Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển

Thứ ba, ngày 12/11/2024

(BDO) Việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp đã và đang góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, chuyển đổi số (CĐS) sẽ mang lại nhiều yếu tố thuận lợi cho Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) phát huy hiệu quả kinh tế cao.


Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP bưởi của xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên thông qua điện thoại thông minh 

Việc tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng công nghệ, sàn thương mại điện tử (TMĐT) được xem là giải pháp tối ưu tạo ra những kênh phân phối mới, hiện đại. Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã tham gia giao dịch trên các sàn postmart.vn, voso.vn, binhduongtrade.vn, foodmap…

Hiện toàn tỉnh đã có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn TMĐT và 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để mua - bán trên các sàn này. Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đặt ra mục tiêu năm 2025 có trên 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có gian hàng số trên các sàn TMĐT và có trên 60% số hộ có tài khoản thanh toán điện tử.

Nhằm phát triển bền vững thị trường TMĐT, thúc đẩy giao thương, năm 2024, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp trong khu vực. Đến nay, toàn tỉnh đã có 219 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao và được tiêu thụ trên các sàn TMĐT. 

Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP. Công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% - 50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%...



Các sản phẩm OCOP tỉnh tham gia Hội chợ Kết nối cung cầu tỉnh Bình Dương nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Có thể thấy, việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT giúp xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của Bình Dương ngày càng mạnh mẽ. Thông qua việc lấy hoạt động xúc tiến thương mại làm động lực và CĐS là nền tảng, chương trình OCOP hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP, đặc biệt thông qua kết nối với các kênh phân phối hiện đại, phù hợp với sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và thị trường. 

Các chủ thể OCOP đã chủ động áp dụng CĐS trong các giai đoạn sản xuất, chế biến và quảng bá sản phẩm như áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc kết hợp mã QR, giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội. Từ kết quả đạt được cho thấy, CĐS đã giúp ngành nông nghiệp nói chung và các chủ thể sản xuất có khả năng quảng bá rộng rãi hơn, tăng doanh số bán hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ, đạt mục tiêu đưa sản phẩm OCOP của địa phương vươn ra thị trường thế giới. 

Theo ông Nguyễn Phong Huy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, mục tiêu đến năm 2025, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; ít nhất 150 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP; ít nhất 80 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia. 

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã đưa ra các giải pháp đồng bộ, tập trung phát huy lợi thế các địa phương, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…, tăng cường nguồn lực và xây dựng cơ chế hỗ trợ các chủ thể tham gia chu trình sản phẩm OCOP. 

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng chú trọng truy suất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, đảm bảo quy trình chất lượng để xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS, xây dựng hồ sơ bộ quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP… Đồng thời, ngành tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức về phát triển các sản phẩm OCOP gắn với CĐS trong nông nghiệp, nông thôn.

Nhằm phát triển bền vững thị trường TMĐT, thúc đẩy giao thương, năm 2024, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp trong khu vực. Đến nay, toàn tỉnh đã có 219 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao và được tiêu thụ trên các sàn TMĐT. 

Thoại Phương - Hải Dương