Chuyển đổi số - đòi hỏi tất yếu
(BDO) Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đã trở thành nhu cầu, đòi hỏi tất yếu trong phát triển. Những năm qua, Bình Dương đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Bình Dương hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển bền vững, xây dựng thành phố hiện đại, thông minh.
Thực hiện chiến lược đột phá về chuyển đổi số, Bình Dương đã triển khai đồng bộ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. Trong đó, hạ tầng viễn thông liên tục được các DN đầu tư, phát triển theo hướng hiện đại. Mạng cáp quang phủ đến cấp xã, sóng thông tin di động phủ 100% địa bàn, hạ tầng thông tin di động 3G, 4G đã phủ khắp các khu đô thị và khu công nghiệp với hơn 2.500 trạm thu phát sóng di động, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ với chất lượng ngày càng cao. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, bảo đảm điều kiện kỹ thuật cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và DN. 100% các cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, xã có hệ thống mạng nội bộ…
Theo Ths Nguyễn Thúy Duy, Tạp chí Cộng sản, trong thời gian tới Bình Dương cần đẩy mạnh triển khai sử dụng các nền tảng dùng chung có sẵn; xây dựng, triển khai chính sách khuyến khích để các cơ quan, tổ chức, DN, cộng đồng trên địa bàn tiên phong đưa ra các bài toán, vấn đề, những thách thức cần giải quyết bằng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Từ đó thúc đẩy các DN công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển các giải pháp, sản phẩm công nghệ số để đáp ứng yêu cầu.
PHƯƠNG LÊ