Chuyển đổi số: Chìa khóa để doanh nghiệp phục hồi sản xuất
(BDO) Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 phát triển mạnh, tạo cơ hội kinh doanh mới, nâng cao lợi thế cạnh tranh và tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp (DN). Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều DN hoạt động theo phương thức truyền thống gặp khó khăn, buộc phải thay đổi và chủ động tìm cách thích ứng. CĐS giúp DN sẵn sàng “sống chung với dịch”, là chìa khóa để phục hồi sản xuất, tận dụng cơ hội bứt phá.
Chuyển đổi số giúp DN sẵn sàng “sống chung với dịch”, phục hồi sản xuất, tận dụng cơ hội để bứt phá. Trong ảnh: Công ty TNHH Điện tử Foster, Khu công nghiệp VSIP II đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, vận hành sản xuất
Thích ứng để bứt phá
Để thích ứng trước tình hình dịch bệnh, DN phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tìm kiếm khách hàng, xuất khẩu trực tuyến, vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh. Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin, Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh, chiến thuật CĐS của Becamex IDC đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình ứng dụng công nghệ số vào quản trị. Thời gian qua, Becamex IDC đã áp dụng hệ thống văn phòng điện tử, có thể tăng tốc độ xử lý một nhiệm vụ từ 5 - 7 lần và giảm chi phí hoạt động của một số lĩnh vực từ 50 - 70%. Dịch Covid-19 có rủi ro rất lớn cho các DN, nguy cơ gặp phải bẫy thu nhập trung bình cho Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng cũng cao. Chúng ta cần có những bước tiến và đầu tư mạnh mẽ, tạo ra những phương tiện sản xuất mới để hỗ trợ những nhà đầu tư. Đó là lý do chũng tôi thành lập trung tâm sản xuất thông minh. Kỳ vọng sẽ là một trung tâm hợp tác công tư, nghiên cứu phát triển để chuyển giao công nghệ”.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin Tổng Công ty Becamex IDC: “Đề án thành phố thông minh Bình Dương có sự khác biệt với các địa phương khác chính là mô hình “3 nhà”. Tức là đi vào hợp tác chuyển giao tri thức giữa 3 nhà (nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp). Chúng tôi được hưởng lợi từ các chính sách đó, nghĩa là hưởng lợi được từ những thành quả nghiên cứu từ các trường đại học. Mặt khác, chúng tôi cũng tiếp cận được các hãng công nghệ trong mô hình “3 nhà” để hiểu được công nghệ nào phù hợp với quá trình CĐS của Becamex IDC, đi vào nội hàm của của quá trình vận hành tri thức trong xã hội”. |
CĐS thực sự đã tạo ra sự thay đổi tích cực cho toàn bộ chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng trải nghiệm cho người tiêu dùng, hỗ trợ vận hành sản xuất, canh tác bền vững, đem đến một môi trường làm việc an toàn, hiệu suất và có tính kết nối nhiều hơn cho nhân viên. Ông Trần Hưng Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster, Khu công nghiệp VSIP II, cho biết: “Công ty chuyên sản xuất các linh kiện điện tử theo dây chuyền tự động. Hệ thống sản xuất, kiểm tra hàng hóa tự động hóa. Việc đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, tự động đã cho hiệu quả tăng gấp 5 lần so với thông thường. Trước tình hình dịch bệnh vừa qua, tuy có hạn chế về nguồn nhân lực nhưng do công ty ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, thực hiện CĐS nên hoạt động không bị ảnh hưởng nhiều”.
Ông Đạo cho biết thêm, hiện tại công ty đã thực hiện CĐS, sử dụng một số hệ thống thông minh. Từ đầu vào đến đầu ra được quản lý bằng hệ thống. Đơn cử, để quản lý đầu vào về vật tư, quản lý truyền thống bằng Excel khiến cho hệ thống bị chậm. Hiện nay đầu vào vật tư chỉ cần quét mã vạch, kiểm tra trên hệ thống là biết vật tư này đã đi đến đâu, sản phẩm đang đến công đoạn nào. Thực hiện CĐS đã mang lại hiệu quả rất tốt. Khi áp dụng đã giảm được về nguồn nhân lực, giảm được rủi ro thất thoát hàng hóa, truy vết nhanh khi có sự cố xảy ra đối với sản phẩm.
Cần có cơ chế, chính sách
CĐS là kiến tạo mô hình kinh doanh mới, đưa ứng dụng công nghệ vào quản lý, giải quyết bài toán trong DN, xã hội. Rào cản lớn của DN trong thực hiện CĐS vẫn chủ yếu do chi phí ứng dụng công nghệ số cao, thiếu cơ sở hạ tầng, e ngại rò rỉ dữ liệu thông tin, thiếu nhân lực trình độ cao... Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết để CĐS thành công, con người là yếu tố quan trọng và quyết định sự sống còn, thành công. Nhân viên có rất nhiều thế hệ đan xen, cách tiếp cận công nghệ và trình độ tiếp nhận khác nhau, từng bước thuyết phục, kiên trì để thay đổi thói quen của họ. “Cần có con người có đủ khả năng để có thể hiểu được mô hình kinh doanh của DN. Từ đó lựa chọn được những chiến lược phù hợp để có thể vượt qua và thành công, mấu chốt đó là sự cam kết của lãnh đạo. Lần đầu tiên khi Becamex IDC triển khai hệ thống văn phòng tự động mất gần 1 năm, nhưng khi triển khai cho các đơn vị thành viên, với quyết tâm của lãnh đạo, thời gian chỉ khoảng 2 tháng”, ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Theo các chuyên gia, nhà cung cấp giải pháp, Chính phủ cần hỗ trợ CĐS thông qua việc tăng cường xây dựng các quy tắc, quy định thúc đẩy kinh doanh không dùng giấy tờ; hỗ trợ tài chính cho việc ứng dụng công nghệ số, minh bạch hóa các quy tắc, quy định về quản lý dữ liệu. Hơn lúc nào hết, trước tình hình dịch bệnh, việc DN thực hiện CĐS là rất cần thiết, là “chìa khóa” để “mở cánh cửa” cho khôi phục sản xuất.
UBND tỉnh đã ra Quyết định số 816/QĐ-UBND về việc Ban hành Kế hoạch CĐS tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số là làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cách sống, cách làm việc của người dân trên môi trường số và dựa trên dữ liệu và công nghệ số, góp phần thực hiện mục tiêu Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và các nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.
Để thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp, gồm chuyển đổi nhận thức, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu; ứng dụng, phát triển nền tảng số; bảo đảm an toàn và an ninh thông tin; nghiên cứu, phát triển, hợp tác quốc tế và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; phát triển nguồn nhân lực, đo lường chuyển đổi.
Tin tưởng rằng, với những giải pháp trên của UBND tỉnh sẽ tạo thuận lợi cho các DN thực hiện CĐS, vượt qua những khó khăn do đại dịch mang lại, đồng thời tận dụng cơ hội để bứt phá.
Mục tiêu phát triển chuyển đổi số của Bình Dương đến năm 2025: - Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. - Chỉ tiêu phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gồm kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; 50% DN nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng giao dịch thương mại điện tử. Tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ thương mại điện tử đạt từ 50% trở lên. - Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số gồm hạ tầng mạng internet băng rộng phủ trên 99% hộ gia đình, 100% xã. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; 100% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có nội dung đào tạo gắn với chuyển đổi số, công nghệ số thương mại điện tử. |
PHƯƠNG LÊ