Chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky
(BDO) Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa có chuyến công du đến Mỹ nhằm tìm cách cứu vãn các khoản viện trợ vũ khí và tài chính trị giá hàng chục tỉ USD đang mắc kẹt ở Quốc hội Mỹ. Chuyến đi được cho là không đạt mục tiêu mong muốn.
Kết quả “khiêm tốn” mà ông Zelensky gặt hái được từ chuyến công du Mỹ hôm 12/12 chỉ là khoản viện trợ trị giá khoảng 200 triệu USD kèm theo lời hứa của Tổng thống Joe Biden là “Mỹ tiếp tục ủng hộ và viện trợ cho Ukraine” để Ukraine tiếp tục thực hiện vai trò “bảo vệ tự do” trên chiến tuyến chống Nga.
Khoản viện trợ này bao gồm vũ khí và thiết bị sẽ được lấy từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc và đạn dược bổ sung cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), tên lửa chống bức xạ tốc độ cao, hệ thống chống thiết giáp, đạn pháo, tên lửa, cùng 4 triệu viên đạn vũ khí nhỏ, máy phát điện và các thiết bị, phụ tùng khác. Sau gói viện trợ mới nhất này, Mỹ hiện còn lại khoảng 4,4 tỷ USD vũ khí mà nước này có thể cung cấp từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo chung, ngày 12/12.
Phát biểu tại buổi họp báo chung hôm 12/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích gay gắt đảng Cộng hòa trong quốc hội vì không lay chuyển trước những lời lẽ “thiết tha” mong muốn nước Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự của Tổng thống Zelensky.
Khi đặt chân đến Washington bắt đầu chuyến công du hôm 12/12, ông Zelensky đã được tiếp đón bằng một thái độ “khác lạ”. Khi đến Mỹ vào mùa đông năm ngoái, ông đã nhận được sự chào đón như một anh hùng trên Đồi Capitol, lần này lại thấy ít nhiệt tình hơn. Và, trong buổi nói chuyện kín kéo dài hơn 90 phút tại Thượng viện, ông Zelensky đã phải vật lộn để thuyết phục đảng Cộng hòa ủng hộ gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine. Ông đã tìm cách trấn an các thượng nghị sĩ vốn đang lo ngại về việc liệu viện trợ quân sự của Mỹ có bị lãng phí vì tham nhũng hay không.
Một tuần trước khi ông Zelensky đến Washington, đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã chặn gói viện trợ khẩn cấp chủ yếu dành cho Ukraine và Israel sau khi những người bảo thủ phàn nàn về việc Tổng thống Biden không đáp ứng những yêu cầu thay đổi chính sách nhập cư như một phần của gói viện trợ. Mike Rounds, một đảng viên Cộng hòa, nói với CNN rằng ông Zelensky đã tìm cách trấn an các thượng nghị sĩ lo ngại về việc liệu viện trợ quân sự của Mỹ có bị lãng phí vì tham nhũng hay không và rằng Ukraine cần thêm hệ thống phòng không để hỗ trợ các cuộc phản công của mình.
Tuy nhiên, đáp lại những lời khẩn cầu “tha thiết” ấy là những lời phản đối thẳng thừng và lạnh lùng của các thượng nghị sĩ Cộng hòa. Họ khăng khăng yêu cầu Nhà Trắng nhượng bộ về an ninh biên giới như một điều kiện cho một thỏa thuận. Các thành viên đảng Cộng hòa chủ chốt nhắc lại rằng họ muốn thấy Nhà Trắng quyết liệt hơn trong việc trấn áp dòng người nhập cư qua biên giới giữa Mỹ và Mexico để đổi lấy gói hỗ trợ này.
Trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ cấp cao bày tỏ sự thất vọng trước tình trạng “thiếu tiến bộ” trong vấn đề viện trợ cho Ukraine. Ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe của đảng Dân chủ tại Thượng viện cho rằng tình trạng mâu thuẫn nội bộ của chính trường Mỹ hiện nay đang gây khó khăn cho việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine và cả Israel trong cuộc chiến với Hamas.
Ngoài khoản viện trợ vũ khí trị giá 200 triệu USD ông Biden đã hứa hôm 12/12, Nhà Trắng không còn khoản nào khác để tiếp tục “chu cấp” cho Ukraine. Tuần trước, Giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách của Nhà Trắng Shalanda Young cho biết Lầu Năm Góc đã sử dụng hết 97% trong số 62,3 tỷ USD phân bổ cho Ukraine trước đây đã được Quốc hội cho phép, trong khi Bộ Ngoại giao cũng đã tiêu sạch số tiền 4,7 tỷ USD dùng cho viện trợ ngoại giao. Quốc hội Mỹ sẽ nghỉ lễ hằng năm từ ngày 15/12 và có rất ít triển vọng về một bước đột phá cho phép gói tài trợ được thông qua trước đó - có nghĩa là các cuộc đàm phán sẽ phải diễn ra trong năm mới vào thời điểm mà số tiền sẵn có để giải quyết “cơn khát tài trợ” của Ukraine dần cạn.
Chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky được dư luận quan tâm đánh giá là “chuyến đi chữa cháy” trong bối cảnh nước Mỹ đang khó khăn về ngân sách (vừa nâng trần nợ công để tránh chính phủ đóng cửa), đồng thời chính trị nội bộ mâu thuẫn xung quanh các khoản viện trợ quân sự cho nước ngoài, đặc biệt là Tổng thống Biden đang lún sâu vào cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Trung Đông.
Kết quả chuyến đi không nằm ngoài dự báo của giới phân tích và đó là một trong những chỉ dấu để giới phân tích cho rằng Nhà Trắng tuy không muốn “bỏ rơi” Ukraine, nhưng với những khó khăn hiện tại thì thật khó lòng tiếp tục “cưu mang” một cách đầy đủ như giai đoạn đầu cuộc chiến. Mặt khác, giới phân tích cũng cho rằng Mỹ và đồng minh đang cân nhắc việc thay thế ông Zelensky bằng một nhân vật khác, vì ông Zelensky đang gây quá nhiều khó khăn, rắc rối cho phương Tây, đồng thời cũng nhằm làm mới các nỗ lực đối đầu với nước Nga ở chiến trường Ukraine cũng như trong cục diện an ninh chung.
Adrienne Watson, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng cho biết “bế tắc quân sự suốt mùa đông sẽ làm cạn kiệt sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine” và đều đó rốt cuộc sẽ mang lại lợi thế cho Moscow. Trong chuyến công du của mình, ông Zelensky đã cố gắng thuyết phục giới chính trị Mỹ rằng chỉ cần có thêm viện trợ vũ khí từ Mỹ và phương Tây, Ukraine sẽ có thể “xoay chuyển tình thế”?
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, với đầy đủ vũ khí Mỹ và các đồng minh cung cấp trong các gói viện trợ trước đây cho Ukraine mà “cuộc phản công mùa xuân” được kỳ vọng rất cao của Ukraine đã thất bại, chiến trường bế tắc và nội bộ lủng củng ở cấp cao nhất. Vậy thì liệu thêm gói viện trợ hàng chục tỉ USD nữa có giúp Ukraine cải thiện được chút nào hay không? Đây mới chính là gút mắc khiến cho sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine trở nên yếu đi.
Theo CAND