Chuyên gia Australia ấn tượng với chính trị và kinh tế Việt Nam trong năm 2024
(BDO) Giáo sư Carl Thayer bày tỏ ấn tượng với Việt Nam trong năm 2024 đã duy trì được sự ổn định chính trị và đạt nhiều sự thành công về kinh tế với tốc độ tăng trưởng được dự báo đạt từ 6,1-7%.
Cảng quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
“Việt Nam đã duy trì được sự ổn định chính trị và thành công về kinh tế trong năm 2024,” đó là nhận định của Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales khi trả lời phỏng vấn của phóng viên tại Sydney về những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong năm qua.
Theo Giáo sư Thayer, mặc dù trong năm 2024 đã có những thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo nhưng Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định chính trị và hoàn thiện ban lãnh đạo theo đúng các quy trình chính trị và Hiến pháp. Chính vì vậy, Việt Nam đã củng cố được lòng tin của người dân và các nhà đầu tư quốc tế.
Có thể nói, Việt Nam đang tiến bước một cách suôn sẻ, đồng thời lên kế hoạch cho đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng, từ cấp Trung ương đến địa phương, tiếp nối di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xây dựng Đảng và hướng tới tương lai.
Tuy nhiên, điều khiến Giáo sư Thayer thực sự ấn tượng chính là những thành công của nền kinh tế Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng được dự báo đạt từ 6,1-7% trong năm 2024.
Sản lượng công nghiệp, thương mại và xuất khẩu đều tăng đáng kể. Giữa năm 2024, Việt Nam cũng đã tăng lương tối thiểu cho người lao động. Đặc biệt, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát và duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Giáo sư Thayer nhắc lại, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói về 15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội ở Việt Nam, trong đó 14 chỉ tiêu đã đạt được mục tiêu đề ra. Giáo sư Thayer cho rằng đó là một thành tích tốt.
Hướng tới năm 2025, Giáo sư Thayer nhận định dù sẽ tập trung cho các cuộc bầu cử, song Việt Nam vẫn cần ưu tiên giữ vững những đột phá đã đạt được trong năm 2024, đồng thời cải thiện, cải cách thể chế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo Giáo sư Thayer, năm 2025 sẽ là năm Việt Nam đặt trọng tâm mạnh mẽ vào nền kinh tế.
Về lĩnh vực đối ngoại, năm 2024, Việt Nam đã tiến hành nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Australia (tháng 3/2024), Pháp (tháng 10/2024), Malaysia (tháng 11/2024).
Giáo sư Carl Thayer cho rằng đó là một sự đột phá của ngành ngoại giao Việt Nam, tất cả đều nằm trong chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, khi Việt Nam đã phát triển hàng chục mối quan hệ đối tác và đối tác chiến lược toàn diện với các nước.
Những thành công ngoại giao đó đã khiến vị thế của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói riêng và trên thế giới nói chung được nâng tầm mạnh mẽ.
Về quan hệ Việt Nam-Australia, Giáo sư Thayer nhận định đây là một mối quan hệ có chiều sâu.
Trong năm 2024, hai bên đã tiến hành các cuộc họp cấp bộ trưởng thương mại, an ninh, năng lượng và khoáng sản. Hai bên cũng đã tổ chức đối thoại nhân quyền lần thứ 19, thảo luận các vấn đề từ sức khỏe cộng đồng, khả năng phục hồi và giảm thiểu biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân...
Có thể thấy danh sách hợp tác giữa hai nước còn rất nhiều. Bên cạnh đó, hai nước đã đề ra một kế hoạch hành động kéo dài nhiều năm, thể hiện sự bền vững của mối quan hệ.
Giáo sư Thayer cho rằng Australia có thể giúp Việt Nam hiện đại hóa quân đội ở những khía cạnh nhất định và ngược lại, Australia có thể học hỏi từ Việt Nam.
Trong tương lai, Australia có thể thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn và các nhiệm vụ nhân đạo, với sự hợp tác của Việt Nam. Đó sẽ là một bước đột phá lớn.
Giáo sư Carl Thayer trả lời phỏng vấn của phóng viên tại Australia.
Giáo sư Thayer đánh giá hoạt động gìn giữ hòa bình sẽ là nội dung quan trọng như một phần của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; đồng thời dự báo rằng có thể trong thời gian tới, Australia không chỉ hỗ trợ Việt Nam di chuyển lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình, mà còn hỗ trợ nhiều năng lực khác nhau cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở nước ngoài. Đó là một điểm sáng trong mối quan hệ song phương.
Theo Giáo sư Thayer, năm 2025, tại Australia sẽ diễn ra bầu cử, song điều đó cũng không làm thay đổi mối quan hệ song phương vì cả hai đảng tại quốc gia châu Đại Dương này đều ủng hộ mối quan hệ với Việt Nam.
Về vấn đề nhân quyền, Giáo sư Thayer cho biết Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có 47 thành viên được chia thành 5 nhóm địa lý. Hai nhóm lớn nhất là châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương, đều với 13 thành viên.
Việt Nam là đại diện của châu Á-Thái Bình Dương được bầu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây là lần thứ hai Việt Nam được bầu vào vị trí này. Các nước chỉ có thể có tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Tương tự, Việt Nam cũng đã được Đại hội đồng bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều đó cho thấy cộng đồng quốc tế rất ủng hộ Việt Nam.
Giáo sư Thayer nhận định tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam đã giảm mạnh. Cộng đồng LGBQ được bảo vệ tốt ở Việt Nam. Việt Nam cũng đảm bảo bình đẳng giới, các mục tiêu phát triển bền vững, y tế cộng đồng, giáo dục, cách đối xử với các dân tộc thiểu số… đó chính là quyền con người./.
Theo TTXVN