Chuyển đổi từ... tư duy
(BDO) Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng phát triển tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền các cấp. CĐS không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy. Việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, nhất là đối với người đứng đầu đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất quan tâm đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số đã có nhiều bước đột phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình CĐS của tỉnh còn bộc lộ khó khăn, hạn chế khi một số lãnh đạo, cán bộ công chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của CĐS. CĐS trong một số ngành, lĩnh vực còn chậm, như y tế, giáo dục, nông nghiệp, thương mại, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải...
Phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm, tiếp cận ứng dụng công nghệ số, các nền tảng công nghệ phục vụ CĐS. Do đó, phát triển kinh tế số của tỉnh dừng lại ở quy mô nhỏ, giá trị thấp. Nguồn nhân lực, nguồn kinh phí dành cho ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS còn hạn chế. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn nhiều khó khăn, thách thức...
Để CĐS thành công, trước hết cần phải có sự vào cuộc và hành động quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành. Trước mắt, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về tính cấp thiết của CĐS; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả CĐS trong cơ quan, đơn vị, địa bàn phụ trách.
Hiện tỉnh đang tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng sẵn sàng tham gia vào quá trình CĐS; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào tỉnh; tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin. Tỉnh cũng đã xây dựng trung tâm điều hành thông minh, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp dễ dàng khai thác, truy cập, sử dụng, phòng, chống tham nhũng.
Với một thành phố trẻ như TP.Tân Uyên, CĐS hướng đến đô thị thông minh là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội lớn. TP.Tân Uyên hội tụ đủ các yếu tố để có thể thúc đẩy nhanh quá trình CĐS. Trong đó, sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân chính là yếu tố quan trọng. Song song đó, các yêu cầu đặt ra trong xã hội về sự cần thiết của CĐS phục vụ cho quá trình phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, xây dựng làng thông minh, phát triển du lịch cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến quá trình CĐS của địa phương này. Tin rằng, trong xu hướng chung của xã hội, sự quyết tâm, đồng thuận của chính quyền và nhân dân cũng như xuất phát từ yêu cầu thực tế, TP.Tân Uyên sẽ có những bước đi đột phá mạnh mẽ hơn trong CĐS trong thời gian tới.
HOÀNG LINH