Chuyển đổi số để đến gần hơn với độc giả
(BDO) Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm thay đổi mạnh mẽ các phương thức truyền thông, dẫn đến xu thế truyền thông hội tụ và đa phương tiện. Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí ở Bình Dương đã đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) để tiếp cận ngày càng nhiều đối tượng độc giả hơn; góp phần định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng và đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả.
Ê kíp Phòng Giải trí Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương thực hiện truyền hình trực tiếp và livestream Giải xe đạp nữ Quốc tế Bình Dương Cúp Biwase
Dễ tiếp cận độc giả hơn
Hiện nay, sự chuyển dịch phương thức tiếp cận thông tin của bạn đọc, nghe, xem trực tiếp đang diễn ra nhanh chóng. Các cơ quan báo chí dùng trí tuệ nhân tạo để định hướng, dẫn dắt bạn đọc là xu thế tất yếu. Để làm được việc này, các cơ quan báo chí phải có chiến lược tổ chức, vận hành, quản lý, CĐS theo mô hình đa nền tảng mới có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc.
Theo nhà báo Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương (BTV), BTV không ngừng đổi mới mô hình tổ chức và quản lý, xây dựng BTV thành một cơ quan báo chí đa phương tiện hiện đại. BTV đã đổi tên, hợp nhất, giải thể và sáp nhập từ 14 đơn vị phòng và 3 đơn vị trực thuộc thành 8 đơn vị phòng. Xây dựng một mô hình tổ chức, quản lý và phân công lao động hợp lý trong cơ quan báo chí nói chung, ở BTV nói riêng là điều quan trọng để lãnh đạo cơ quan báo chí cũng như những người làm báo phát huy hiệu quả công việc. Điều này vừa giúp cơ quan báo chí làm tốt công tác tuyên truyền, vừa giúp xây dựng thương hiệu qua chất lượng tác phẩm báo chí. Trước mắt, việc xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện, tòa soạn hội tụ sẽ được BTV thực hiện từng bước, tiến tới chuyên nghiệp như xu hướng vận động chung của ngành.
Chia sẻ với chúng tôi về thực hiện CĐS của Tạp chí Văn nghệ Bình Dương, ông Ngô Phước Chánh, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cho biết đơn vị đã tổ chức tập huấn công tác gửi, nhận, chuyển, xử lý các văn bản qua phần mềm quản lý văn bản cho các cán bộ, nhân viên, hội viên. Nếu như trước đây, các tác giả thường trực tiếp đến văn phòng Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh để gửi bài, thì nay thường gửi qua Email, Zalo. Việc gửi, nhận bài viết, bài minh họa, đưa tin, chuyển nhuận bút... cũng thông qua hình thức trên.
Ông Lê Quốc Dũng, Phó trưởng Đài Truyền thanh TP.Dĩ An, cho hay đơn vị đã thí điểm phát sóng ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông 2 cụm tại phường Tân Bình và phường Tân Đông Hiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng ưu thế của các nền tảng mạng xã hội: Facebook, YouTube, TikTok... Thông qua các nền tảng mạng xã hội, Đài Truyền thanh TP.Dĩ An đã thu hút trên 17.000 người thích, trên 25.000 lượt người theo dõi. Hàng tháng, đài tiếp nhận gần 30 ý kiến kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan đến các vấn đề dân sinh như: An ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…
Với những nỗ lực đổi mới nội dung và hình thức tiếp cận, Báo Bình Dương cũng đã thực hiện tốt mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện. Các sản phẩm báo chí mới liên tục được cập nhật trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok, YouTube… Qua đó, fanpage báo đã thu hút hơn 45.000 người theo dõi, hàng triệu lượt xem, like, bình luận và chia sẻ các tin, bài, chương trình đến các đối tượng độc giả trong nước và quốc tế.
Định hướng dư luận tốt hơn
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách trong tiến trình thực hiện CĐS, nhưng các cơ quan báo chí ở Bình Dương vẫn đang kiên trì thực hiện. Bởi CĐS là xu hướng tất yếu, góp phần xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước.
Trang fanpage của Báo Bình Dương thu hút hơn 45.000 người theo dõi, hàng triệu lượt xem, like, bình luận và chia sẻ
Ông Nguyễn Thanh Quang cho rằng, truyền thông truyền thống cần bám sát, cập nhật công nghệ mới, phương thức tổ chức sản xuất thông tin mới trên OTT, các kênh số như: YouTube, Facebook, TikTok; mở rộng các kênh tiếp cận với đời sống nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội, nhất là khi có những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan cần có một chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Bởi khi máy móc thay thế nhiều phần việc của con người, đặc biệt là sự xuất hiện của những phần mềm chuyên dụng, sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép người làm báo có thể tiếp cận và tổng hợp nguồn thông tin trên toàn cầu, mở ra cơ hội thuận lợi cho việc nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của công chúng, chủ động tìm kiếm, khai thác đề tài.
Trong khi đó, theo ông Lê Quốc Dũng, đơn vị sẽ thường xuyên tự nghiên cứu, cập nhật các kiến thức về chuyên môn, về công nghệ thông tin, nhất là trí tuệ nhân tạo để kịp thời nắm bắt xu hướng phát triển của xã hội nhằm đổi mới chất lượng sản xuất chương trình phát thanh phù hợp với xu thế chung của thời đại. Thông qua các sản phẩm và thông qua các nền tảng mạng xã hội do đài quản lý, đài sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, kịp thời phản hồi, giải đáp thắc mắc cho người dân để góp phần cùng địa phương xây dựng TP.Dĩ An ngày càng giàu đẹp, văn minh. Thành phố phấn đấu giai đoạn 2023- 2025, định hướng đến năm 2030 có 7/7 Đài truyền thanh phường được CĐS, tỷ lệ phủ sóng đạt 95% hộ nghe đài với đầy đủ thiết bị được CĐS và đạt chất lượng kỹ thuật, thiết bị sản xuất chương trình, thiết bị bảo vệ phòng máy…
MINH HIẾU