Chuyện về khách thương hồ

Thứ sáu, ngày 28/02/2020

(BDO) Từng khóm lục bình lững lờ trôi trên sông Sài Gòn; từng chiếc ghe chở đầy hàng cập bến tại đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, khách thương hồ nương nhờ theo con nước để mưu sinh. Nhiều câu chuyện vui buồn của khách thương hồ đã được chia sẻ.


Dì Tư Phượng đưa hàng lên bến Bạch Đằng (sông Sài Gòn), phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một để bày bán. Ảnh: TIỂU MY

Miệt mài trên sông nước

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa bàn TP.Thủ Dầu Một dập dềnh sóng nước với những vạt lục bình trôi theo con nước. Ghe áp vào bờ, từng chiếc chở đầy ắp hoa quả cập bến. Cả khúc sông rộn rã tiếng cười, lấp lánh ánh mắt hy vọng của những khách thương hồ.

Ghe của dì Tư Phượng, quê Vĩnh Long vừa cập bến với cơ man nào là chuối. Dì bảo không biết trên ghe mình bao nhiêu tấn chuối vì cứ chất đầy ghe thì đi; khi thì chuối, khi thì dừa, khi thì khóm, cam, quýt… mùa nào thức ấy. Dì không nhớ đã đi qua bao mùa tết trên dòng sông này và chở bao ghe cây trái đến đây. Chỉ nhớ rằng khi dì 18 tuổi đã về làm dâu gia đình nhà chồng mưu sinh bằng nghề chở trái cây vào đây bán và từ đó theo ba theo chồng bám lấy khúc sông này mưu sinh.

“Ba chồng tuổi đã cao nên giao lại ghe này cho vợ chồng tui. Chiếc ghe giờ đã được nâng cấp lên mấy bận rồi. Cái duyên với sông, với đất, tui làm đến lúc nào hết nổi thì giao lại cho sắp nhỏ. Coi vậy chứ ở nhà chừng vài chuyến là nhớ bến, nhớ khách thương hồ lắm đó…”, dì Tư tâm tình.

Cái tên khách thương hồ nghe ra nhiều lãng mạn, khấm khá song cuộc sống của họ không phải lúc nào cũng thuận lợi; buôn bán có khi lời khi lỗ. Hàng hóa có khi vơi khi đầy, những người từ khi sinh ra đã chọn nơi sống là con sông, dòng nước vẫn đi về nơi bến sông này như nhịp thoi đưa. Thời gian neo đậu ở bến sông này tùy thuộc vào hàng hóa đắt hay ế. Cả mấy người chủ - nhân viên sẽ ở cùng nhau cho đến khi bán xong những hoa quả cuối cùng. Thường thì 3 - 4 ngày, có khi một tuần họ quay về bến quê lấy hàng quay lại... Hết thế hệ cha ông rồi tới thế hệ con cháu, họ vẫn tiếp tục bám chiếc ghe và bến bờ quen thuộc.

Đều đặn mỗi tháng 5 - 7 lần, vợ chồng anh Trần Khanh chạy ghe từ Bến Tre chở dừa lên Bình Dương bỏ mối. Trên đường đi, khi đi qua những vườn cây vợ chồng anh tranh thủ lấy thêm xoài, tắc, bưởi, chuối... Ghe vừa cập bến, anh Khanh soạn ngay những buồng dừa trĩu quả cho khách hàng trên bờ lựa chọn. Buôn bán ở khúc sông này đã lâu nên mối đã thỏa thuận trước, anh chỉ việc soạn hàng giao cho nhân viên bốc vác hàng hóa xuống lề đường.

Trên bờ, vợ anh - chị Duyên sắp xếp bán hàng. “Tui bán hàng trên bến sông này đã mười mấy năm; khách đã quen rồi nên cứ đến lấy hàng đưa tiền không cần trả giá. Buôn bán vậy cũng đỡ cho mình, cho khách; không có cảnh bực dọc, giận dỗi nhau… Giờ khách thì tui đã thuộc lòng từng tên người một, nghe giọng cả chục mét đã nhận ra khách của mình”, chị nói.

Nhiều nhà ghe tâm tình, cả đời lênh đênh trên sông nước, nghề buôn hồ cực nhọc, vất vả và lắm ưu tư. Mấy đứa bé vài tuổi đã theo ba mẹ xuống ghe chạy dọc dòng sông buôn bán, giờ lại xa ba mẹ theo con chữ. Mỗi chuyến đi như vậy, nếu bán hết sau khi trừ tiền xăng dầu, bãi đậu, nhân công nhà ghe còn lời 3 - 4 triệu đồng; lúc gặp phải dừa lạt, non… thì bớt tiền cho khách, có khi huề vốn, thậm chí lỗ vài trăm ngàn đồng tiền xăng.

Để con học hành đàng hoàng, vợ chồng anh Khanh phải gửi con cho ông bà ở quê chăm sóc. Anh Khanh chia sẻ mới ra tết cũng còn thư thả, chứ vào mùa có khi cả tháng không được gặp con, vì ghe về là phải tranh thủ đi chở hàng cho kịp chuyến. “Nhiều lúc tui nhớ tụi nhỏ phát khóc. Tui muốn đem con theo ở bên cạnh để tiện chăm sóc nhưng sông nước lênh đênh, tụi nhỏ đâu dãi nắng dầm mưa theo mình mãi được. Tuy nhiều vất vả nhưng vợ chồng tui cũng phải ráng cho sắp nhỏ học cái chữ để sau này có công việc tốt hơn. Vợ chồng tui thì còn sức còn bươn…”, chị Duyên tâm sự.

“Mở lối” vươn xa

Nắm bắt lợi thế sông Sài Gòn đem lại, những năm qua Bình Dương đã nỗ lực xây dựng hạ tầng cơ sở để biến vùng đất ven con sông này trở thành kho cảng lớn của cả nước. Đến nay, các cảng như An Sơn, Bà Lụa… trên sông Sài Gòn đã được xây dựng. Gần đây, việc tháo dỡ cầu sắt Phú Long nối liền giữa TP.Thuận An và quận 12, TP.Hồ Chí Minh đã thật sự “mở lối” vận tải đường thủy của tỉnh nhà.

Lãnh đạo và doanh nghiệp trong tỉnh kỳ vọng các cảng đường sông có khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải lớn như An Sơn, An Tây, Thanh An... trên sông Sài Gòn sẽ nhộn nhịp và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây. Khi đó, tàu trọng tải lớn sẽ vào ra tấp nập trên những bến sông, tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội tỉnh nhà như kỳ vọng của bao thế hệ lãnh đạo đi trước.

Rồi mai đây, khách thương hồ không chỉ là những người buôn bán đường sông từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà còn có sự xuất hiện của khách thương hồ ngoại quốc (từ châu Á, châu Âu...). Những con tàu trọng tải hàng trăm tấn, hàng ngàn tấn thay thế cho kiểu buôn bán, giao lưu hàng hóa nhỏ lẻ có từ hàng trăm năm trước. Bình Dương đang có nhiều tiềm lực phát huy tối đa vai trò của sông Sài Gòn để trở thành trung tâm cung cấp và phân phối hàng hóa lớn của khu vực phía Nam. Ngành logicstis ven sông này sẽ là một bước đệm cho tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, khi khách thương hồ từ khắp nơi trên thế giới về đây họp bến.

Xế chiều, trên bến sông người đàn ông đánh trần đưa tấm lưng đen óng gọt vỏ dừa tươi; còn những phụ nữ chào mời khách ngang qua đường mua trái cây thơm nuột. Từng nhóm người tan công sở, công ty ghé bến sông đã có món hàng xách tay mang về, từ nước dừa, nước cam, chanh, ổi, quýt, chuối… Trên mui ghe, mấy ông bạn già khề khà chút men đế xuống vài ba câu vọng cổ khàn đục; còn mấy chú đốm nhỏ, mèo vàng đi loanh quanh trên ghe. Kiếp thương hồ và những mặt hàng từ quê xa cứ hết vơi lại đầy. Chân trời mới đã hiện ra, bên bến sông khách thương hồ nhìn nhau bằng nụ cười bình dị. Dù tay chai da rám nắng, dù cơ cực còn đeo bám hay tương lai sán lán… nơi ấy ta vẫn nhìn đời bằng nụ cười tươi.

Từ lâu, chợ Thủ, chợ Lái Thiêu không xa lạ đối với khách thương hồ. Từ khắp Nam kỳ lục tỉnh, các thương nhân buôn bán đường sông thường ven theo sông Sài Gòn về nơi đây mua bán tấp nập, biến vùng đất này trở thành phố thị nhộn nhịp của vùng đất Nam kỳ.

Trước đây, khách thương hồ thường tới Bình Dương để thu mua đồ gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ. Sông Sài Gòn trở thành nơi gặp gỡ trao đổi, mua bán của các thương nhân. Trên thuyền, dưới bến tấp nập hàng hóa từ chợ Thủ, chợ Lái Thiêu đi khắp lục tỉnh Nam kỳ. Ngày nay, đường bộ đã thay thế đường sông, ô tô thay thế tàu bè vận chuyển hàng hóa xuôi ngược. Nhưng khúc sông này hàng ngày vẫn có nhiều ghe thuyền neo đậu; chủ yếu bà con trao đổi, mua bán mặt hàng nông sản ngọt lành từ miệt… miền Tây.

TIỂU MY