Chuyển đổi số hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội
(BDO) Với chủ trương “đem lại lợi ích tối đa cho người dân”, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tỉnh đang đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt các chế độ đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Hoạt động này đã tạo thuận lợi cho các đối tượng được thụ hưởng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Chi trả chế độ qua thẻ ATM
Năm nay, bà Nguyễn Thị Ra ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo đã bước sang tuổi 80. Từ năm 2001, bà Ra bắt đầu được hưởng chế độ trợ cấp cho người bị nhiễm chất độc da cam. Trước đây, để nhận tiền trợ cấp hàng tháng, bà Ra phải đến UBND xã để nhận tiền. Thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, hiện nay bà Ra không cần đến UBND xã mà vẫn có thể nhận đầy đủ số tiền được hưởng qua tài khoản ngân hàng. Sự thay đổi này mang đến nhiều tiện lợi cho bà Ra.
Không chỉ bà Ra được ngành LĐTB&XH tỉnh chi trả chế độ qua thẻ ATM mà tính đến nay, toàn tỉnh có 36.384 đối tượng được thực hiện chỉ trả trợ cấp thường xuyên thông qua thẻ ATM, chiếm tỷ lệ 79%. Trong đó, người có công chiếm tỷ lệ 89%, bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ 69%. Công tác tổ chức chi trả không dùng tiền mặt được thực hiện khoa học và hợp lý, bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian của người nhận trợ cấp an sinh xã hội.
Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân sử dụng căn cước công dân đã được tích hợp để lấy số đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Ảnh: KIM HÀ
Thực hiện mô hình An sinh xã hội thông qua ứng dụng định danh điện tử (VNeID), Sở LĐTB&XH tỉnh đã phối hợp với các ngành, các địa phương làm sạch dữ liệu và quản lý trên hệ thống phần mềm chuyên ngành với 2 nhóm chính là người có công và bảo trợ xã hội. Hiện sở đã cung cấp danh sách cụ thể của 36.384 đối tượng chi trả trợ cấp qua thẻ ATM cho Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) triển khai giải pháp hiển thị trạng thái quản lý chi trả an sinh xã hội trên app công dân số tỉnh và ứng dụng VNeID.
‘‘ Để thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đạt kết quả tốt, ngành cũng đề xuất hệ thống các Ngân hàng Trung ương nghiên cứu, trang bị thêm các trụ ATM cho các địa phương chưa được trang bị để đáp ứng nhu cầu rút tiền của các nhóm đối tượng trong thời gian tới. Đặc biệt, các trụ ATM cần thiết kế lối đi riêng dành cho người khuyết tật”. (Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) |
Thực tế cho thấy, chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đã tạo thuận tiện cho các đối tượng hưởng chính sách. Một số người nhận không ở tại địa phương không cần phải làm giấy ủy quyền mà vẫn được nhận chế độ đầy đủ, kịp thời. Mặt khác, phương thức chi trả này bảo đảm an toàn cao cho đơn vị vận chuyển, giữ tiền khi tiến hành chi trả.
Còn nhiều khó khăn
Trong quá trình triển khai thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt, ngành LĐTB&XH tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Đa phần người có công, bảo trợ xã hội là người lớn tuổi, có hoàn cảnh đặc biệt (người tâm thần, người khuyết tật, trẻ mồ côi) nên không có thông tin đầy đủ để cấp mã định danh và căn cước công dân. Nhiều trường hợp làm đi làm lại nhiều lần nhưng không thể mở được thẻ ATM do thiếu thông tin hoặc không ký được tên theo quy định của hệ thống ngân hàng.
Trên thực tế, việc mở tài khoản và sử dụng thẻ ATM cho những đối tượng này bị hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ. Trong khi cây ATM lại lắp đặt rất ít nên gây khó khăn cho việc rút tiền. Một số đối tượng đăng ký thường trú tại địa phương nhưng thường xuyên đi làm ăn, sinh sống tạm trú tại địa phương khác hoặc thay đổi địa chỉ nên việc cập nhật thông tin có lúc chưa kịp thời.
Để thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt đạt được kết quả, góp phần thực hiện thành công Đề án 06 của Chính phủ, ngành LĐTB&XH tỉnh kiến nghị các cơ quan chức năng cần cải tiến, nâng cấp, hoàn thiện thêm các chức năng, tiện ích trên phần mềm dịch vụ công; chia sẻ kết nối dữ liệu từ phần mềm chuyên ngành để hỗ trợ cho người dân và cán bộ thực hiện dễ dàng, thuận tiện hơn. Bên cạnh việc duy trì thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội theo chỉ đạo, một số đối tượng người có công, bảo trợ xã hội (người cao tuổi, người tâm thần, người khuyết tật không khả năng đi lại, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn dưới 15 tuổi) vẫn tiếp tục thực hiện chỉ trả bằng tiền mặt thông qua hệ thống bưu điện nhằm kịp thời chỉ trả trợ cấp ưu đãi cho đối tượng theo quy định.
Thanh niên huyện Phú Giáo tuyên truyền, hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt
Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh, cho biết nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Sở LĐTB&XH đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc sở đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái, cơ sở dữ liệu của ngành trên cơ sở khai thác tối đa kết quả của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả. “Với quyết tâm dứt khoát thực hiện thành công việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt theo Đề án 06, cán bộ toàn ngành hợp lực đẩy mạnh thực hiện chủ trương này. Chính sự quyết tâm, kiên trì tuyên truyền, vận động nên đến nay việc chi trả các khoản trợ cấp không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đã mang lại kết quả tích cực. Điều này không chỉ mang lại tiện lợi cho các đối tượng mà còn góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh”, ông Trịnh Đức Tài khẳng định.
KIM HÀ