Chuyển đổi số hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn

Thứ hai, ngày 10/10/2022

(BDO)

Đồng bộ, quyết liệt

CĐS quốc gia chính thức được khởi động từ năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 được xác định là giai đoạn tăng tốc với những hành động cụ thể... Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định lấy ngày 10-10 hàng năm là Ngày CĐS quốc gia. Ngày CĐS quốc gia là dịp để đánh giá kết quả CĐS của các bộ, ngành, địa phương và cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới nhằm đẩy nhanh tiến trình CĐS quốc gia.

Xác định CĐS là xu thế tất yếu, Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc thực hiện CĐS toàn diện đối với các sở ngành, địa phương trực thuộc. Theo đó, các sở ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức Nhà nước được giao nhiệm vụ xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện CĐS trong phạm vi, lĩnh vực mình phụ trách. Việc thực hiện CĐS phải được thực hiện đồng bộ, các hệ thống lưu trữ, cơ sở dữ liệu cần được xây dựng bảo đảm đúng quy chuẩn kỹ thuật và kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử của tỉnh và các bộ, ngành Trung ương. Tiến trình CĐS được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên khắp mọi lĩnh vực, địa phương cũng đang giúp Bình Dương tiếp cận và bước vào sân chơi chuyên nghiệp, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển.

Ông Nguyễn Văn Lợi (thứ 2 từ trái qua), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham quan Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Tính đến nay, hầu hết các sở ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức Nhà nước tại Bình Dương đã thực hiện CĐS một phần. Ngoài ra, trong giai đoạn 2021- 2030, các đơn vị cũng đã xây dựng lộ trình, kế hoạch hoàn thành công tác CĐS toàn phần theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Có thể nói, công tác thực hiện CĐS đang được các sở ngành, địa phương triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt.

Phát biểu trong cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh mới đây, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các sở ngành, địa phương tích cực triển khai và thường xuyên giám sát công tác CĐS trong môi trường Nhà nước và tích cực phối hợp, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện CĐS để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các sở ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp - chủ thể chính tham gia các tiện ích số hóa mà ngành chức năng, địa phương triển khai - hiểu và hưởng ứng. Chính quyền điện tử cần gắn liền với công dân điện tử và doanh nghiệp điện tử thì mới đồng bộ và hiệu quả.

Vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân

CĐS cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Từ thực tế đó, nhằm lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội, Bình Dương đã có những cách làm sáng tạo. Mới đây, tỉnh đã triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng. Các tổ này sẽ là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS các cấp đến các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương trong việc triển khai thống nhất các hoạt động CĐS trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả hoạt động các tổ sẽ thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong hoạt động CĐS của các cấp chính quyền, đoàn thể ở tuyến cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp; thực thi có hiệu quả chủ trương “lấy người dân làm trung tâm” trong CĐS; để người dân thấy được giá trị và lợi ích của CĐS, từ đó chủ động tham gia, đồng hành với quá trình CĐS…

Chuyển đổi số giúp người dân dễ dàng nắm bắt thông tin về tiến trình xử lý hồ sơ theo sở, ngành tại hệ thống một cửa, Cổng dịch vụ công của tỉnh

Hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng trên địa bàn. Với chủ đề “CĐS giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS được tổ chức trong tháng 10, trọng tâm từ ngày 1 đến 10-10. Các hoạt động bao gồm: Tổ chức phát động và khuyến khích sáng kiến hành động CĐS trong hoạt động quản lý các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu sử dụng các giải pháp sẵn có hoặc sáng kiến tạo ra ứng dụng CĐS thiết thực để giải quyết các vấn đề của xã hội đang đặt ra như phổ cập kỹ năng số, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, làm sạch môi trường số...; tổ chức hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng để phổ biến, hỗ trợ người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số; tổ chức các hoạt động CĐS của doanh nghiệp, khuyến khích mỗi đơn vị có ít nhất một sáng kiến CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp cận nền tảng số thiết thực và hiệu quả...

Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các hoạt động được tổ chức từ ngày 1 đến 10-10 hoặc trong tháng 10-2022 với các loại hình phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; phù hợp với mục đích, ý nghĩa, tinh thần cũng như chủ đề của Ngày CĐS quốc gia năm 2022, góp phần nâng cao Chỉ số đánh giá CĐS (DTI) của tỉnh năm 2022. Qua đó, các hoạt động cũng nhằm tuyên truyền chủ trương của Trung ương và của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS; tạo thành động lực để đẩy nhanh và đồng bộ công cuộc CĐS của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về CĐS quốc gia, thực hiện có hiệu quả chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Chương trình CĐS quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước khi đặt ra các mục tiêu cụ thể: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh... Đến nay, tất cả 22 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS; 17 bộ, ngành và 57 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án CĐS số giai đoạn 5 năm.

THỤC VĂN