Chuyện những người nuôi dạy trẻ!

Thứ năm, ngày 26/04/2012

Do dân số tăng nhanh, đặc biệt là tăng dân số cơ học, nên ngành giáo dục công lập chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu gửi trẻ của công nhân lao động đến sinh sống và làm việc ở Bình Dương. Để đáp ứng nhu cầu này của các bậc phụ huynh, một số người đã mạnh dạn bỏ vốn xây trường dạy trẻ. Do vậy, các trường, nhóm, nhà giữ trẻ mầm non tư thục ra đời ngày càng nhiều. Có trường quy mô, lộng lẫy như những tòa lâu đài ngũ sắc trong truyện cổ tích, nhưng cũng có trường còn xập xệ, tạm bợ! Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách khách quan thì mảng ngành mầm non tư thục đã đóng góp rất lớn cho sự nghiệp chăm sóc, nuôi dạy trẻ...

 Nội, ngoại đều mệt nhoài!

Ông bà ta có câu: “Nhất mẹ, nhì cha, thứ ba bà ngoại” để đề cập mức độ tình cảm của cha, mẹ, ông, bà đối với con cháu trong gia đình. Đối với các bé theo cha mẹ đi làm ăn xa, phụ huynh của các bé cũng xem các cô như nội, ngoại trong gia đình. Chị Nguyễn Thị Thu, quê Thái bình, đang làm việc ở KCN Sóng Thần, cho biết: “Em đi làm suốt ngày, rồi còn tăng ca đến đêm nên không có thời gian chăm con. Tiền lương hai vợ chồng chỉ đủ trang trải các chi phí nhà trọ, ăn uống, xe cộ, gửi con... nên không có dư để bồi dưỡng cho bé. Mỗi tháng, em đóng cho cho trường mấy trăm ngàn, công việc nuôi dưỡng bé em nhờ cả vào nhà trường. Tuy nhiên, em nhận thấy bé vẫn bụ bẫm. Đó là nhờ các bà, các cô nên em rất yên tâm”. Khi được hỏi vấn đề tương tự, Hữu Hùng, 30 tuổi, quê Hà Tĩnh, xúc động nói lời hàm ơn: “Em vào đây lập nghiệp, rồi lập gia đình, sinh con nhỏ. Xa nội ngoại, họ hàng lại không có hộ khẩu, nên chúng em phải xin cho bé học ở trường tư thục. Công việc chăm con chúng em nhờ cả vào các cô ở trường. Các cô giống như họ hàng ruột thịt của cháu, nên bé được chăm chu đáo, lớn nhanh, thông minh. Do mến các bà, các cô nên ngày nghỉ bé cũng đòi đi học. Em cảm ơn quê hương thứ hai Bình Dương đã cho em công ăn việc làm, một gia đình hạnh phúc...”.  Cô giáo trường Mẫu giáo Tư thục Vàng Anh đón các cháu vào lớp học buổi sáng

Còn nội, ngoại nói gì? Cô Lê Thị Thuận, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo tư thục Vàng Anh cho biết: “Nuôi dưỡng, dạy dỗ các bé cực lắm. Quản lý càng cực hơn. Một ngày làm việc hơn 8 giờ, vừa theo sát lớp học, vừa quản kỹ bếp ăn sao cho thật an toàn. Ngoài ra, còn phải giữ cháu cho đến lúc cha mẹ các bé tan ca, có khi 7 - 8 giờ tối. Cực vậy nhưng có những trường hợp phụ huynh khổ quá nhà trường còn linh động giảm học phí”. Cô Mỹ Tiên, trường Mẫu giáo tư thục Nắng Mai thì cho hay: “Rút kinh nghiệm các nơi, chúng tôi chăm lo cho bếp ăn các cháu rất kỹ. Chúng tôi chọn lựa thực phẩm phải tươi, rau phải xanh, sạch và nấu thật ngon, đủ chất bổ dưỡng nên các bé đều ăn ngon miệng”.

Tiễn bé về chưa phải là hết việc. “Thương các cháu như cháu ruột, nhưng nghề nuôi dạy trẻ chẳng khác gì làm dâu trăm họ. Đêm về mà nghe điện thoại là cứ giật mình thon thót. Thắc mắc của phụ huynh phải được giải đáp kịp thời, hợp lý. Có lúc cô chủ nhiệm phải xin lỗi phụ huynh chỉ vì các bé đuổi nhau bị té u đầu. Lo nhất là các cú điện thoại đại loại như: “Cô ơi hôm nay cho bé ăn gì mà bé bị ngộ độc thực phẩm rồi!”. Những lúc như vậy phải lựa lời để phụ huynh nhớ lại xem đã cho bé ăn gì lúc ở nhà, vì thông thường ngộ độc thực phẩm ở trường thì học sinh cả trường đều bị chứ không riêng một bé nào, nhưng nói không khéo là phụ huynh hờn dỗi làm lớn chuyện!”, cô Thuận tâm sự.

Do kinh tế phát triển, mức sống người dân ngày càng khá giả nên một số bé sớm có thói đỏng đảnh, cùng với đó là sinh đẻ có kế hoạch, nên bé nào cũng là... con cưng. Vì vậy, gánh nặng trách nhiệm đè nặng lên vai các cô giáo đầu đời của bé. Chị Ngọc Lan, giáo viên trường Họa Mi (TX.TDM), kể: “Do được cha mẹ nuông chiều nên một số bé rất hư. Cách đây không lâu có bé trai khóc lóc, chửi tục rùm beng. Khi tôi nhẹ nhàng dỗ dành cháu thì cháu nhìn thẳng vào tôi mà hét: Tao chửi mày đó chứ đâu có chửi bạn! Khi mẹ bé đến đón, tôi kể lại cho mẹ bé nghe, thì chị ấy than: Ở nhà nó được cưng chiều quá mức nên chửi cha, mắng mẹ suốt. Sáng nào gọi dậy đi học nó cũng vừa khóc, vừa chửi cha mẹ! Em nhờ cô giáo để ý dạy bảo nó giùm. Tôi nhận lời, để ý tìm điểm yếu của nó và từ từ dạy bảo. Chỉ sau 1 tuần, bé đã ngoan nên mẹ bé cảm ơn tôi rối rít”.

Rất nhiều cô giáo mầm non, ngay cả các cô dạy giỏi ở các trường công lập cũng thường “bó tay” với các bé hư. Cô Thu Hà ở nhóm trẻ phường Dĩ An (TX.Dĩ An) cho biết: “Em lo lắng cho chúng từng miếng ăn, giấc ngủ nhưng chúng không sợ em. Em vẫn thường nhờ cô giáo lớp kế bên thét giùm hoặc mượn ông say rượu để hù dọa thì các bé mới sợ!”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, cô Ngọc Lan, cô Thu Hà đều nhờ chúng tôi tìm cách “gióng hồi chuông” cảnh báo các bậc phụ huynh, đừng quá nuông chiều các bé để bé sinh hư và đừng “khoán trắng” chuyện dạy dỗ bé cho nhà trường mà phải luôn nhớ câu nói cửa miệng của ông bà ta: Dạy con từ thuở lên ba!

 Mở trường không phải vì tiền

Vẫn biết rằng đóng góp của mảng ngành mầm non tư thục là rất lớn, nhưng các trường mầm non tư thục “bùng phát” tự do như hiện nay quả là điều đáng lo. Ông Trần Đăng Nam, Trưởng phòng Giáo dục TX.Dĩ An, nơi có cả trăm trường mầm non tư thục, băn khoăn: “Đây là hình thức xã hội hóa giáo dục, đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh để họ yên tâm tham gia lao động sản xuất mà hệ thống trường công chưa đáp ứng nổi. Các trường mầm non tư thục tiện lợi là gần khu công nghiệp, địa bàn dân cư, nhà trọ công nhân... nên đáp ứng được nhu cầu của đa số phụ huynh là công nhân. Giờ giấc của trường mầm non tư thục cũng rất linh hoạt, giúp công nhân làm việc thông tầm, mức phí cũng vừa phải với túi tiền của công nhân tạo được ưu thế so với trường mầm non công lập. Tuy nhiên, hệ thống trường mầm non tư thục cũng còn nhiều tồn tại cần chấn chỉnh, nhiều nơi diện tích còn chật hẹp, tạm bợ...”.

Theo cô Mỹ Tiên thì đa số phụ huynh gửi con vào các trường mầm non tư thục đều là công nhân lao động nghèo. Vì vậy, những người bỏ tiền xây trường là do tâm huyết với nghề, chứ rất khó thu hồi vốn, nói chi đến lợi nhuận. Còn cô Thuận thì cho biết xây dựng trường đã 7 năm, nhưng đến giờ mỗi tháng chỉ dư ra được 5 - 3 triệu sau khi trang trải các thứ! Tiền thu được không nhiều nhưng tình cảm thì nhiều lắm. “Tôi không có chồng, con nên mở trường là để được chăm sóc cháu làm vui tuổi già. Cứ nhìn các cháu cười nói hay lễ phép chào là tôi cảm thấy hạnh phúc”, cô Thuận nói.

Nói như cô Thuận mở trường là do “thương cháu”, còn cô Mỹ Tiên là do “tâm huyết”, cho thấy đây là mô hình đầu tư hết sức đặc biệt, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội, không tính toán lời lỗ nhiều như các ngành nghề khác. Các “nhà đầu tư” ngành này đang bỏ vốn, bỏ công chăm chút cho sự nghiệp trồng người, vì vậy rất cần được địa phương quan tâm hỗ trợ.

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo, đến đầu năm 2012, toàn tỉnh có 92 trường mẫu giáo tư thục được cấp phép, thu hút hàng chục ngàn cháu theo học. Còn lại hàng trăm trường, nhóm mẫu giáo tư thục đang hoạt động chưa được cấp phép, do chưa hội đủ các điều kiện về diện tích lớp học, sân chơi...

 

BẢO ANH