sau đó, tôi nhờ một anh xe ba gác chở nạn nhân đến TTYT để tôi làm tiếp công tác chữa trị”.

Bác sĩ Vinh cho biết thêm, nhiều người rất ngại giúp đỡ nạn nhân bị TNGT vì họ sợ phiền phức. Làm việc 2 năm trong khoa cấp cứu, bác sĩ Vinh từng chứng kiến cảnh người đi đường đưa nạn nhân bị TNGT đi cấp cứu không được cảm ơn mà còn bị người nhà nạn nhân hiểu lầm và rượt đánh. May mắn là lực lượng bảo vệ đã kịp thời can thiệp nên không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Sau đó, người nhà bệnh nhân cũng đã hiểu ra và xin lỗi người này.

NGUYỄN HẬU