Chuyện khó quên của Đội nữ pháo binh Châu Thành

Thứ năm, ngày 02/05/2013

Nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đội nữ pháo binh (phân hiệu C4) huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (cũ) đã tổ chức buổi họp mặt tại Tân Uyên để ôn lại truyền thống hào hùng một thời cùng nhau kề vai sát cánh chiến đấu ở rừng Vĩnh Lợi. Sau nhiều năm gặp lại, họ đã kể những câu chuyện khó quên về chiến trường, về đồng đội, về những người ngã xuống. Họ thật sự là những phụ nữ xứng đáng với 8 chữ vàng mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã phong tặng cho phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Bài 1: Cuộc hội ngộ khó quên

Lần đầu tiên chúng tôi được nghe những người phụ nữ kiên trung, quả cảm của Đội C4 kể về những câu chuyện khó quên của mình. Nhiều câu chuyện đã cách đây 40 năm nhưng đối với những chiến sĩ Đội C4 thì như mới hôm nào…

Tay bắt mặt mừng

Hôm đó, buổi họp mặt thiếu một vài người do bị bệnh không đến được nhưng không khí buổi họp diễn ra trong niềm vui, tay bắt mặt mừng và đầy ắp nghĩa tình tại nhà bà Lê Thị Tuyết, Đội trưởng Đội C4 ở xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên. Gặp lại nhau, quá khứ cứ ùa về trong họ, ký ức một thời của tuổi thanh xuân đã hiện về đầy sống động và còn nguyên vẹn. Bà Trương Thị Dung (SN 1955), từ Thủ Đức, TP.HCM đã chạy xe gắn máy mấy chục cây số về họp mặt để gặp lại đồng đội xưa, cùng ăn những món ăn truyền thống và hàn huyên tâm sự chuyện chiến đấu và cuộc sống đời thường.

Các nữ pháo binh huyện Châu Thành (cũ) gặp gỡ, tay bắt mặt mừng nhân dịp chào mừng kỷ niệm 38 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước

Bà kể, hồi đó, mới 16 tuổi, tôi đã thoát ly tham gia cách mạng, là thành viên Đội C4. Thời đó, chị em chúng tôi tuy còn trẻ nhưng chiến đấu quả cảm lắm, nhiều khi đi hành quân gặp trái gài của địch nhưng bằng sự dũng cảm, sự quyết tâm nên chúng tôi đã vượt qua khó khăn, thử thách để ngày hôm nay còn gặp lại nhau. Còn bà Phan Thị Lan, ngụ TP.Thủ Dầu Một cũng vậy, hôm gặp lại được những đồng đội của mình năm xưa, cảm giác của bà vui sướng lắm. Ông Lê Hoàng Phong, một trong số ít nam giới của Đội C4 cũng lặn lội từ Bình Phước về gặp lại những đồng đội cũ. Ông nói một cách thân thương: “Mấy đứa này hồi đó, đứa nào cũng dễ thương. Bây giờ đứa nào cũng có con cái và cháu nội, ngoại nhưng khi về đây gặp lại thì kỷ niệm cứ tuôn trào…”.

Ông Hoàng Phong đang ngập ngừng tâm sự, những tiếng nói của các nữ chiến sĩ Đội C4 ngày nào chốc chốc lại vang lên, “Đội phó của tôi đó. Ông này là một trong số ít đàn ông của Đội C4 do cấp trên tăng cường về cho chúng tôi. Hồi đó, tôi đã từng chăm sóc cho ổng khi bị trúng đạn” - nữ y tá, kiêm chiến sĩ của Đội C4 Nguyễn Thu Hồng, ngụ thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên cho biết. Bà Hồng nói tiếp, hàng năm chúng tôi đều duy trì cuộc hội ngộ này để chị em có dịp ngồi lại với nhau. Hồi đó, trong lúc chiến đấu, tụi tôi coi nhau như anh em ruột thịt. Mỗi một đồng chí như một khúc ruột của Đội C4, mỗi người nằm xuống đều là khúc ruột của đội nữ chúng tôi nên ai cũng xót xa và đau khổ.

Những kỷ niệm khó quên

Tại cuộc hội ngộ này, điều chúng tôi cảm nhận được ở những người lính Đội C4 là họ đều là những bông hoa đẹp ngày nào và dù là nữ họ vẫn rất hiên ngang đánh giặc. Cách đây 40 năm, lúc đó, tất cả họ là những người lính trẻ, sung mãn tuổi thanh xuân nhưng họ đã hy sinh tất cả để chiến đấu nơi rừng sâu nước độc. Chuyện về cái hố đầu lâu hay những ngày cùng ăn củ mài, củ chụp nhưng khí thế đánh giặc vẫn tưng bừng luôn hiện về trong họ. Bà Lê Thị Tuyết, Đội trưởng Đội C4 kể, lúc chiến đấu trong rừng sâu nước độc, chúng tôi luôn tìm mọi cách để động viên chị em phụ nữ. Bây giờ cũng vậy, mặc dù chị em ai cũng có cuộc sống riêng nhưng mỗi lần gặp lại, chúng tôi cùng nhau kể về những câu chuyện khó quên ngày nào.

Bà Tuyết cho biết, là nữ mà tham gia chiến đấu thì gặp muôn vàn khó khăn hơn nam giới. Do vậy, chuyện chị em đốt lửa hơ quần áo cho khô lại để mà mặc, tiếp tục chiến đấu trở thành những câu chuyện khó quên trong đời của chúng tôi. Tuy nhiều câu chuyện đời thường là vậy, nhưng trong nhiều trận đánh lớn nhỏ, Đội C4 chúng tôi đã kết hợp với các lực lượng khác của chiến khu chiến đấu quả cảm, lập nên nhiều chiến tích hiên ngang, góp phần vào thắng lợi chung cuộc của tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ. Do vậy, tôi chỉ mong muốn các thế hệ trẻ hôm nay phải noi gương các chú, các bác, phải cố gắng học tập, sáng tạo, làm rạng danh quê hương, Tổ quốc. (Còn tiếp)

Ngày 17-5, họp mặt cựu chiến binh kháng chiến huyện Châu Thành - Chiến khu Vĩnh Lợi

Ban liên lạc truyền thống kháng chiến huyện Châu Thành - Chiến khu Vĩnh Lợi vừa tổ chức cuộc họp trù bị để thống nhất việc tổ chức buổi họp mặt truyền thống kháng chiến huyện Châu Thành - Chiến khu Vĩnh Lợi lần thứ 8 diễn ra tại Trung tâm thành phố mới Bình Dương.

Ông Phan Văn Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban liên lạc truyền thống kháng chiến huyện Châu Thành -Chiến khu Vĩnh Lợi cho biết, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Chiến khu Vĩnh Lợi chính là cái nôi cách mạng của huyện Châu Thành, nơi đây đã có trên 1.000 chiến sĩ cách mạng đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và hơn 950 chiến sĩ bị thương tật. Tất cả họ đã đem máu xương của mình dâng hiến cho Tổ quốc để làm rạng rỡ vùng đất Châu Thành.

Theo ông Hiếu, với những chiến công vang dội, 14 xã của huyện Châu Thành (cũ) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương xây dựng lại khu di tích lịch sử Chiến khu Vĩnh Lợi để tưởng nhớ công lao to lớn của những người đã chiến đấu, hy sinh cho nền độc lập dân tộc. Đến nay, khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi đã sắp hoàn thành. Nơi đây sẽ giúp cho thế hệ trẻ luôn ghi nhớ các anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, vun đắp lý tưởng, truyền thống cách mạng anh hùng cho các thế hệ trẻ.

  H.V

 

SÔNG TRÀ