Chuyển đổi số ngành giáo dục - đào tạo: Chủ động bắt nhịp, tạo bước đột phá

Thứ năm, ngày 25/04/2024

(BDO) Nhận thức rõ vai trò then chốt của giáo dục trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bình Dương đã xác định chuyển đổi số (CĐS) ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là nhiệm vụ trọng tâm, là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành GD&ĐT Bình Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả và có những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, dạy và học.

 Bài giảng điện tử được giáo viên xây dựng tạo hứng thú học tập cho học sinh. Trong ảnh: Một tiết học của giáo viên và học sinh trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Thủ Dầu Một

 Đột phá tạo dấu ấn

Trước sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ, CĐS trở thành xu hướng tất yếu của xã hội nói chung và giáo dục nói riêng. Hòa trong xu thế ấy, dù phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức khi thực hiện CĐS nhưng ngành GD&ĐT Bình Dương đã chủ động bắt nhịp, tiến từng bước để tạo ra những đột phá mới. Với các mục tiêu, giải pháp cụ thể cùng sự vào cuộc của địa phương, các cơ sở giáo dục và tinh thần không ngại đổi mới của cán bộ, giáo viên đã tạo được những bước tiến mới trong hành trình CĐS. Đây được xem là nền móng vững chắc thúc đẩy CĐS trong giáo dục phát triển.

Thực hiện việc CĐS, đến nay 100% cơ sở giáo dục ở Bình Dương được trang bị hệ thống mạng internet cáp quang bảo đảm đường truyền ổn định, đáp ứng nhu cầu dạy học trực tuyến và truy cập thông tin. 100% các cơ sở giáo dục phổ thông đều được trang bị máy vi tính, tivi, máy chiếu, màn chiếu, màn hình cảm ứng và các bộ camera/ mic phù hợp cho việc giảng dạy trực tuyến. Nhiều trường học đã triển khai các nền tảng dạy học trực tuyến như Microsoft Teams, Zoom, Google Meet... để tổ chức các lớp học trực tuyến, bổ trợ cho hình thức dạy học truyền thống. Các nền tảng này giúp học sinh có thể tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên tương tác với học sinh hiệu quả hơn.

Năm học 2022-2023, 2023- 2024 lĩnh vực giáo dục tiểu học đã triển khai thí điểm và đẩy mạnh thực hiện mô hình “Lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến”, với số lượng 158/158 cơ sở giáo dục trang bị thiết bị dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến; các cơ sở giáo dục tiểu học thực hiện dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến trong nhà trường, kết nối với các trường trong huyện hoặc liên huyện để góp phần giảm áp lực về tình trạng thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, 100% cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện chữ ký số xác thực học bạ điện tử từ năm học 2022- 2023 và số hóa hồ sơ giấy tờ…

Nhờ ứng dụng công nghệ, công tác quản lý giáo dục được tinh gọn, hiệu quả hơn; chất lượng dạy và học được nâng cao; học sinh có môi trường học tập hiện đại, sáng tạo hơn. Cô Hà Thị Anh Thơ, giáo viên trường Tiểu học Hội Nghĩa (TP. Tân Uyên) chia sẻ: “CĐS đã giúp tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức trong công tác giảng dạy. Nhờ có các phần mềm soạn giáo án, chấm điểm điện tử, quản lý lớp học… tôi có thể hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ngoài ra, CĐS cũng giúp tôi tiếp cận với nhiều tài liệu giảng dạy hay và cập nhật hơn, từ đó nâng cao chất lượng dạy học của bản thân”.

Nâng cao chất lượng giáo dục trong kỷ nguyên số

Năm 2024, Sở GD&ĐT đăng ký thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm về CĐS, trong đó trọng điểm là triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; công tác quản lý giáo viên, học sinh và các hồ sơ thuộc cấp trung học phổ thông sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ thông tin; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu văn bằng chứng chỉ; xây dựng thư viện số và thí điểm trường học thông minh... đồng thời, tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch giai đoạn đã đề ra.

Nói về công tác CĐS bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trong nhiều giải pháp đề ra, ngành GD&ĐT luôn xác định việc thực hiện hiệu quả đề án CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập là điều kiện tiên quyết tiến tới xây dựng thành công trường học thông minh, trường học hạnh phúc trên địa bàn tỉnh. Dưới sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ của các sở ngành, địa phương, đến nay công tác CĐS của ngành đã hoàn thành được nhiều chỉ tiêu đề ra. Một trong những kết quả đáng khích lệ là đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thời gian qua đã nỗ lực tiếp cận, thích nghi và ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào quá trình quản lý, giảng dạy tại đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn ngành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS trong ngành vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Trước thực trạng đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức nhiều đợt học tập kinh nghiệm thực tế tại các tỉnh, thành phố; đồng thời, tổ chức hội nghị lắng nghe các đơn vị trình bày giải pháp về thực hiện CĐS đối với ngành GD&ĐT và đã lựa chọn, ký kết hợp tác trong triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT. Đây là điều kiện tiên quyết để ngành giáo dục thực hiện thành công các nhiệm vụ về CĐS theo kế hoạch đã đề ra.

“CĐS diễn ra nhanh hay chậm không chỉ phụ thuộc vào tiến bộ công nghệ, mà phần lớn phụ thuộc vào người dùng công nghệ. Do đó, thời gian tới ngành giáo dục sẽ quan tâm đến công tác xây dựng, bồi dưỡng CĐS, công nghệ số cho cán bộ, công chức, người lao động trong ngành; lồng ghép giảng dạy kỹ năng số cho học sinh trong trường học và phối hợp hướng dẫn phụ huynh học sinh tiếp cận với môi trường số, thúc đẩy quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh”, bà Hằng nhấn mạnh.

CĐS đang mở ra những cơ hội mới cho ngành giáo dục Bình Dương. Với sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, ngành GD&ĐT và toàn xã hội, tin tưởng rằng giáo dục Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Sở GD&ĐT đã công bố trang cơ sở dữ liệu ngành tại địa chỉ csdl. binhduong.edu.vn. Đây là hệ thống lưu trữ, quản lý và cung cấp các thông tin hoạt động của ngành GD&ĐT, là nền tảng khởi đầu để toàn ngành triển khai thực hiện hiệu quả công tác CĐS theo kế hoạch đã đề ra, trong đó bao gồm thông tin dữ liệu về trường, lớp, học sinh, đội ngũ đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của bộ.

HỒNG PHƯƠNG