Chuyện những người hy sinh thầm lặng

Thứ hai, ngày 23/07/2012

Bài 1: “Canh” giấc ngủ cho các liệt sĩ

Đến với nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) các huyện, thị, tỉnh hôm nay, chúng ta có thể nhận thấy sự khang trang đẹp đẽ của các khu mộ, phần mộ, các nhà bia ấm cúng và những hàng cây xanh tươi... Đồng hành với đó là hình ảnh của những người quản trang luôn cần mẫn, tỉ mỉ với công việc của mình, như là một sự tri ân với những anh hùng đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc...

...Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 6 NTLS ở các huyện, thị (Bến Cát, Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Dĩ An, NTLS tỉnh). Các cán bộ quản trang hầu hết từng trực tiếp tham gia kháng chiến, hoặc có người thân trong gia đình đã anh dũng hy sinh... Do đó, đối với họ chăm sóc tốt các phần mộ LS không chỉ để hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà còn thể hiện sự tri ân đến những đồng đội, đồng chí, những người thân đã mãi mãi “yên nghỉ” để thế hệ sau có cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. 

Ông Nguyễn Văn Xuân trầm ngâm trước những phần mộ của các anh hùng liệt sĩ

Chăm sóc NTLS cần có cái tâm

Tại NTLS huyện Tân Uyên, 2.368 mộ LS thường xuyên được khói hương tưởng nhớ, khuôn viên nghĩa trang sạch sẽ, không khí ấm áp và trang nghiêm... đó là nhờ công của ông Lê Hoàng Phương (SN 1961, tại phường Bình Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Hơn 15 năm nay, bất kể ngày mưa hay nắng ông vẫn dốc lòng “canh” giấc ngủ cho các LS. Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông bà ngoại, cậu, chú đều trực tiếp tham gia kháng chiến và đã anh dũng hy sinh. Tuy nhiên, không may mắn cho ông từ nhỏ đã bị thương tật ở mắt nên không được thoát ly tham gia kháng chiến.

Năm 1998, nghĩa trang Tân Uyên được đầu tư xây dựng và cũng trong năm đó ông được nhận vào làm quản trang. “Để làm tốt công tác không đơn giản mà là phải có một cái tâm, một tình yêu đối với các chiến sĩ đã hy sinh”, ông Phương nói. Công việc thường ngày của ông là nhổ cỏ, quét dọn, hương khói cho các phần mộ LS, bố trí hướng dẫn việc quy tập hài cốt LS vào nghĩa trang, hướng dẫn các thân nhân tìm mộ LS...  Ngày làm việc của ông bắt đầu lúc 5 giờ sáng và kết thúc lúc 20 giờ. Những hôm mưa to, gió lớn, ông lặn lội ra nghĩa trang bởi sợ mưa gió, sợ cây gãy rơi vào phần mộ của các anh. Ông nói: “Tôi nghĩ, nghĩa trang cần hơi người hơn là hương khói, nhưng thời tiết xấu thì ít ai đến thăm, nên tôi cứ vòng đi, vòng lại để các LS dưới kia biết có người vẫn luôn ở bên họ”.

Theo chân ông đi một vòng khắp nghĩa trang mới thấy hết sự tận tâm của người quản trang này. Từ việc ông kể cho tôi nghe về cách bố trí các phần mộ, tên tuổi, những câu chuyện tưởng chừng như thần thoại của các chiến sĩ mà ông đã được nghe kể lại. Trong số 2.368 mộ LS, có 1.242 mộ có tên, những phần mộ có tên đều được ông ghi chép rất tỉ mỉ từ tên tuổi, ngày sinh, đơn vị đóng quân, năm hy sinh. Ông kể, lúc mới làm ở nghĩa trang, khi thân nhân đến tìm mộ LS, tôi không biết nên phải dẫn đi lòng vòng để tìm rất mất thời gian. Do đó, ông đã tự sắp xếp thời gian cho mình để ghi lại vị trí, tên tuổi, quê quán, năm hy sinh... và tự vẽ sơ đồ các phần mộ LS để khi cần có thể đến ngay phần mộ các LS đó.

Tri ân những đồng đội đã yên nghỉ

Chia tay với ông Lê Hoàng Phương, chúng tôi đến thăm NTLS Bến Cát, nơi người cựu chiến binh Nguyễn Văn Xuân (SN 1933, Quảng Ngãi) hơn 22 năm tiếp nhận công tác quản trang nơi đây. Từng tham gia kháng chiến nên hơn ai hết, ông Xuân hiểu và “cảm” được những khó khăn, nguy hiểm trong quá trình kháng chiến, cũng như nỗi đau khi chứng kiến cảnh đồng đội mình hy sinh. Bởi vậy, khi được giao phó trách nhiệm trông coi NTLS Bến Cát, ông Xuân vui vẻ tiếp nhận và luôn nỗ lực để chăm sóc tốt nơi yên nghỉ của những anh hùng của dân tộc.

Quay ngược thời gian, ông Xuân trầm ngâm, kể: Năm 1950 ông bắt đầu tham gia quân đội chống Pháp. Năm 1954-1958 tập kết ra Bắc và tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau đó, ông trở về làm kinh tế tại Nông trường Bò sữa Ba Vì (Hà Tây). Năm 1975, hòa bình lập lại, ông được chuyển công tác về nông trường của Trung tâm Nghiên cứu trâu sữa và đồng cỏ, thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp), đóng ở xã Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (cũ). Tại đây, ông làm Trưởng phòng bảo vệ an ninh nông trường. Với những chiến công của mình, ông Xuân đã vinh dự nhận được Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng hai, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, 2 huy hiệu chiến sĩ thi đua.

Năm 1990, ông trở về với đời thường bằng đôi chân đã từng băng qua lửa đạn chiến tranh, với những vết thương in dấu trận mạc, mỗi ngày Nguyễn Văn Xuân đều thầm lặng với công việc chăm sóc cho phần mộ các LS tại NTLS. Ngày mới vào nhận nhiệm vụ tại NTLS, dù đã từng là người lính, từng chứng kiến cảnh các đồng đội hy sinh, nhưng khi đứng trước bạt ngàn những ngôi mộ ông cũng có phần “ngại”. Tuy nhiên, ngày ngày làm việc trong nghĩa trang, ông lại yêu hơn mảnh đất này. Chăm sóc mộ LS không những để tri ân những người anh hùng đã ngã xuống, mà còn gợi lại cho ông những ngày tháng chiến đấu anh dũng của bản thân và đồng đội.

Gắn bó với công việc quản trang, hầu như cuộc sống của ông Xuân chỉ xoay quanh những ngôi mộ LS. Do đó, tại NTLS Bến Cát với 3.493 phần mộ, trong đó 1.380 phần mộ có tên, ông thuộc tên và vị trí từng ngôi mộ trong nghĩa trang, thuộc cả quê quán của các anh hùng LS. Hàng ngày, ông quét dọn, làm cỏ, chăm sóc cây xung quanh khuôn viên, đi kiểm tra, lau bụi bặm từng ngôi mộ. Những lúc hoàng hôn buông xuống, ông lại thắp nhang và “trò chuyện” với các LS như trò chuyện với người còn sống. Có bàn tay chăm sóc của người quản trang, những phần mộ LS bớt đi phần hoang vu, cô quạnh.

Hơn 22 năm với công việc quản trang thầm lặng, trong thâm tâm ông nghĩ, mình may mắn hơn đồng đội là còn được sống trở về. Vì thế, ông muốn góp phần nhỏ bé làm nhẹ bớt nỗi đau thương của thân nhân, gia đình LS và là người giữ gìn, truyền lại ngọn lửa yêu nước từ các LS cho tuổi trẻ các thế hệ mai sau.

Có thể thấy, giữa sự bon chen đời thường, sự ồn ào của một đô thị đang vươn mình phát triển. Ở một góc khuất đang có những con người âm thầm, lặng lẽ chăm lo cho giấc ngủ bình yên của những người anh hùng đã hy sinh để giành lại độc lập cho dân tộc. Vào những ngày “tháng 7 tri ân”, tôi đến thăm và ghi lại câu chuyện của những người quản trang như một lời cảm ơn chân thành đến họ.

Bài 2: Chuyện về một liệt sĩ trung kiên

THIÊN LÝ