Chuyện làm giàu từ cây lan của ông Thái

Thứ bảy, ngày 19/11/2016

(BDO) Đến trang trại trồng lan của ông Mai Quốc Thái (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một vườn lan rộng đến 6 ha. Ông Thái được biết đến là người đầu tiên mạnh dạn đưa giống lan dendro về trồng tại Bình Dương với diện tích lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Ông Thái bên trang trại hoa lan của gia đình.
Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Tạo sự khác biệt

Ông Mai Quốc Thái, quê Long An, vốn là giảng viên khoa Lâm nghiệp trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh (từ năm 1977-1988). Sau khi rời giảng đường, ông đã chọn Bình Dương để khởi nghiệp. Năm 1999, ông đến xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát (nay thuộc huyện Bàu Bàng) mua đất để trồng cao su và xoài. Thời gian đầu, tuy đã tìm hiểu thông tin thị trường từ trước nhưng vụ xoài đầu tiên ông chịu lỗ nặng do giá trên thị trường sụt giảm mạnh. Tuy vậy, ông vẫn kiên trì tìm cho mình một hướng đi khác phù hợp.

Năm 2003, ông Thái tiếp tục mua 52 ha đất trồng cao su tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Dù có trong tay số lượng lớn diện tích cao su, lợi nhuận ròng tiền tỷ mỗi năm nhưng ông vẫn chưa muốn dừng bước. Ông luôn nghĩ rằng cần phải tạo sự khác biệt bằng nhiều loại cây trồng khác có tỷ suất lợi nhuận cao hơn cả cây cao su. Nghĩ là làm, năm 2009, ông cùng các thành viên trong gia đình quyết tâm đi học tập kinh nghiệm trồng lan tại các vườn lan lớn trong khu vực Đông Nam bộ và sang tận cả Thái Lan.

Chia sẻ về việc chọn giống lan dendro để trồng, ông Thái cho biết, ở Việt Nam ít người trồng loại lan này vì khó trồng hơn so với lan mokara (loại lan trồng dưới đất). Mặc dù giá cây giống rẻ hơn lan mokara nhưng tính luôn cây con và chi phí làm giàn trồng thì lan dendro có chi phí ít hơn. Khác với những loại lan trồng dưới đất hoặc trồng bằng xơ dừa, vườn lan của ông chủ yếu trồng bằng than và trồng trên giàn, do vậy phải đầu tư khá kỹ để xây dựng hệ thống vỉ đựng, chậu và mái che.

Cần sự đầu tư nghiêm túc

Ông Thái chia sẻ, khi vườn lan cho thu hoạch với sản lượng tương đối nhiều, ban đầu ông phải tự đem cây và hoa đi chào bán tại các chợ đầu mối. Sau khi tạo được niềm tin với khách hàng, thị trường tiêu thụ đã ổn định, trang trại của gia đình ông cung cấp cả hoa và chậu lan trưởng thành cho các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh.

Đến nay vườn lan của ông Thái đã phát triển lên đến 6 ha, với quy mô hơn 1 triệu cây. Ông cho biết, quá trình trồng và chăm sóc lan kéo dài khoảng 8 tháng là có thể cho thu hoạch hoa đợt đầu tiên. Hoa lan hiện được ông bán với giá từ 20.000 - 40.000 đồng/bó (50 bông), tùy loại; lan chậu trưởng thành được bán với giá từ 29.000 - 40.000 đồng/chậu. Mỗi năm ông Thái thu lãi khoảng 3,6 tỷ đồng từ hoa lan. Trang trại lan của ông còn tạo việc làm cho 27 lao động địa phương với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Ông cũng đang chuẩn bị xuất ra thị trường hơn 600.000 cây lan vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu sắp tới.

Mô hình trồng lan dendro đã cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng đối với ông Thái vẫn chỉ là sự khởi đầu. Ông luôn quan niệm: Muốn làm việc gì thì phải có lòng đam mê và sự quyết tâm cao. Muốn thành công về lâu dài thì phải chịu khó đầu tư ban đầu, không nên vì lợi ích trước mắt mà phá hỏng cả dự án lớn.

Hiện nay, ông Thái còn trồng 25 ha bưởi và cam các loại tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng. Ông đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để tự kéo đường dây điện dài 4km đường điện trung thế và hạ thế để phục vụ cho quá trình đầu tư trồng bưởi. Tại đây, ông đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

 

QUỲNH NHIÊN