Chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước

Thứ ba, ngày 09/11/2021

(BDO)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng phát biểu. (Ảnh: Trọng Đứ/TTXVN)

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta phải đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ tư vô cùng phức tạp, lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố.

Đến nay, dịch đã xảy ra trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Song, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự chỉ đạo quyết liệt, quyết đoán, sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt được những kết quả tích cực.

Đây là đánh giá của các đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc sáng 9/11, tiếp tục ngày thứ hai thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nhiều giải pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả

Theo các đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa), Lò Thị Luyến (Điện Biên), Lê Văn Dũng (Quảng Nam)… trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, đất nước gặp nhiều khó khăn, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Trong đó có thể kể đến nhiều chương trình, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được Quốc hội hội và Chính phủ đồng lòng triển khai đã thực sự là động lực quan trọng để cử tri và nhân dân vững tin vào tương lai tươi sáng của đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã chủ động đẩy mạnh ngoại giao vaccine, thuốc điều trị. Nhiều giải pháp phòng, chống dịch được Chính phủ chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả, đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn trong đại dịch, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đất nước ta đang chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng đánh giá, công tác phòng, chống dịch còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như công tác dự báo tình hình, chỉ đạo phòng, chống dịch ở một số địa phương còn lúng túng, việc ban hành quy định thủ tục hành chính ở một số địa phương không nhất quán, gây khó khăn cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở nhiều địa phương còn thấp.

Đại biểu Mai Văn Hải chỉ ra rằng sau đợt dịch lần thứ tư, người dân lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam trở về quê đông, khó kiểm soát và quản lý, có nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh phức tạp, số ca mắc những ngày gần đây vẫn tăng, chi phí xét nghiệm còn nhiều bất cập, hạn chế.

Nhanh chóng có đủ vaccine bao phủ toàn dân, tiếp cận thuốc đặc trị COVID-19

Theo đại biểu Lò Thị Luyến, thực hiện mục tiêu kép, Chính phủ chủ trương thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19. Cử tri rất đồng thuận, ủng hộ, đây là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam, vì chúng ta có quan hệ rộng mở với hầu hết các nước, độ mở nền kinh tế cũng rất lớn.

Để phòng, chống dịch hiệu quả, đại biểu cho rằng có 3 yếu tố quan trọng Chính phủ cần quan tâm. Yếu tố đầu tiên được đại biểu đề cập là nhanh chóng có đủ vaccine bao phủ toàn dân, kể cả đối tượng là trẻ nhỏ, khi đó, dù nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh cũng chỉ ở thể nhẹ và không nguy hiểm đến tính mạng.

Yếu tố thứ hai là sớm phổ biến những thuốc đặc trị như Molnupiravir, Remdesivir hiện nay đang được thử nghiệm và được đánh giá rất tốt, giúp người bị nhiễm SARS-CoV-2 nhanh chóng khỏi bệnh trong vòng từ 5 đến 7 ngày. Có đủ hai yếu tố này, chúng ta khá yên tâm để sống chung với COVID-19 theo phương châm mới của Chính phủ.

Yếu tố thứ ba, theo đại biểu Lò Thị Luyến, Chính phủ cần có giải pháp để từ năm 2022 Việt Nam chủ động được nguồn vaccine theo nhu cầu, đặc biệt là nguồn vaccine trong nước, “để chúng ta không phải vất vả chạy vạy ngược xuôi như thời gian vừa qua, đồng thời giảm được chi phí mua vaccine.”

Cũng quan tâm đến vấn đề vaccine, đại biểu Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) nhận định thời gian tới, đại dịch COVID-19 dự báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, nhiều bất định, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm, đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ còn yếu, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, sớm triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng.

Đồng thời, quan tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu, bào chế và sản xuất vaccine trong nước để chúng ta có thể chủ động nguồn cung, tự chủ vaccine trong việc thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Đại biểu này cũng cho rằng cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở, có cơ chế để huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương chuẩn bị và triển khai thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, chú trọng đến phương án cung ứng lao động trong và sau các làn sóng dịch cho các doanh nghiệp, nhất là các tỉnh Đông Nam Bộ, do một lượng lớn lao động đã dịch chuyển từ các tỉnh, thành phố lớn về quê.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, cũng như cải cách, hoàn thiện thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, gồm cả thể chế phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.

Còn đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo sớm đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để có điều chỉnh phù hợp, giảm số ca mắc, số ca tử vong trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Nêu thực tế người từ các tỉnh phía Nam trở về quê dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng nguy cơ mang mầm bệnh rất cao, một số được cách ly tại nhà, nhưng do điều kiện gia đình và ý thức hạn chế nên khi nhiễm bệnh đã lây cho người thân và người xung quanh, dẫn đến phát sinh các ổ dịch khó kiểm soát, đại biểu đề nghị khuyến khích cách ly tập trung ở những nơi có điều kiện để đảm bảo phòng, chống dịch, không lây lan cho cộng đồng.

Đại biểu Mai Văn Hải cũng cho rằng kinh phí cho việc xét nghiệm sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao là rất lớn, nhất là tại các bệnh viện. Nếu không có giải pháp thu một phần hoặc toàn bộ đối với xét nghiệm sàng lọc các đối tượng nêu trên sẽ là gánh nặng cho các cơ sở khám, chữa bệnh và ngân sách địa phương.

Giải pháp phòng, chống dịch phải kịp thời, đồng bộ và hiệu quả

Đề xuất một số nội dung để sớm phục hồi nền kinh tế, hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam) cho rằng trong 16 chỉ tiêu chủ yếu và 12 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ngày 9/11. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tập trung quyết liệt hơn nữa công tác phòng, chống dịch, nhất là các giải pháp thích ứng trong tình hình mới. Giải pháp phòng, chống dịch phải kịp thời, đồng bộ và hiệu quả, tránh mỗi địa phương làm một kiểu, dẫn đến lúng túng, bị động.

“Có thể lấy ví dụ điển hình như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch kiểu mạnh ai nấy làm, mỗi ngành, mỗi địa phương một app khai báo, không ai chấp nhận của ai, gây khó khăn và bức xúc cho người dân,” đại biểu chỉ rõ.

Qua đó, đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Chính phủ áp dụng đồng bộ việc ứng dụng công nghệ khai báo y tế phòng, chống dịch, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân, đẩy nhanh tiến độ phân bổ đồng đều và tiêm vaccine; chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện chu đáo, kịp thời các gói hỗ trợ của Nhà nước cho người dân và doanh nghiệp.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch và đầu tư phát triển, tránh lãng phí nguồn lực, đại biểu đề nghị Quốc hội đồng ý và ghi vào nghị quyết cho các tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho đầu tư phát triển, với điều kiện cam kết đảm bảo nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch và cải cách tiền lương theo lộ trình. Hiện nay, nhiều tỉnh sau khi cân đối đủ nguồn cải cách tiền lương vẫn còn dư khá lớn ngân sách nhưng không được chi cho đầu tư phát triển, gây lãng phí nguồn lực.

Đồng thời, đại biểu nêu quan điểm hạ tỷ lệ điều tiết nguồn vượt thu từ 70% xuống 50% nhằm tạo điều kiện cho các địa phương tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước cho rằng “cái giá mà chúng ta phải trả cho đợt phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua là không hề nhỏ, buộc chúng ta phải suy ngẫm và có giải pháp thực tế, quyết liệt hơn để củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế đồng bộ, đủ mạnh, có tính bao phủ để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch hiệu quả.”

Qua đại dịch lần này chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn vai trò quan trọng của chính quyền cấp cơ sở. Bày tỏ đồng tình cao với chủ trương của Chính phủ là lấy xã làm pháo đài, đại biểu nhận định, hệ thống chính trị cấp xã là lực lượng rất quan trọng, trực tiếp triển khai chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác phòng, chống dịch. Thực tiễn cũng đã chứng minh chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn.

“Bên cạnh lực lượng y, bác sỹ, những người tham gia tuyến đầu chống dịch, chúng ta cũng cần dành sự cảm ơn, ghi nhận công lao của những người cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cơ sở. Nêu vấn đề này để đánh giá tầm quan trọng của chính quyền cấp xã. Trong hoàn cảnh lịch sử nào, làng xã cũng đóng vai trò rất quan trọng,” đại biểu nói và đưa ra những đề xuất sửa đổi quy định hiện hành để động viên, thu hút người tài, người tâm huyết, có trách nhiệm cao về công tác ở xã./.

Theo TTXVN