Chuyển đổi, nâng cao vị thế công nghiệp nội tỉnh

Thứ hai, ngày 25/03/2024

(BDO)  Bình Dương luôn đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dù vậy kết quả đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế. Do đó, một trong những trọng tâm ưu tiên của tỉnh là đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực được xác định tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng bền vững.

 Trường Đại học Quốc tế Miền Đông xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Bình Dương

 Kỳ vọng công nghiệp công nghệ cao

Đến nay, Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp (KCN) được thành lập trong tổng số 34 KCN theo quy hoạch. Các KCN của tỉnh đều có tỷ lệ lấp đầy cao, nhưng các doanh nghiệp (DN) tại địa phương chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang là điểm yếu của ngành công nghiệp địa phương. Bình Dương đang tiếp tục cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh, nâng cấp các KCN hiện hữu trở thành các KCN thông minh để tập trung vào hiện đại hóa các ngành công nghiệp hiện hữu, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợnhằm tăng tỷlệnội địa hóa, tạo điều kiện để phát huy nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia vào quá trình phát triển.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Bình Dương định hướng thời gian tới sẽ thu hút đầu tư công nghệ cao và hiện đã tập trung nhiều giải pháp thông qua Đề án “Thành phố thông minh”. Theo đó, Bình Dương đang tạo điều kiện để Công ty THACO Industries sớm xây dựng KCN Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ đô la Mỹ) tại tỉnh. KCN cơ khí này sẽ không chỉ phục vụ lĩnh vực ô tô mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực công nghiệp khác. Việc hình thành KCN Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu, tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển, đồng thời tạo cơ hội, giúp cộng đồng DN trong nước lớn mạnh, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Để ưu tiên phát triển và nâng tầm ngành công nghiệp của tỉnh, Bình Dương đã và đang hình thành một số KCN, cụm công nghiệp liên ngành. Đến nay, đã có nhiều dự án về công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại tỉnh. Điển hình như dự án của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc), Polytex Far Eastern (Đài Loan), Tetra Park (Singapore), Mitsubishi (Nhật Bản), Procter & Gamble (Mỹ), Kumho (Hàn Quốc), Messer (Đức), Lego (Đan Mạch)…

Trong thu hút đầu tư, Bình Dương cũng lựa chọn, ưu tiên nhà đầu tư có tầm nhìn, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. Tập đoàn Cicor (Thụy Sĩ) là một trong những DN sản xuất điện tử phát triển nhanh nhất tại châu Âu, chuyên sâu vào công nghệ cao. Đến nay, các Nhà máy Cicor (Việt Nam) tại Bình Dương đạt đến mức độ sản xuất tầm thế giới, ngang tầm các nhà máy sản xuất tại Thụy Sĩ, Đức và Hoa Kỳ. Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư Đức vào Bình Dương mới đây, ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng Giám đốc Cicor Việt Nam, chia sẻ Circo có mặt tại Bình Dương từ năm 1999, hiểu rất rõ sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh và sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ngành. Circo đã xây dựng nhà máy thứ 4 tại Bình Dương với diện tích 12.000m2 không chỉ tăng gấp đôi khả năng sản xuất của tập đoàn tại Việt Nam, mà còn phát triển thêm khả năng kỹ thuật.

Theo ông Nagato Takahiko, Chủ tịch Chi hội các DN Nhật Bản tại Bình Dương, Bình Dương là địa phương được DN Nhật Bản lựa chọn đầu tư nhiều vào lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể là các lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chế tạo máy móc, điện tử, chế biến sâu... DN Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển.

Ông Mai Hùng Dũng cho biết để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm... Trong đó, chú trọng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao.

Bình Dương đang tập trung xây dựng thành phố thông minh và KCN Khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang nỗ lực hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, phát triển các KCN nhằm kết nối giao thông liên vùng, nhất là các tuyến đường huyết mạch kết nối với sân bay, các cảng biển để rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa cho DN.

 Hiện nay, chính sách kêu gọi đầu tư của Bình Dương đã có sự chuyển hướng sang thu hút đầu tư chọn lọc các DN có công nghệ và giá trị gia tăng cao, có mối liên kết với các DN nội địa. Bên cạnh đó, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về vùng Đông Nam bộ và định hướng trong quy hoạch quốc gia cũng đã đặt mục tiêu đưa tiểu vùng phát triển gồm TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương trở thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.

NGỌC THANH