Chuyên gia nói về mục đích cuộc tập trận chung TQ-Thái Lan-Malaysia
(BDO)
Một góc Eo biển Malacca. (Ảnh: THX/TTXVN)
South China Morning Post đưa tin, theo giới phân tích, Trung Quốc và Mỹ đang trong vòng xoáy cạnh tranh ngoại giao quân sự mới ở Đông Nam Á trong tuần này, giữa lúc Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng lòng tin với các nước láng giềng.
Một cuộc tập trận hải quân chung sẽ được tổ chức trong tuần này giữa Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan tại Eo biển Malacca, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Singapore và Việt Nam, bắt đầu từ ngày 15/10.
Trong chuyến thăm, ông Mattis sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước ASEAN ở Singapore cũng như gặp các nhà lãnh đạo chủ chốt nhằm tái khẳng định quan hệ quốc phòng.
Dự kiến, Trung Quốc sẽ điều 3 tàu khu trục, 2 trực thăng hải vận, 3 máy bay vận tải Il-76 và 692 quân nhân tới tham gia cuộc tập trận kéo dài 9 ngày mang tên Hòa bình và Hữu nghị 2018.
Cuộc tập trận sẽ bắt đầu vào ngày 20/10 tới, diễn ra ngoài khơi cảng Dickson và cảng Klang ở Malaysia. Đây là lần thứ hai Trung Quốc tham gia tập trận ở Eo biển Malacca, khu vực nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, cuộc tập trận nhằm thể hiện ý chí chung của các lực lượng vũ trang ba nước, với mục đích duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông, tăng cường trao đổi và hợp tác thiết thực, cũng như tăng cường khả năng phản ứng trước nhiều mối đe dọa an ninh khác nhau.
Bộ Quốc phòng khẳng định: “Cuộc tập trận không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.”
Cuộc tập trận diễn ra giữa lúc cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, xoay quanh sự đối đầu giữa hải quân hai nước ở khu vực Biển Đông tranh chấp.
Hồi tháng trước, một tàu chiến Mỹ và một tàu chiến Trung Quốc đã suýt va chạm nhau ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa.
Giới quan sát quân sự và ngoại giao nhận định, cuộc tập trận ba bên này là một cách để chứng tỏ các nước châu Á và Trung Quốc có thể phối hợp với nhau trong các vấn đề quốc phòng và an ninh, nhất là tại các khu vực ít nhạy cảm hơn.
Chuyên gia Collin Koh nghiên cứu an ninh hàng hải ở trường Đại học Công nghệ Nanyang nhận xét: “Đối với Malaysia và Thái Lan, đây là cách chứng tỏ việc xây dựng lòng tin với Trung Quốc và là tín hiệu cho thấy họ không chọn đứng về phe nào giữa các cường quốc kình địch nhau ở Biển Đông.
Ý định của họ sẽ là thể hiện quyết tâm thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực với bất kỳ ai mong muốn làm điều đó.
Trung Quốc sẽ coi đây là cách để chứng tỏ, nước này có thể bảo vệ hòa bình và ổn định cùng với các nước châu Á và dĩ nhiên Bắc Kinh có thể xem đây là cái cớ để phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông.”
Chuyên gia Zhang Jie nghiên cứu vấn đề Biển Đông thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng cuộc tập trận có thể giúp Trung Quốc cải thiện hợp tác quân sự với các nước châu Á.
Theo chuyên gia này, một mối quan hệ ổn định giữa Trung Quốc và các nước châu Á sẽ giúp cho Bắc Kinh thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như trao quyền cho Trung Quốc khi cạnh tranh với Mỹ trong khu vực./.
Theo TTXVN