Chuyện lập nghiệp của một thanh niên xa quê

Thứ bảy, ngày 28/11/2020

(BDO) Rời quê hương Kiên Giang, anh Võ Minh Lý từng làm công nhân, làm thợ hồ, buôn bán online ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương, quyết chí vươn lên lập thân, lập nghiệp. Dù trải qua những thay đổi công việc có lúc không thuận lợi nhưng anh Lý vẫn luôn có tinh thần vượt khó. Đến nay, anh Lý đã tự lập được một xưởng may tại Khu công nghiệp Mỹ Phước III (TX.Bến Cát).


Anh Lý hướng dẫn công nhân may tại xưởng

Đầu năm 2020, khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, công việc buôn bán online của anh Võ Minh Lý không ổn định. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên rất nhiều công nhân cũng phải nghỉ việc vì nhiều công ty ngưng sản xuất. Để tìm hướng thoát khỏi khó khăn trước mắt cho bản thân cũng như nhiều công nhân khác, anh Lý đã hỏi thăm nhiều người tìm nguồn hàng gia công để có nguồn thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho một số bạn công nhân ở Khu công nghiệp Mỹ Phước I, II, III.

Thời điểm bắt đầu nhận may gia công, anh Lý tìm được đơn hàng ở khu vực TX.Tân Uyên và TP.Hồ Chí Minh, may gia công mặt hàng khẩu trang và áo chống dịch. Mỗi tháng, anh Lý trả chi phí thuê 5 máy may khẩu trang, 10 máy may áo chống dịch, mỗi máy có giá thuê từ 500 - 800.000 đồng/tháng. Trừ chi phí thì hai vợ chồng anh còn được 10 triệu đồng.

Dù khó khăn vẫn còn đó, nhưng trong anh luôn có sự nỗ lực không ngừng và cố gắng phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ những thanh niên công nhân xa quê như anh có thêm việc làm tăng thu nhập. Anh Lý nghĩ đến việc mở một xưởng may để ổn định và hướng đến phát triển công việc kinh doanh. Khi ấy, ý nghĩ kinh doanh lại song song với nỗi lo về nguồn vốn đầu tư để mua máy may và thi công xưởng. Hai vợ chồng anh đắn đo, bàn bạc và quyết định vượt khó theo hướng mở xưởng may gia công. Đầu tháng 8-2020, anh vay mượn được một số vốn và đầu tư ban đầu 100 triệu đồng để mua 10 máy may công nghiệp và mở xưởng may gia công Minh Lý.

Xưởng may của anh Lý chủ yếu gia công các mặt hàng khẩu trang, áo khoác, trang phục bảo hộ và đã tạo được việc làm ổn định cho 10 thanh niên công nhân. Với uy tín và chất lượng, xưởng may của anh Lý đã tìm được nhiều đơn hàng từ các công ty may mặc ở khu công nghiệp trên địa bàn TX.Bến Cát. Thu nhập mỗi tháng từ xưởng may đã giúp gia đình anh đủ chi phí trang trải và trả dần số tiền đã vay mượn làm xưởng; đồng thời tạo thu nhập trung bình 5 - 7 triệu đồng/công nhân.

Lập nghiệp bằng việc mở xưởng may, niềm vui anh Lý có được không chỉ là tự chủ kinh tế mà còn có thể giúp anh chị em công nhân khó khăn khác. Anh Lý chia sẻ: “Xưởng may ngày càng phát triển và có nhiều đơn hàng hơn sẽ có thể tạo được nhiều công ăn việc làm cho thanh niên công nhân. Tôi mong muốn mô hình khởi nghiệp này có thể là được nhân rộng để công nhân lao động xa quê có việc làm, cải thiện đời sống”.

Ngoài việc kinh doanh, anh Lý còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tình nguyện Cầu Vồng (thuộc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh). Câu lạc bộ đã tập hợp được nhiều bạn thanh niên công nhân tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng trong các chương trình của trung tâm và tham gia hoạt động thiện nguyện hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Nổi bật là hoạt động tham gia mô hình “Bếp ăn kết nối yêu thương”, nấu ăn sáng miễn phí cho công nhân lao động khó khăn.

Điều đáng quý ở anh Lý là tấm lòng thân ái trong cộng đồng. Xin chúc anh thành công để có thể thực hiện được những điều mong muốn với tinh thần lao động vượt khó của một thanh niên xa quê.

Xưởng may của anh Lý chủ yếu gia công các mặt hàng khẩu trang, áo khoác, trang phục bảo hộ và đã tạo được việc làm ổn định cho 10 thanh niên công nhân. Với uy tín và chất lượng, xưởng may của anh Lý đã tìm được nhiều đơn hàng từ các công ty may mặc ở khu công nghiệp trên địa bàn TX.Bến Cát. Thu nhập mỗi tháng từ xưởng may đã giúp gia đình anh đủ chi phí trang trải và trả dần số tiền đã vay mượn làm xưởng; đồng thời tạo thu nhập trung bình 5 - 7 triệu đồng/công nhân.

 K.TUYẾN